Kiểm chứng thông tin về khoản vay 235 triệu USD của MSN
Không thể kiểm chứng thông tin liệu MSN đã đáp ứng các yêu cầu quản lý ngoại hối và được NHNN chấp thuận hay chưa, nhưng có thể khẳng định khoản vay 155 triệu USD bằng việc phát hành công cụ nợ của MSN chưa được UBCKNN chấp thuận.
* MSN huy động thành công 235 triệu USD
Ngày 28/2/2012 trên website của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đưa ra thông cáo báo chí về việc Công ty này đã huy động thành công khoản vay 235 triệu USD vốn đầu tư dài hạn. Giao dịch này bao gồm công cụ nợ có khả năng chuyển đổi bằng cả 2 loại tiền USD và VND có thời hạn 4 năm, trị giá 155 triệu USD cho Tập đoàn, và một khoản vay 80 triệu USD cho Công ty Tài nguyên Masan Thái Nguyên.
Ngay sau khi có thông tin trên, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải và đã gây sự chú ý đáng kể trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn về nguồn vốn hiện nay. Những người chỉ đơn thuần đọc thông tin thì tỏ ra thán phục MSN đã có khả năng huy động một lượng vốn lớn lên tới gần 5,000 tỷ đồng trong thời buổi mà doanh nghiệp Việt Nam có thể nói là đang vô cùng đói vốn. Nhưng cũng không ít người đặt câu hỏi là liệu khoản vay của MSN đã là hiện thực hay chỉ là chiêu quảng cáo quá sớm của Công ty này để đạt được một mục đích nào đó.
Qua tìm hiểu về việc vay vốn ngoại tệ và việc phát hành công cụ nợ có khả năng chuyển đổi, chúng tôi thấy:
Để thực hiện vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) phải tuân thủ khá chặt chẽ quy định về quản lý ngoại hối của NHNN và phải được cơ quan này chấp thuận trong hạn mức vay thương mại quốc tế hàng năm được Thủ tướng phê duyệt. Để thực hiện vay thương mại quốc tế thì vào dịp cuối hàng năm (trước ngày 1 tháng 11) các DNVN muốn vay vốn phải đăng ký với NHNN về nhu cầu vay để trình Thủ tướng phê duyệt cho tổng mức vay tối đa của năm sau.
Còn đối với việc phát hành công cụ nợ, nếu là phát hành trái phiếu riêng lẻ thì các DNVN phải thực hiện theo qui định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đối với các công cụ nợ có khả năng chuyển đổi thì các công ty đại chúng phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và phải được cơ quan này chấp thuận.
Chúng tôi không thể kiểm chứng thông tin liệu MSN đã đáp ứng các yêu cầu về quản lý ngoại hối của NHNN và được cơ quan này chấp thuận hạn mức vay thương mại hàng năm do Thủ tướng phê duyệt hay chưa. Tuy nhiên, có thể khẳng định về khoản vay 155 triệu USD bằng việc phát hành công cụ nợ có khả năng chuyển đổi của MSN chưa được UBCKNN chấp thuận. Vì chúng tôi không tìm thấy thông tin đăng tải trên website của UBCKNN liên quan đến việc phát hành của MSN đối với khoản này. Như vậy, có thể khẳng định việc MSN đưa ra thông cáo báo chí về việc Công ty này đã huy động thành công 235 triệu USD là chưa chính xác. Câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao MSN lại đưa ra thông tin trên và liệu công ty này có vi phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán?
Theo quy định của Thông tư 09/2010/TT-BTC thì trong trường hợp công ty đại chúng quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu tương đương từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên phải thực hiện công bố thông tin trong vòng 72 giờ. Vậy, nếu công ty chưa vay, HĐQT Công ty cũng chưa có quyết định về việc vay mà đã thực hiện công bố thông tin về việc huy động thành công một khoản vay lớn như vậy có phù hợp hay không. Câu hỏi này nhường lời cho cơ quan quản lý trả lời.
Ngay sau ngày tung ra thông tin trên, cổ phiếu MSN đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp từ mức giá 109,000 đồng lên 124,000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch ngày 29/02 cũng đạt mức “khủng” nhất trong 52 tuần qua với 889,850 đơn vị. Tuy nhiên, từ ngày 05/03, cổ phiếu MSN lại đứng giá và phiên giao dịch sáng 06/03 đang nằm sàn.
Có thể thấy, sự bất cân xứng trong thông tin và thực tế, dẫn đến bất cân xứng về quyền lợi và thời gian qua đã có khá nhiều trường hợp doanh nghiệp “rải” thông tin ra ngoài khá mơ hồ, nhưng sau khi cơ quan quản lý “sờ gáy” thì chỉ là những bản giải trình “ỡm ờ”. Như vậy, việc tạo ra thông tin có lợi cho bản thân hay một nhóm lợi ích tại nhiều công ty dễ dàng gây thiệt hại cho các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ.
Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch của thị trường, liệu cần có một cơ chế nào mạnh hơn để hạn chế việc doanh nghiệp công bố thông tin “vô tội vạ” hay ém nhẹm để làm giá cổ phiếu?
ACT (Vietstock)
finfonet



Xem bài viết: Kiểm chứng thông tin về khoản vay 235 triệu USD của MSN