Các
nhà đầu tư chứng khoán có thể sẽ tiếp tục chứng kiến sự phục hồi mạnh
mẽ hơn nữa của các thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và trên thế giới
trong thời gian tới sau khi có những dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ liên
bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay nhằm “vô hiệu hóa”
những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường cho vay thế chấp nhà đất nước
này.






Bộ
Thương mại Mỹ tuần qua công bố các chỉ số kinh tế chính, trong đó cho
biết việc kinh doanh (mua bán) các ngôi nhà mới tại Mỹ giảm 8,3% trong
tháng 8/2007 so với cùng tháng năm 2006, mức thấp nhất trong vòng 7 năm
qua. Trong khi đó, giá nhà cũng đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
GDP của Mỹ cũng chỉ tăng 3,8% trong quý II, so với mức 4% trong quý I
năm nay.

Đây
thực sự là một tin không mấy sáng sủa đối với nền kinh tế Mỹ và các nhà
phân tích cũng cho rằng có khả năng Fed sẽ còn phải cắt giảm lãi suất
thêm từ 2- 3 lần nữa mới có thể ổn định được thị trường tài chính và
ngăn không cho cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất trầm trọng hơn và
làm kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

“Tôi
nghĩ là các nhà đầu tư đang chờ đợi quyết định cắt giảm lãi suất tiếp
theo của Fed,” Kurt Brunner, một nhà quản lỹ quỹ của Swarthmore Group
Inc tại Mỹ, nói. Việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ khiến việc vay tiền
từ ngân hàng rẻ hơn và điều đó thúc đẩy chi tiêu và đầu tư vào sản xuất
kinh doanh, ông cho biết.

“Thực
tế thì Fed đã cắt giảm lãi suất 0.5% và tôi cho rằng họ sẽ lại tiếp tục
hành động như vậy. Và đây sẽ là một trong những điều quan trọng nhất
khiến cộng đồng các nhà đầu tư có lý do để mua bán chứng khoán,” Dave
Hinnenkamp, giảm đốc điều hành KDV Wealth Management cho biết.

Các
nhà phân tích tài chính cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất đối với các
khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng xuống mức 4,25% từ nay tới cuối
năm. Việc cắt giảm lãi suất cho vay này của Fed có diễn ra hay không sẽ
được quyết định vào ngày 31/10 tới.

Ngay
sau khi có những thông tin cho thấy có khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt
giảm lãi suất, các nhà đầu tư trên TTCK Mỹ đã có phản ứng tích cực
khiến chỉ số TTCK Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2007. Chỉ số
Standard & Poor's 500 hôm 27/9 tăng thêm 0,4% so với hôm trước lên
mức 1.531,38 điểm, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng lên mức
13.912,94 điểm (tăng 0.3%) còn chỉ số Nasdaq Composite tăng lên
2.709,59 điểm (tăng 0.4%).

“Fed
đã làm đúng (cắt giảm lãi suất). Tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều đợt cắt
giảm nữa từ nay tới cuối năm. TTCK Mỹ đã phản ứng tích cực và sẽ tăng
trưởng mạnh,” Harry Clark, giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ Clark
Capital Management đang quản lý 1,3 tỷ USD tại Philadelphia (Mỹ) cho
biết.

Các
TTCK trên thế giới đặc biệt các thị trường mới nổi như Hồng Kông,
Singapore, Australia, Ấn Độ, Brazil cũng phục hồi mạnh mẽ sau khi có
thông tin Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Tại Việt Nam, chỉ số TTCK cũng đã
tăng mạnh liên tục kể từ sau khi Fed cắt giảm lãi suât và đóng cửa ở
mức 1.046,86 điểm hôm thứ sáu 28/9 tuần qua, so với mức 934,74 điểm hôm
17/9, chỉ một ngày trước quyết định của Fed.

Các
nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed (làm cho đồng đô
la Mỹ yếu thêm) đã khiến cho các quỹ đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu
tư sang các thị trường mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) nhằm tìm kiếm lợi
nhuận.

Hôm
18/9 vừa qua, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5% từ 5,25% xuống
4,75% lần đầu tiên kể từ năm 2003, và ngay lập tức TTCK Mỹ và thế giới
đã hồi phục. Fed trước đó thừa nhận sự “hoảng loạn” trên TTCK Mỹ thời
gian qua là một “nguy cơ” đối với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.

Tuy
nhiên việc cắt giảm lãi suất “khá mạnh tay” của Fed cũng góp phần làm
đồng đô la Mỹ mất giá liên tục và xuống mức thấp kỷ lục trong hàng thập
kỷ qua.

Trước
đó ngày 17/8, Fed cũng đã quyết định cắt giảm lãi suất chiết khấu xuống
5,75% từ mức 6,25% (Lãi suất chiết khấu là khoản phí các ngân hàng và
tổ chức tín dụng phải trả cho các khoản vay từ Feb). Đây cũng là đợt
cắt giảm lãi suất chiết khấu đầu tiên kể từ năm 2001 đến nay.