Vietstock Weekly 28/11 - 02/12: Chỉ số tăng điểm, nhưng rủi ro chưa giảm đi
(Vietstock) – Thị trường có thể có một vài phiên giao dịch tích cực hơn trong ngắn hạn, nhưng sẽ không đồng nghĩa với việc rủi ro đã giảm đi.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Với 3 phiên tăng điểm, VN-Index có tuần cải thiện điểm số khi tăng 0.98% lên mức 383.35 điểm; trong khi đó HNX-Index tiếp tục sụt giảm 1.66% về mức 61.25 điểm và VS 100 giảm nhẹ 0.16%.
Như vậy, trong khi HNX-Index vẫn chưa biết điểm dừng thì VN-Index đang giao dịch giằng co quanh ngưỡng nhạy cảm 380 điềm.
VS-Large Cap tăng điểm khá mạnh 1.67% giúp ảnh hưởng tích cực lên chỉ số thị trường. VS-Mid Cap giảm điểm nhẹ 0.05%, VS-Small Cap giảm 1.16% và VS-Micro Cap giảm 2.69%.
Tính chung cả tuần giao dịch, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm mạnh 17.9% và đáng chú ý là giảm rất mạnh 25.7% trên HNX so với tuần trước.

Lực đẩy từ nhóm cổ phiếu Large Cap đã giúp chỉ số VN-Index có một tuần tăng điểm. Nhưng nhìn chung xu hướng của thị trường trong tuần qua là giảm nhẹ khi chỉ số VS 100 mất 0.16%.
Việc thúc đẩy thị trường dựa vào các mã chủ chốt như MSN, BVH, VIC, VPL đã có thành công nhất định; nhưng không thể kéo dài ở một số phiên trước áp lực xả hàng dâng cao trên cả hai sàn.
Các vụ lùm xùm ở khối CTCK tiếp tục kéo dài. Sau vụ việc SME, nay đến lượt CTCP Chứng khoán Tràng An (TAS) bị Trung tâm Lưu ký (VSD) cảnh cáo do vi phạm quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán. Ngoài ra, CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PFI) đã có đơn khởi kiện CTCP Chứng khoán phố Wall (WSS) để đòi số tiền nợ gốc còn lại, nợ lãi và nợ quá hạn lên tới gần 100 tỷ đồng. Những vụ việc này đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của giới đầu tư.
Dường như áp lực bán giải chấp mà chúng ta đã biết trong thời gian gần đây chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng còn xuất phát từ lo ngại thường trực của giới đầu tư về hiện tượng kéo xả.
Sau khi công bố mua vào hơn 100 triệu cổ phiếu quỹ, STB bỗng dưng trở thành cổ phiếu “hot” khi khối lượng giao dịch cả ở khớp lệnh và thỏa thuận luôn nằm trong top đầu thị trường.
Giao dịch thỏa thuận diễn ra khá sôi động, trong đó STB có giao dịch tăng đột biến với gần 23 triệu đơn vị được sang tay. Các cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận lớn tiếp theo là MBB với hơn 1.1 triệu cổ phiếu, OCG với 1.05 triệu đơn vị, EIB với 1 triệu đơn vị.
Các nhóm ngành đã có một tuần giao dịch khá cân bằng khi số ngành tăng và giảm ngang nhau. Dịch vụ Lưu trú - Giải trí có mức tăng cao nhất 3.02%, trong khi SX Vật liệu Xây dựng giảm mạnh nhất 5.02%. Những ngành nóng cũng có tuần phân hóa khi Chứng khoán và Bất động giảm lần lượt 1.42% và 1.36%, trong khi Ngân hàng và Xây dựng tăng nhẹ 0.26% và 0.03%.
Khối ngoại đã bán ròng 141.6 tỷ đồng trên cả hai sàn, bao gồm bán ròng 122.7 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 18.9 tỷ đồng trên HNX.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất STB với hơn 10.5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 162.3 tỷ đồng; trong đó có 9.8 triệu cổ phiếu được bán thông qua giao dịch thỏa thuận. Họ mua ròng mạnh nhất FPT với giá trị 36.7 tỷ đồng. Nếu loại bỏ giao dịch bán ròng của STB thì khối ngoại đã có một tuần mua ròng với giá trị 39.6 tỷ đồng.
Trên HNX, PVX bị bán ròng mạnh nhất với 16.8 tỷ đồng, trong khi NTP được mua ròng mạnh nhất nhưng chỉ với 1.6 tỷ đồng.
II. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 28/11 – 02/12/2011
Trong tuần, thị trường đón thông tin tích cực khi CPI tháng 11 tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM tăng nhẹ lần lượt là 0.28% và 0.29%. Những thông tin này đã phần nào tác động tích cực đến giao dịch. Tuy nhiên, áp lực bán tăng lên khá đột ngột kể từ sau khi thông tin CPI tháng 11 của cả nước đã tăng 0.39% cao hơn mức kỳ vọng của giới đầu tư.
Tuy vậy, so với xu hướng tăng của CPI hai tháng đầu quý 4 năm 2009 và 2010 thì đà tăng của CPI tháng 11/2011 là không đáng ngại. Diễn biến tích cực của CPI trong những tháng gần đây đã tạo tiền đề để kéo giảm mặt bằng lãi suất thời gian sắp tới.
Mặc dù vậy, trước thông tin giá điện có thể tăng trên 10% trong năm 2012, việc kiểm soát lạm phát kỳ vọng trong năm 2012 sẽ là một thách thức không hề nhỏ.
Trong tuần giao dịch tới, một vài doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tháng 11 tích cực có thể hồ hỡi công bố thông tin sớm. Ngoài ra, những chỉ dấu cho một sự chuyển động trong chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Hiện đang có nhiều tín hiệu cho thấy kỳ vọng trước đây của chúng tôi về một đợt nới lỏng tín dụng và “giải cứu” thị trường bất động sản có khả năng trở thành hiện thực. Xem thêm chi tiết trong báo cáo Macro View hàng tuần của chúng tôi.
Thủ tướng Chính phủ vừa có phát biểu cam kết sẽ có những biện pháp để kích thích sự tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong khi đó, với thực tế lạm phát đã nằm trong kỳ vọng, đây không còn là trở ngại cho chính sách tiền tệ cuối năm 2011. Dù chưa có những kế hoạch cụ thể hơn, nhưng dù sao điều này cũng sẽ giúp xoa dịu sự e ngại trong giới đầu tư.
Tuần trước, chúng tôi có đề cập đến hiện tượng ”bi quan cùng cực” như là một tín hiệu bắt đáy thị trường. Chúng tôi nhận thấy hiện tượng này vẫn chưa diễn ra trong giao dịch. Trong khi đó thực tế lực bán lại gia tăng mỗi khi thị trường “ngóc đầu” đang thử thách đáng kể tâm lý lạc quan và lòng kiên nhẫn ở không ít nhà đầu tư. Điều này là rất quan trọng, vì nó có thể dễ dàng khiến thị trường giảm sâu chỉ với tin xấu không đáng kể.
Ngoài ra, cũng cần để ý đến lực bán giải chấp khi các vụ việc tranh cãi trong khối CTCK vẫn đang tiếp tục diễn ra. Rõ ràng là cần nhiều phiên để lực cầu có thể hấp thụ hết lượng hàng này. Tuy vậy, thống kê khối lượng đặt mua liên tục sụt giảm trong tuần qua và lực bán vẫn chi phối mạnh mẽ tại các mã chủ chốt là lực cản không nhỏ cho đà hồi phục của thị trường.
Thị trường có thể có một vài phiên giao dịch tích cực hơn trong ngắn hạn, nhưng sẽ không đồng nghĩa với việc rủi ro đã giảm đi.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Internal trendline tiếp tục gây sức ép. Đường internal trendline tiếp tục gây sức ép lớn lên VN-Index và khiến cho chỉ số này hầu như không thể bứt phá mạnh trong các phiên gần đây.
Khối lượng giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thủng ngưỡng 380 điểm. Tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường khi mà các tín hiệu phân kỳ giá lên (bullish divergence) đã xuất hiện khá nhiều nhưng vẫn không khiến cho chỉ số khởi sắc hơn.
Nếu như thanh khoản có cải thiện đáng kể vào tuần sau (duy trì trên mức 25 triệu đơn vị/phiên), ngưỡng 380 điểm vẫn trụ vững và VN-Index phá vỡ internal trendline thì việc bắt đáy từ từ có thể bắt đầu được xem xét. Tuy vậy, chỉ nên hạn chế ở mức dưới 50% danh mục để phòng ngừa trường hợp giảm sâu bất ngờ.

HNX-Index – Đang test lại trendline ngắn hạn. Thanh khoản là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn nhất trong giai đoạn hiện nay. Vẫn biết khối lượng thấp một phần là do cung giá thấp cạn kiệt nhưng rõ ràng nếu thị trường muốn phục hồi cần phải có lực cầu đủ mạnh để đẩy lên. Vì vậy, nếu khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới 20 triệu đơn vị/phiên thì khả năng bứt phá khó có thể xảy ra.
Giới phân tích kỹ thuật đang kỳ vọng vào sức chống đỡ của trendline ngắn hạn (tương đương vùng 58 – 61 điểm) sẽ giúp cho HNX-Index rơi chậm lại. Điều này nhiều khả năng sẽ thành công khi mà các chỉ báo thuộc nhóm dao động đã bị nén khá lâu trong vùng oversold.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục giảm mạnh (-0.41%) trong phiên giao dịch ngày 25/11/2011, VS 100 lại gây lo ngại về khả năng tạo lập đáy mới trung hạn trong thời gian tới.
Khối lượng sụt giảm trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy tâm lý thận trọng vẫn còn chi phối tại các mã chủ chốt trên thị trường.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 25/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.94, tức số mã tăng giá bằng 0.94 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.43, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.43 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.45 lần và VS-U/D HNX bằng 0.14 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.57.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì ở vùng thấp và hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence). Điều này chứng tỏ thị trường có thể đang tích lũy cho một đợt hồi phục mới.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 21/11 – 25/11/2011

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Weekly 28/11 - 02/12: Chỉ số tăng điểm, nhưng rủi ro chưa giảm đi