Làm gì để đưa lạm phát về 4 - 6%/năm?
Tại buổi Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: Hướng tới một khung khổ chính sách kinh tế cho Việt Nam trong trung và dài hạn, được tổ chức sáng 21/3, các chuyên gia kiến nghị đặt mục tiêu cho lạm phát cần đưa về vùng ổn định trong trung hạn 10 năm tới, ở mức từ 4-6%/năm.
Lỗi từ mô hình tăng trưởng
Một số dự báo cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 chỉ tăng trong khoảng 0,2-0,4% so với tháng 2/2012, cho thấy tác động từ chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Như vậy, mức tăng lạm phát đã có xu hướng giảm. Bởi vậy, "đã đến lúc cần định hình một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô, cho phép Việt Nam đạt được môi trường ổn định đi liền với tăng trưởng kinh tế cao trong trung và dài hạn", TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận. Quan điểm của ông cũng được TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Đặt mục tiêu cho lạm phát cần đưa về vùng ổn định trong trung hạn 10 năm tới, ở mức từ 4- 6%/năm".
"Tham vọng" đưa chỉ tiêu lạm phát về mức của khoảng 10 năm trước, với tăng trưởng duy trì ở mức cao, đang đặt ra bài toán mới cho điều hành vĩ mô của Chính phủ. Ở góc độ lý thuyết và thực tiễn, để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc xử lý các "lỗi" phát sinh trong 10 năm qua, còn cần đến những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đặc biệt khi Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý, mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư trong 10 năm qua đã kéo dãn khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế, dẫn tới phải mở rộng tín dụng, trong lúc các kênh dẫn vốn khác còn chưa phát triển. Việc tăng tín dụng nhanh chóng là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao suốt nhiều năm vừa qua, gây nên lắm bất ổn cho nền kinh tế. Theo ông Trương Đình Tuyển, mô hình tăng trưởng sai lầm này đã làm vơi cạn tiềm năng khiến tăng nhập khẩu, tăng nhập siêu và gây áp lực lên tỷ giá và tạo vòng xoáy lạm phát.
Thiết lập cơ sở chương trình tiền tệ hàng năm và 5 năm
Đồng tình việc đổi mới mô hình tăng trưởng chỉ có thể đạt được những bước đi nền tảng trong giai đoạn từ nay đến 2015, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp với chính sách tiền tệ hiện nay là phải hướng tới kiểm soát được việc cho vay dễ dãi, giảm thiểu những hạn chế trong việc sàng lọc đầu tư kém hiệu quả trước đây. Những hạn chế này chính là nhân tố kích hoạt bất ổn vĩ mô mà lạm phát cao và biến động tỷ giá là "cặp bài trùng" trong thời gian qua.
Theo dữ liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia được dẫn ra tại buổi Tọa đàm, tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) và tín dụng duy trì ở mức cao liên tục trong giai đoạn 2006-2010. Kể từ năm 2007, M2 đã vượt GDP, còn với tín dụng là từ 2009 đến nay. Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Deepak Mishra nhấn mạnh rằng, sau khi chính sách tiền tệ, đầu tư mở rộng, những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt đang có xu hướng lặp lại với chu kỳ ngắn dần, nghiêm trọng hơn và việc đối phó với bất ổn cũng mất nhiều thời gian lên.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, chính sách tiền tệ theo đuổi nhiều mục tiêu, sử dụng các công cụ mang tính hành chính đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển, cần phải được đổi mới. Chia sẻ góc nhìn này, ông Mishra đưa quan điểm: "Có lẽ đã đến lúc phải giảm dần các giải pháp ngắn hạn và đưa ra các giải pháp dài hạn nhiều hơn".
Lộ trình để chính sách tiền tệ hướng đến kiểm soát lạm phát mục tiêu đã được nhiều chuyên gia nêu lên theo kịch bản hai giai đoạn. Trước mắt từ nay đến năm 2015, áp lực lo vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn. Bởi vì thị trường tài chính, thị trường trái phiếu chưa phát triển để "gánh" cùng hệ thống ngân hàng. "Như vậy, vẫn phải cần mở rộng tín dụng", bà Thanh nói. Cho nên, chính sách tiền tệ trong giai đoạn hiện nay sẽ hướng tới kiểm soát lạm phát thông qua việc kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng, định hướng rõ nét đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiếp tục giảm dần cho vay ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối.
Còn trong trung hạn, ông Đoàn Hồng Quang - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc thiết kế chính sách vĩ mô cần tính đến độ trễ, hiệu lực của từng chính sách và tiên liệu những tác động qua lại và giảm những ảnh hưởng tiêu cục, triệt tiêu nhau của chính sách. Bà Thanh nêu chi tiết thêm về giải pháp, trong dài hạn cần hướng tới điều tiết thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát một cách chủ động trên cơ sở sử dụng các công cụ tiền tệ gián tiếp, lấy lãi suất làm công cụ chủ đạo trong điều hành. Cụ thể là sẽ phải hình thành được khung lãi suất và lãi suất định hướng trên thị trường liên ngân hàng; cơ chế phối hợp giữa các công cụ chính sách trong điều hành; hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ dựa trên cơ sở chương trình tiền tệ được thiết lập hàng năm và 5 năm. Ngoài ra, chất lượng phân tích dự báo lạm phát, tiền tệ phải đảm bảo mức độ sai số không làm ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành; mô hình hoá được tác động của chính sách tiền tệ qua các kênh đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong đó nhấn mạnh vấn đề thực thi. Đôi khi chính sách tốt nhất nhưng thực thi chưa tốt và đôi khi chúng ta phải chấp nhận chính sách chưa phải là tốt nhất nhưng có khả năng thực thi tốt.

Đôi khi phải chấp nhận chính sách tốt thứ hai
TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương
Muốn xây dựng khung khổ chính sách vĩ mô cho trung và dài hạn, trước hết phải hiểu thật đúng đặc trưng nền kinh tế Việt Nam, để lựa chọn một số vấn đề then chốt và cách làm hiệu quả.
Nền kinh tế Việt Nam có 5 đặc trưng lớn: 1- Rất nhiều mất cân đối vĩ mô, rủi ro lạm phát và tài chính cao; 2- Các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động, vốn và tài chính hết sức méo mó; 3- Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh rất cao do hạ tầng kém lại thêm tệ quan liêu, tham nhũng; 4- Nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng vẫn rơi rớt tư duy với việc coi trọng DNNN, mở rộng đầu tư công…; 5- Với nền kinh tế hội nhập, vừa phải thực hiện cam kết vừa phải ứng phó với các cú sốc, những tác động bất định từ bên ngoài.
Vậy để lựa chọn chính sách vĩ mô, cùng với đặc trưng nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu hơn, chuyển đổi ngày càng thị trường hơn… thì lựa chọn giải pháp phải gắn với thể chế, tức là chính sách phải gắn với thực thi. Trong đó hiệu quả thực thi chính sách là quan trọng hàng đầu. Đôi khi chính sách tốt nhất chưa hẳn đã vào đời tốt nhất và khó có khả năng thực thi hay thực thi hiệu quả không cao. Ngược lại, có những chính sách không phải là tốt nhất nhưng lại có khả năng thực thi cao. Lúc này, theo tôi đôi khi chúng ta phải chấp nhận chính sách tốt thứ hai để thực thi được tốt hơn.
Bất ổn vĩ mô, 3 nguyên nhân, 3 giải pháp
TS.Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
Một thập kỷ qua là một thập kỷ vĩ mô liên tục bất ổn với 3 nguyên nhân chính. Đó là: 1-Cải cách kinh tế trong nước không theo kịp tốc độ hội nhập; thiếu khu vực tư nhân mạnh; thị trường tài chính chưa sâu và lành mạnh; Nguồn lực phân bổ quá nhiều cho khu vực nhà nước, làm giảm năng suất toàn bộ nền kinh tế; Lạm dụng chính sách tiền tệ, tài khóa và cả công cụ hành chính để thúc đẩy tăng trưởng khiến nguồn lực bị phân bổ méo mó.
Hướng tới trung và dài hạn, khung khổ chính sách vĩ mô nên được xây dựng trên 3 trụ cột chính là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và cải cách DNNN. Trong đó, với chính sách tài khóa, không nên coi chi tiêu chính phủ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tài khóa và không gian chật hẹp
TS.Vũ Như Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài chính (Bộ Tài chính)
Bức tranh tài khóa đã lộ rõ sự thiếu bền vững ở cả vế chi và vế thu. Bội chi ngân sách liên tục ở mức cao, nợ công tăng mạnh, nợ chính phủ và nợ nước ngoài tăng cao và đã tiệm cận ngưỡng an toàn khiến không gian tài khóa rất chật hẹp. Vì vậy, định hình khung chính sách vĩ mô trong trung dài hạn, rõ ràng là giảm bội chi, giảm nợ công nhưng giảm đến mức nào trong khi hiện nay bức tranh và số liệu nợ công chưa đầy đủ, chưa phản ánh đúng bản chất của nợ. Bội chi ngân sách cũng chưa tính đủ vì trái phiếu chính phủ chưa được tính vào chi ngân sách.
Ở góc độ thu ngân sách tuy nhiều năm nay, năm nào thu ngân sách cũng tăng và quy mô thu ngân sách/ GDP cũng tăng nhưng đã lộ rõ sự thiếu bền vững. Thu ngân sách đang phụ thuộc vào các khoản thu không thường xuyên và các khoản thu bán tài nguyên như thu từ xuất nhập khẩu, thu từ bán dầu thô, thu từ chuyển quyền sử dụng đất… Đây đều là những khoản thu không bền vững và đang có xu hướng giảm dần.
Trong trung và dài hạn, để bù đắp, khung chính sách cần hoạch định là cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nhà nước chỉ là vốn mồi. Bên cạnh đó là thiết chặt kỷ luật, kỷ cương tài khóa.
thời báo ngân hàng



Xem bài viết: Làm gì để đưa lạm phát về 4 - 6%/năm?