Liệu pháp nào cứu đồng euro?
Trong khi các quốc gia châu Âu và Mỹ đang có mặt tại Wroclaw (Ba Lan) để tham dự cuộc họp nhóm khẩn cấp chống khủng hoảng nợ, Economist ngày 17.9 đã đưa ra bài phân tích con đường giải cứu đồng euro khỏi nguy cơ tan rã.
Theo các chuyên gia kinh tế của Economist, cách duy nhất để ngăn chặn đà đi xuống không kiểm soát được của đồng euro hiện nay là các nhà lãnh đạo phải hành động khẩn cấp trên quy mô lớn, nhằm xây dựng một loạt các biện pháp tài chính ngăn chặn khủng hoảng và phát hành trái phiếu eurobond để các nước trong khu vực có thể vay tập thể và cùng bảo đảm các khoản vay.
Một phụ nữ ăn mì pizza trong một cửa hiệu có treo ký hiệu đồng euro vào những ngày các bộ trưởng tài chính EU họp tại Wroclaw và cuộc họp không thành công. Ảnh: Reuters
Bốn mục tiêu khẩn cấp
Thứ nhất, phải phân loại rõ ràng ở châu Âu, chính phủ quốc gia nào không có khả năng thanh khoản nợ và chính phủ nào không có khả năng thanh toán nợ, để bán lại các khoản nợ không giới hạn cho các nước có khả năng gánh nợ và tái cơ cấu lại các khoản nợ cho các nước không có khả năng chi trả.
Thứ hai, phải vực dậy các ngân hàng châu Âu để đảm bảo rằng họ có thể chống lại được tình trạng vỡ nợ trong nước.
Thứ ba, cần phải thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô của khu vực đồng euro để giúp châu Âu thoát khỏi nỗi ám ảnh cắt giảm ngân sách, hướng tới tiêu chí tăng trưởng.
Thứ tư, châu Âu phải bắt đầu thiết kế một hệ thống tài chính mới để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng tương tự tái diễn trong tương lai. Mục tiêu này sẽ cần một khoảng thời gian dài để hoàn thành, vì nó liên quan đến những điều ước quốc tế mới và phải thông qua sự chấp thuận của quốc hội và cử tri các nước trong Cộng đồng chung châu Âu.
Ba giải pháp còn lại cần phải được quyết định nhanh chóng. Chính phủ các nước châu Âu và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải cùng nhau hành động ngay để kết thúc vòng tròn hoảng loạn luẩn quẩn hiện nay của nền kinh tế khu vực, bao gồm sự yếu kém tài chính của chính phủ, tình trạng mong manh của các ngân hàng và mối lo ngại về tỷ lệ tăng trưởng thấp.
Theo Economist, phản ứng của châu Âu từ khi cuộc khủng hoảng nợ công mới bắt đầu xảy ra là đã dựa quá nhiều vào biện pháp thắt lưng buộc bụng và kỳ vọng. Cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh tay được ưu tiên hàng đầu. Nhưng chính biện pháp này đã tự chuốc lấy thất bại vì thực sự cắt giảm ngân sách không giải quyết được nguyên nhân cốt lõi của khủng hoảng.
Cho nên, thay vì tiếp tục thắt lưng buộc bụng và kỳ vọng, cách giải cứu đáng tin cậy vào thời điểm này nên bắt đầu với mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nợ một cách nghiêm túc, nhiệm vụ mà châu Âu không thể tránh khỏi. Tất cả các nền kinh tế đang gặp khó khăn, kể cả có đủ khả năng trả nợ hay không, đều cần một chương trình mới về cải cách cơ cấu và tự do hoá. Giải phóng các dịch vụ, ngành nghề, công ty tư nhân, cắt giảm quan liêu và gia tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo điều kiện cải thiện tỷ lệ tăng trưởng. Đó là cách tốt nhất để giảm nợ.
Làm thế nào ngăn chặn sự lây lan?
Economist đề nghị hai biện pháp cùng lúc vào thời điểm này, có thể giải quyết được vấn đề ngăn chặn hiệu ứng lây lan từ sự sụp đổ tài chính của Hy Lạp đe doạ nhiều ngân hàng khác khắp châu Âu, cũng đồng thời tạo “không gian” cho các nước không mắc nợ thúc đẩy cải cách. Đó là một chương trình củng cố ngân hàng, có thể phải mất vài tháng để đưa vào hoạt động, và một chương trình hỗ trợ chính phủ các quốc gia không mắc nợ, có thể triển khai ngay lập tức.
Việc tái cấp vốn của các ngân hàng châu Âu phải căn cứ vào các cuộc kiểm tra thích hợp, lần này phải bao gồm cả khả năng vỡ nợ của Hy Lạp. Một số ngân hàng có thể huy động tiền trong thị trường chứng khoán, nhưng hầu hết các ngân hàng này đều dễ bị tổn thương nên cần sự giúp đỡ của chính phủ. Trong khi các quốc gia vùng lõi như Đức hay Hà Lan có đủ tiền mặt để “chăm sóc” ngân hàng trong nước, thì các nước ngoại vi lại cần tiền của khu vực đồng euro, lý tưởng nhất sẽ là từ quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF).
Tuy vậy, việc thành lập một quỹ Ngân hàng khu vực đồng euro cùng với một hội đồng giải pháp ngân hàng khu vực cũng sẽ là cần thiết. Đó sẽ là một phần trong công cuộc xây dựng một thể chế tài chính mới. Còn hiện giờ, ECB có thể giúp các ngân hàng bằng cách đưa ra một cam kết cung cấp thanh khoản không giới hạn hơn là chỉ trong thời hạn sáu tháng như hiện nay.
Tuyết Hạnh
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Liệu pháp nào cứu đồng euro?