Dow Jones giảm liền 3 phiên, S&P 500 rớt mốc 1,400
Với sắc đỏ bao trùm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ đang hướng đến tuần giảm điểm mạnh nhất năm 2012. Mối lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc và Eurozone đã làm lu mờ bản báo cáo lạc quan về số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp.
* HSBC: Hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm

Các số liệu kinh tế công bố trong ngày cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, Đức và Pháp đều kém khả quan, qua đó làm dấy lên mối lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, chỉ số sản xuất của Trung Quốc do HSBC khảo sát giảm từ 49.6 điểm trong tháng 2 xuống 48.1 trong tháng 3, mức thấp nhất trong 4 tháng và đánh dấu tháng suy giảm thứ 5 liên tiếp. Đồng thời, kết quả dưới 50 cho thấy lĩnh vực này đang thu hẹp. Bên cạnh đó, HSBC cho biết sự sụt giảm của số đơn đặt hàng mới chính là yếu tố kéo giảm chỉ số sản xuất. Được biết, Trung Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và tăng giá xăng dầu trong các tuần gần đây, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy yếu.
Tương tự, hoạt động sản xuất tại Đức và Pháp cũng chứng kiến tình trạng sụt giảm đáng kể trong tháng 3 với tốc độ mạnh hơn dự báo của các nhà kinh tế bi quan nhất.
Trong khi đó tại Mỹ, số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 17/03 giảm xuống 348,000, mức thấp nhất trong 4 năm và thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích. Chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu cũng tăng 0.7% trong tháng 2, mạnh hơn so với dự báo tăng 0.6%. Tuy nhiên, hai số liệu lạc quan này không thể giúp nhà đầu tư thôi lo sợ.
Các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ rớt giá mạnh nhất thị trường với chỉ số S&P năng lượng sụt 2.1%, chỉ số S&P nguyên vật liệu cơ bản rớt 1.6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 78.48 điểm (0.6%) xuống 13,046.14 điểm, chỉ số S&P 500 rớt 10.11 điểm (0.72%) xuống 1,392.78 điểm, chỉ số Nasdaq Composite lùi 12 điểm (0.39%) xuống 3,063.32 điểm.
Đây là lần đầu tiên trong 6 phiên S&P 500 đóng cửa dưới mốc 1,400 điểm. Tuần tới, S&P 500 có thể khép lại quý tăng trưởng mạnh nhất kể từ giữa năm 2009.
Khoảng 6.3 tỷ cổ phiếu được sang tay trên ba sàn New York, American và Nasdaq; thấp hơn mức trung bình hàng ngày năm nay là 6.86 tỷ cổ phiếu.
Trên sàn New York, số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng với tỷ lệ 3/1, còn trên sàn Nasdaq tỷ lệ này là 11/5.
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 22/03:
Nguồn: VietstockFinance
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet



Xem bài viết: Dow Jones giảm liền 3 phiên, S&P 500 rớt mốc 1,400