Giá điện không thể tăng quá cao
Phải tái cấu trúc ngành điện để tách bạch các khâu phát, phân phối và quản lý điều hành mới đạt được sự minh bạch, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng




Ngày 18-8 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Thiết kế, cơ chế vận hành và kế hoạch thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh VN”.
Một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển thị trường điện cạnh tranh là giảm áp lực tăng giá điện. Theo cơ quan lập dự án Erav, giá điện hiện nay có nhiều bất hợp lý, không phản ánh kịp thời chi phí vì giá do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không điều chỉnh trong nhiều năm.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện nay khoảng 5,3 UScents/KWh, quá thấp so với các nước trong khu vực, không thể thu hồi được chi phí sản xuất kinh doanh ở các khâu phát điện, truyền tải và phân phối, cản trở đầu tư trong lĩnh vực phát điện. Giá điện chưa phân tách được theo chi phí sản xuất ở các khâu nên chưa thể có tín hiệu thu hút đầu tư. Chưa chuyển được chi phí phát điện cao sang giá bán lẻ điện...

Chuyển sang cơ chế giá điện theo thị trường, giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh tăng giảm định kỳ hằng năm và hằng quý theo biến động của các yếu tố đầu vào, phản ánh đúng và kịp thời chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện. Nếu theo cơ chế này, giá bán điện được phân tách thành giá của 4 khâu: phát điện, truyền tải, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ, phân phối và bán lẻ điện. Hằng năm, giá bán điện bình quân cơ sở được xây dựng và phê duyệt bảo đảm thu hồi được tổng chi phí cho sản xuất, kinh doanh điện trong năm của 4 thành phần giá điện tương ứng với các khâu nói trên.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia quan ngại là giá điện theo cơ chế thị trường có tăng quá cao, gây sốc đối với nền kinh tế hay không. Lo ngại này là có cơ sở vì Hiệp hội Năng lượng VN (VEA) đang đề nghị Chính phủ tăng giá điện lên 7-8 UScents/KWh.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết cơ quan nào cũng có thể đề xuất tăng giá điện nhưng theo quy định, chỉ có một cơ quan có trách nhiệm đề xuất là Tập đoàn Điện lực VN (EVN). VEA chỉ đại diện cho lợi ích của các thành viên trong hiệp hội gồm các nhà đầu tư xây dựng nguồn điện, không đại diện cho lợi ích của các thành phần khác.

Về phía đại diện cho người tiêu dùng lại yêu cầu giảm giá. VEA nói tăng giá để lấy vốn đầu tư chỉ đúng một phần. Không thể tăng giá điện quá cao theo yêu cầu bảo đảm đủ vốn đầu tư mà chỉ có thể tăng ở mức bảo đảm cho doanh nghiệp đủ tài chính hoạt động để vay vốn. “Nhu cầu vốn xây dựng nhà máy điện hiện nay quá lớn, tăng giá điện bao nhiêu cũng không đủ. Do đó, cần phải xây dựng giá ở mức phù hợp, làm hài lòng cả nhà sản xuất và người tiêu dùng” - ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, nhiệm vụ đầu tiên khi phát triển thị trường điện là thực hiện tái cơ cấu. Ở VN, nếu cứ giữ cấu trúc ngành điện như hiện nay với mô hình người mua, người bán và người điều hành là một thì khó đạt được sự minh bạch, không thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và không vận hành được theo cơ chế thị trường. Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế giá điện như cơ chế giá xăng dầu. Trong một khoảng thời gian nhất định, chi phí đầu vào tăng, giảm chưa đến mức lớn thì không điều chỉnh giá bán.

Nếu chi phí đầu vào tăng đến một ngưỡng nào đó sẽ điều chỉnh. Thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng giá điện được đề xuất là 3 tháng hoặc 6 tháng. Đó là giá bán điện. Riêng giá phát điện theo thị trường cạnh tranh sẽ thay đổi hằng giờ, hằng ngày. Thị trường điện cạnh tranh hoạt động theo cơ chế lên sàn chào giá và mua từ thấp đến cao. Mỗi nhà máy phát điện sẽ đưa bản chào giá từng giờ, cơ quan vận hành sẽ căn cứ giá chào để mua từ giá thấp đến giá cao.

======================

Gác qua giá KHP hiện tại và cũng không mong chờ nó tăng trong ngắn hạn, hiện nay các tin tức cải tổ về ngành điện đang xuất hiện dồn dập chủ yếu yêu cầu cải tổ, EVN không còn ôm đồm như trước, khả năng EVN chỉ còn nắm giữ truyền tải và phân phối, các nhà máy phát điện tách ra độc lập hoặc giao cho nơi khác..., nghĩa là từ nay EVN sẽ dồn sức cho khâu truyền tải và phân phối, và KHP sẽ trở thành cty cổ phần ít ỏi còn lại của EVN trên sàn và các đại gia trong EVN sẽ không còn bận tâm gì đến PPC, VSH.... để chăm lo cho em nó.