Lãnh đạo thế giới bi quan về triển vọng kinh tế 2009
23:30' 30/01/2009 (GMT+7)

Các nhà lãnh đạo những doanh nghiệp hàng đầu thế giới đang tụ tập tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2009 tỏ ra rất bi quan về triển vọng kinh tế 2009.



[table]



[/table]




Craig Barrett, Tổng giám đốc của đại gia công nghệ thông tin Intel, là một trong số nhiều lãnh đạo có cùng những dự trù bi quan về kinh tế 2009. Ảnh Reuters.


Nhiều trong số họ tin rằng nền kinh tế thế giới nếu có phục hồi cũng phải tới năm 2010 may ra mới có thể bắt đầu.
Stephen Roach, Chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á, cho rằng nền kinh tế sẽ không thể hồi phục sớm như mong muốn của nhiều người.
"Điều tồi tệ nhất sẽ tới trong năm nay, vào một thời điểm nào đó. Và ngay cả khi cuộc suy thoái đã chấm dứt thì quá trình hồi phục chưa chắc đã xuất hiện ngay”, Stephen Roach nói.
Trong khi đó, Tim Flynn, Chủ tịch hãng kiểm toán KPMG, cho rằng năm 2009 sẽ chứng kiến làn sóng sa thải nhân công rộng khắp và gây nên những tác động tiêu cực khó lường đối với nền kinh tế thế giới.
"Đây là hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng tài chính khi đó sẽ chuyển sang những dạng khủng hoảng khác và hệ luỵ thật khôn lường”, Tim Flynn nói.
Craig Barrett, Tổng giám đốc của đại gia công nghệ thông tin Intel cũng có cùng những dự trù bi quan như các lãnh đạo nói trên, khi ông tiên đoán rằng khủng hoảng sẽ chưa kết thúc trước năm 2010.
“Tôi cho rằng khủng hoảng sẽ chưa kết thúc trước năm 2010. Đó là thời điểm sớm nhất có thể được”, Craig Barrett nói.

Bi quan nối tiếp bi quan

Những nhận định bi quan nói trên của lãnh đạo những doanh nghiệp hàng đầu thế giới đang tụ tập tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2009 cũng trùng khớp với cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo đánh giá Triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2009 vừa qua.
Theo đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển và đang phát triển đã suy giảm nghiêm trọng và không loại trừ nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.
Theo WB, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,5% trong năm 2008 và 0,9% trong năm 2009. Mức tăng trưởng của các nước đang phát triển sẽ giảm từ 7,9% trong năm nay xuống 4,5% trong năm sau, trong khi sức tăng trưởng của các nước phát triển tiếp tục có những tín hiệu xấu.
Báo cáo vừa công bố hồi tháng 12/2008 của WB đã khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra hồi tháng 9/2008 sau hơn một năm "ủ bệnh" đã làm nghiêm trọng thêm chiều hướng suy giảm kinh tế.
Sau sự phá sản của một loạt ngân hàng và thể chế tài chính ở Mỹ, châu Âu và các nước đang phát triển, các điều kiện tài chính được thắt chặt, dòng chu chuyển vốn vào các nước đang phát triển bị chặn lại và một lượng lớn vốn thị trường bị "bốc hơi".
Thế nên ngay cả khi các biện pháp mạnh của chính phủ các nước nhằm khôi phục lòng tin trong hệ thống ngân hàng thế giới bắt đầu có hiệu quả, thì nhiều nước đang phát triển vẫn có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái, dưới hình thức khủng hoảng trong ngành ngân hàng, hoặc là khủng hoảng tiền tệ.
Trong hoàn cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của các nước phải ưu tiên hạn chế những rối loạn trong nước bằng cách phản ứng nhanh nhạy và quyết liệt với những khó khăn mới nổi, nếu cần phải tìm kiếm hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo WB, người dân tại các nước đang phát triển phải đối phó với hai cú sốc lớn: giá lương thực và nhiên liệu tăng được tiếp nối bằng cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng sau này làm giảm căng thẳng trên thị trường hàng hóa, nhưng lại đe dọa hệ thống ngân hàng và tạo ra nguy cơ mất việc làm trên toàn cầu.
Những bước đi khẩn cấp là cần thiết để giảm khủng hoảng cho các nền kinh tế thực sự và các nước nghèo nhất thế giới, thông qua các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học và hệ thống y tế.
WB dự báo giá dầu mỏ thế giới trong năm tới ở mức trung bình khoảng 75 USD/thùng và giá lương thực dự kiến giảm 23% so với mức trung bình năm 2008. Về dài hạn, báo cáo cho rằng lượng cung (các loại mặt hàng) sẽ cao hơn cầu trong vòng 20 năm tới.
Theo WB, giá lương thực và nhiên liệu cao đã khiến người tiêu dùng tại các nước đang phát triển phải chi thêm khoảng 680 tỷ USD trong năm 2008 và đẩy thêm 130-155 triệu người vào cảnh nghèo đói.
WB khuyến cáo các nước tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa để thúc đẩy tăng trưởng, với điều kiện phải có các chính sách đúng đắn.
Phản ứng với khủng hoảng, WB cho biết đã tăng hỗ trợ cho các nước đang phát triển, thông qua các cam kết chi tiêu mới lên tới 100 triệu USD trong vòng ba năm.

Nhật Vy (Theo Reuters, AFP, CNN, BBC)