Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 22/11
(Vietstock) – Do hầu như đã nằm trong kỳ vọng của giới đầu tư nên thông tin CPI tháng 11 tăng thấp có thể cũng không tác động tích cực đến giao dịch.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 22/11/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index sụt giảm 0.13% đứng tại 379.14 điểm, HNX-Index cũng giảm 0.8% xuống 61.68 điểm.
VS 100 tăng nhẹ 0.12% đạt mức 54.85 điểm khi có VS-Large Cap nâng đỡ với mức tăng nhẹ 0.18%; trong khi VS-Micro Cap giảm 0.83%, VS-Small Cap giảm 0.79% và VS-Mid Cap giảm nhẹ nhất 0.64%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh tiếp tục sụt giảm mạnh trên cả hai sàn, lần lượt là 32.7% trên HOSE và 28.9% trên HNX so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Khối ngoại duy trì xu hướng thoát hàng khi bán ròng 22 tỷ đồng trên HOSE. Họ bán mạnh nhiều mã bluechips như MSN, BVH, VIC và giảm hẳn giao dịch.

Triển vọng thị trường: Nỗ lực đảo chiều tăng điểm theo thông tin CPI tháng 11 trong những phút đầu tiên của phiên giao dịch mau chóng thất bại trước lực bán mạnh khi thị trường tăng điểm. Giới đầu tư nhanh chóng quay lại với tâm lý giao dịch thận trọng và dè dặt ở cả hai bên bán và mua khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.
Hàng loạt nhóm ngành nóng tiếp tục lao lao dốc mạnh mẽ như Bất động sản (-1.53%), Khai khoáng (-1.05%), Xây dựng (-0.98%).
Đáng chú ý là Ngân hàng bất ngờ tăng 0.94%, và giao dịch mạnh trên HOSE chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm này, đứng đầu là STB với hơn 2.3 triệu đơn vị, MBB với hơn 1.2 triệu đơn vị, EIB với hơn 550 ngàn đơn vị.
Trong khi đó, giao dịch mạnh trên HNX vẫn tập trung ở các mã “nóng” quen thuộc như VND, KLS... Xu hướng bên mua dò đáy tiếp tục diễn ra trên HNX, nhưng áp lực bán trên HOSE vẫn đang rất mạnh và chi phối hoàn toàn giao dịch trên sàn này.
Thông tin công bố cho thấy CPI tháng 11 tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM tăng lần lượt là 0.28% và 0.29% so với tháng trước, tức tăng tương ứng 18.49% và 16.88% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, CPI tại Hà Nội tăng 16.36% và CPI tại TPHCM tăng 15.02%.
Trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm hàng Lương thực tháng 11 tăng mạnh nhất với mức tăng 2.92% tại Hà Nội và 4.56% tại TPHCM, không nằm ngoài xu hướng tăng giá lương thực của thế giới. Trái lại, nhóm hàng Thực phẩm lại sụt giảm 0.39% tại Hà Nội và 0.07% tại TPHCM. Tính chung, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ ở mức 0.25% tại Hà Nội và tăng 0.81% tại TPHCM.
Trong khi đó, các nhóm hàng hóa khác vẫn duy trì mức tăng nhẹ so với tháng trước, ngoại trừ mức giảm của các nhóm hàng Giao thông và Bưu chính Viễn thông. Ngoài ra, tại TPHCM còn ghi nhận mức giảm 0.36% ở nhóm Nhà ở, điện nước và chất đốt.
Với mức tăng khá nhẹ của CPI tháng 11 tại hai thành phố đầu tàu, CPI cả nước trong tháng 11 có thể sẽ không tăng quá 0.4% so với tháng 10, và tăng không quá 17.5% so với cuối năm 2010. Tuy vậy, do hầu như đã nằm trong kỳ vọng của giới đầu tư nên thông tin CPI tháng 11 tăng thấp có thể cũng không tác động tích cực đến giao dịch.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Chịu sức ép từ internal trendline. Kể từ sau khi phá vỡ đường internal trendline, VN-Index liên tục chịu sức ép do ngưỡng này hiện nay đã trở thành yếu tố kháng cự mạnh. Trong những phiên tới, nếu như VN-Index không phá vỡ trở lại internal trendline thì khả năng có thoái lùi sâu là rất lớn.
Đây là phiên thứ 2 liên tiếp VN-Index duy trì bên dưới ngưỡng 380 điểm. Trong những lần test trước, hiếm khi nào giá duy trì dưới ngưỡng này quá 1 phiên. Vì vậy, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong vài phiên tới thì khả năng thủng ngưỡng chống đỡ mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó nguy cơ điều chỉnh về lại ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng 325 – 330 điểm) là rất lớn.
Chúng tôi vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm không nên giao dịch mạnh tại thời điểm này.

HNX-Index – Thanh khoản sụt giảm mạnh. Không những không có cải thiện về mặt thanh khoản, khối lượng trong phiên ngày 21/11/2011 còn sụt giảm khá mạnh so với trung bình tuần trước và là mức thấp nhất kể từ ngày 17/08/2011. Điều này cho thấy đà tăng chưa thể trở lại ngay trong ngắn hạn.
Giới phân tích đang kỳ vọng vào sự vững chắc của trendline chống đỡ cũng như Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng 57 – 58 điểm). Nếu sau khi test các ngưỡng này mà giá có dấu hiệu hồi phục thì khả năng sẽ có một chu kỳ tăng trưởng mới trong ngắn hạn.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng trưởng nhẹ trở lại (+0.12%) trong phiên giao dịch ngày 21/11/2011, VS 100 vẫn chưa khiến cho nhà đầu tư an tâm khi phải chịu sức ép quá lớn từ các yếu tố kháng cự bên trên.
Khối lượng không tăng trưởng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy tâm lý thận trọng vẫn tiếp tục bao trùm thị trường.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 21/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.55, tức số mã tăng giá bằng 0.55 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.72, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.72 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.39 lần và VS-U/D HNX bằng 0.25 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.95.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì ở vùng thấp và hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence). Điều này chứng tỏ thị trường có thể đang tích lũy cho một đợt hồi phục mới.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Tiếp tục giằng co mạnh. Sự giằng co mạnh đang thể hiện rất rõ trên thị trường Mỹ thông qua các mẫu hình nến như Doji, Spinning top... xuất hiện liên tiếp. Giới phân tích cho rằng đây là giai đoạn rất khó dự báo xu hướng ngắn hạn của DJIA.
Nhóm chỉ báo dao động (Stochastic Oscillator, RSI...) vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao và đã cho tín hiệu bán mạnh trong vùng overbought. Khả năng giảm điểm đối với thị trường Mỹ trong tuần này vẫn còn cao.
Dài hạn – Nguy cơ giảm điểm đang rất cao. Tín hiệu bán mạnh của RMO Trade Mode cuối cùng cũng đã xuất hiện khi đường Swing Trd 2 cắt xuống dưới Swing Trd 3 trong phiên giao dịch ngày 17/11/2011.
Những phân kỳ giá xuống (bearish divergence) đang đi vào giai đoạn cuối của quá trình hình thành. Điều này cho thấy rủi ro giảm điểm đối với thị trường Mỹ vẫn còn rất lớn.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 21/11/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 22/11