THẮNG THỊ TRƯỜNG VÀ THẮNG CHÍNH BẢN THÂN:
Bí quyết thành công của các nhà đầu tư nhỏ
(Kỳ 1)
Thạc sỹ Đinh Trọng Thắng
(Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW)

Lòng tham và nỗi sợ hãi là hai thuộc tính tâm lý cơ bản chi phối suy nghĩ và hành vi của các NĐT chứng khoán, không phụ thuộc vào giới hạn địa lý và thời gian. Lý thuyết về CK cho rằng tâm lý và hành vi của tập thể các NĐT năm 1929 tại TTCK phố Wall, Hoa Kỳ cũng diễn biến giống hệt tâm lý và hành vi của tập thể các nhà đầu tư tại TTCK Việt Nam năm 2007. Thị trường có trí nhớ, và tập thể các NĐT có xu hướng lặp đi lặp lại những sai lầm của mình. Đây là một trong những giả định cơ bản nhất cho khoa học phân tích kỹ thuật thị trường CK.
Tâm trí NĐT tỉnh táo nhất là lúc chưa mua bán gì. Khi đã nhập cuộc vào thị trường, NĐT bắt đầu bị lạc vào “mê hồn trận”, day dứt giữa hai thái cực: sợ hãi và tham lam. Tâm lý sợ hãi và tâm lý tham lam là hai trạng thái tâm lý đối chọi nhau, nhưng thực ra chúng tương tự nhau. Hai thái cực tâm lý này đều rất dễ gần với trạng thái “crazy”, hoảng loạn hoặc điên cuồng. Trong lòng tham luôn có sự sợ hãi, và trong sự sợ hãi cũng luôn tiềm ẩn lòng tham. Nỗi sợ và lòng tham luôn thường trực trong mỗi NĐT.
Sở dĩ NĐT tham gia thị trường là bởi dẫn dắt của lòng tham. Lòng tham đặc biệt mạnh trong bối cảnh thị trường đi lên. Lịch sử TTCK đã chứng kiến những “cơn say” lặp đi lặp lại khi các nhà đầu tư hăng say mua thêm CP ở mức giá rất cao bất chấp mọi lời cảnh báo. Vì tham lam, các NĐT thường quên mất một điều là có tăng tất sẽ có giảm. Họ luôn hy vọng rằng lịch sử sẽ không lặp lại, rằng đợt gia tăng lần này của thị trường là hy hữu, là có một không hai, và còn xa mới chấm dứt v..v…
Và rồi, đúng lúc tâm lý lạc quan của các NĐT lên cao nhất, thị trường đột ngột đảo chiều, đi xuống mạnh mẽ, và đôi khi là sụp đổ. Sự sợ hãi, rồi sau đó là sự hoảng loạn, làm tê cóng các NĐT . Họ không dám bán giảm lỗ (cutloss) các CP đang xuống giá của họ và huyễn hoặc rằng những CP này là dành cho “đầu tư dài hạn”. Do đó nếu còn tiền, nhiều NĐT sẽ không dám mua vào, ngay cả khi nhiều CP đã xuống tới mức giá rất thấp.
Quả thực, đầu tư trên TTCK là quá trình rất gian nan và dày vò về mặt tâm lý, tinh thần đối với các NĐT nhỏ. Chính vì vậy, nhiều NĐT thành công đã phải rời bỏ TTCK sau một thời gian, bởi vì không chịu nổi những sức ép, những gánh nặng và cả những cơn hoảng loạn về tâm lý.
Thị trường hiện nay đang ở một thời điểm hết sức nhạy cảm, thể hiện tính bí ẩn vốn có. Mặc dù 2 phiên giao dịch gần đây nhất, thị trường có biểu hiện chững lại và giảm giá, nhưng trước đó giá CP trên sàn CK TP.HCM liên tục tục tăng mạnh, đưa chỉ số VN-Index tăng theo. Tính đến ngày 14/5, đã có 10 phiên liên tiếp chỉ số CK Việt Nam tăng liên tục và đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm chuỗi ngày tăng liên tục kéo dài sang ngày thứ 10.
Tuy nhiên, đợt phục hồi vừa rồi không giúp gì nhiều cho các NĐT nhỏ lẻ vốn chủ yếu cầm các CP hạng nhỏ và vừa (penny stocks) bởi đợt tăng giá vừa qua chủ yếu tập trung vào các CP bluechips dẫn dắt thị trường như FPT, REE hay STB. Giá CP penny stocks tăng rất chậm và vẫn ở mức thấp hơn từ 40-50% so với mức đỉnh điểm.
Nỗi buồn của các NĐT nhỏ còn bị khoét sâu bởi các phiên giao dịch trong tháng tư, VN-INdex đã điều chỉnh mạnh với các phiên sụt giảm liên tục.
Để có thể thành công, hay ít ra là để có thể sống sót trênTTCK, NĐT nhỏ phải vượt qua được hai ngưỡng cản tâm lý này để trở thành một NĐT khôn ngoan. Một NĐT khôn ngoan là một NĐT lạnh lùng, có khả năng tìm kiếm được cái sợ và lòng tham của người khác trên thị trường để làm lợi cho mình. Đối với họ, không có CP đắt và không có CP rẻ. Câu hỏi đặt ra là: Nếu mua bây giờ thì sau đó có thể bán được với giá cao hơn hay không. NĐT khôn ngoan có thể từ chối không mua một CP blue chip ở một giá rẻ mạt. Nhưng ngược lại, NĐT đó sẵn sàng mua một CP đó ở một giá rất cao. Miễn là sau khi mua xong thì NĐT đó có thể bán với giá cao hơn để kiếm lời.

Theo nguồn báo THỊ TRƯỜNG - Bộ THƯƠNG MẠI