Những tác động xấu gián tiếp của đợt khủng hoảng này đối với Việt Nam có thể dễ mường tượng. Nhưng nếu suy nghĩ cẩn trọng thực những tác động xấu đó không lớn như mới thoạt hình dung. Trước hết, đó là việc một số quĩ hoặc nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể sẽ rút tiền về để củng cố cho các hoạt động của mình ở nước sở tại. Tuy nhiên đây sẽ chỉ là những trường hợp bất khả kháng. Các nhà đầu tư gián tiếp sẽ không rút đi khi mà thị trường chứng khoán của Việt Nam đã xuống quá nhiều trong năm nay, và khó có thể xuống thấp hơn nữa để rút vốn. Họ càng không rút khi mà cơ hội sinh lời trong tương lai đảm bảo cao hơn so với nước sở tại của họ.Thứ hai, các nhà đầu tư trực tiếp có thể không thu xếp đủ vốn để theo đuổi các dự án đã cam kết ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chỉ đáng sợ khi những nhà đầu tư này không thấy cơ hội sinh lợi đáng kể trong tương lai. Nếu chính phủ Việt Nam đưa ra được các chính sách kinh tế rõ ràng, nhất quán, đưa nền kinh tế tiến tới một nền kinh tế thị trường thực sự, đảm bảo sự phát triển bền vững thì sự giảm sút luồng vốn đầu tư sẽ không nhiều. Trong trường hợp như thế thì ngay cả các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư nhưng không thể tiếp tục thì sẽ vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác sẵn sàng nhảy vào thay thế.





Thứ ba, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo ngại vì hàng xuất khẩu của Việt Nam đa phần vẫn là các loại hàng hoá cơ bản như sản phẩm nguyên liệu thô (dầu thô, than đá), nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu), may mặc và giày dép, và thuỷ sản. Nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này chỉ bị giảm chút đỉnh khi ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình nước ngoài bị giảm. Bằng chứng là xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay vẫn tiếp tục tăng mặc dù thị trường thế giới đã giảm đáng kể so với những năm trước đó.





Như vậy, trong khi mức độ ảnh hưởng do sự sụp đổ của các định chế này gây ra cho Việt Nam chỉ là gián tiếp và không nhiều, đủ để cho các doanh nghiệp Việt Nam phòng ngừa thì nó lại đem lại những cơ hội to lớn. Vấn đề bây giờ là chúng ta có nhận thức được cơ hội và dám thay đổi để chớp lấy cơ hội hay không. Thực ra, ngay từ tháng 3-2008, chính phủ Việt Nam đã lường được tình cảnh tồi tệ của nền kinh tế Mỹ, đã tính đến những phương án chính sách và kế hoạch trong điều kiện nền kinh tế này rơi vào suy thoái dài hạn, trong điều kiện giá dầu vẫn ở mức cao. Điểm nổi bật trong chính sách kinh tế của chính phủ trong thời gian vừa qua là ưu tiên chống lạm phát nhưng không chỉ đơn giản bằng công cụ tiền tệ. Chính phủ đã nhận ra được là chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là đầu tư công, sự méo mó của hệ thống sản xuất do khối doanh nghiệp nhà nước gây ra, và sự bảo hộ giá cả quá lâu trong một số ngành mới là những nguyên nhân sâu xa của sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam. Những khoản cắt giảm và giãn tiến độ thực sự về đầu tư công, việc tiếp tục kế hoạch tiến hành việc cổ phần hoá, niêm yết các công ty này trên thị trường, sự thoái vốn của SCIC ở hầu hết những doanh nghiệp sau cổ phần, và gần đây là sự quyết tâm của chính phủ trong việc để giá xăng dầu vận hành theo kinh tế thị trường là những hành động thể hiện cam kết của chính phủ trong việc đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường.