Doanh nghiệp nhà nước và nỗi lo nợ xấu
Ngân hàng TMCP ngoại thương đang có mức nợ xấu là 3,47%; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam 6,67% , còn BIDV nợ xấu đã lên 2,59% có nguy cơ lên 3-4% vào cuối năm.
“Vốn cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay đang chiếm từ 75-80% tổng dư nợ của Ngân hàng phát triển, nhưng rất nhiều tập đoàn, tổng công ty đã gửi văn bản đến chúng tôi đề nghị được giãn nợ”. Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết.
“Nợ xấu đang là nỗi lo lớn của các ngân hàng thương mại”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV bổ sung thêm.
Theo ông, nợ xấu của ngân hàng này là 2,59% và lo ngại rằng nếu tình hình các doanh nghiệp không được cải thiên thì nợ xấu nhiều nguy cơ lên khoảng 3-4% trong năm nay. Nỗi lo này của ông dựa trên thực tế hiện có khoảng 30% doanh nghiệp ngừng sản xuất có thể đã là phá sản về bản chất.
Tập hợp các báo cáo gửi tới **** ủy Khối doanh nghiệp trung ương nhận định: Đối với khối ngân hàng, mặc dù các ngân hàng thương mại đều không chế tốt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cấp tín dụng phi sản xuất, đi đầu thị trường trong việc đảm bảo duy trì mức lãi suất huy động và cho vay hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, song nợ xấu của ngân hàng tăng cao.
Trong đó, Ngân hàng TMCP ngoại thương đang có mức nợ xấu là 3,47%; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam 6,67%...
Chia sẻ với ông Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết thị trường bất động sản trầm lắng không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp liên quan đến bất động sản như sản xuất xi măng, sắt,thép kém ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, làm tăng nợ xấu ở ngân hàng.
Bổ sung thêm lý do nợ nần của DN, ông Dương Khánh Toàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sông Đà cho biết, hơn 5.500 tỷ chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ. Vốn thiếu, nợ đọng, công việc chững lại khiến hiệu quả của tập đoàn bị ảnh hưởng.
Ông Phùng Đình Thực - Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng cho biết, “Tập đoàn Điện lực đang nợ chúng tôi 10.000 tỷ đồng từ lâu. Đến nay, chúng tôi không chịu được nữa”.
Đánh giá khó khăn trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại thuộc khối doanh nghiệp trung ương tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011 và kế hoạch phát triển 2011-2015, ông Nguyễn Dương Quang, Phó bí thư **** ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho biết, thiếu vốn đầu tư, chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều dự án trọng điểm của các doanh nghiệp bị chậm tiến độ, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thấp, thậm chí một số doanh nghiệp bị lỗ.
“Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, một số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, dễ rơi vào khủng hoảng nợ”, ông Quang nhận định.
Cụ thể, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy thực hiện tái cơ cấu chậm, sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu kế hoạch đề ra, một số đơn vị thành viên chua có khả năng trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lũy kế lỗ tính đến 30/6/2011 là 31.565 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, EVN lỗ khoảng 7.918 tỷ đồng.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng lỗ tới 660 tỷ đồng, khoản nợ nhận từ Vinashin chuyển sang là 16.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam 7 tháng đầu năm 2011 lỗ 1.449 tỷ đồng.
Với tình hình này, xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, có thể cả 4 tập đoàn, tổng công ty trên sẽ bị lỗ trong năm 2011. Trong các doanh nghiệp còn lại, mặc dù được nhận định là có nhiều khả năng hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2011, có lãi, song tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của hầu hết các đơn vị thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại dịch vụ và xây dựng đều giảm sút so với năm 2010. Đặc biệt, các lĩnh vực thuộc lĩnh vực vận tải, xi măng, sắt thép tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ước đạt thấp, dưới 5%.
Ngay cả ngành dệt may đang là điểm sáng với giá trị xuất khẩu 8 tháng đã đạt gần 9 tỷ USD, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Trần Quang Nghị cho biết, dệt may đã lỡ mất nhịp đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
“Chúng tôi muốn đầu tư vùng nguyên liệu bông, và dệt vải để tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm nhập khẩu… nhưng ngặt một điều là thiếu vốn. Chúng tôi đề nghị được sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng để có vốn đầu tư trong 5 năm tới để tăng giá trị của sản phẩm dệt may xuất khẩu”, ông Nghị đề nghị.
“Nợ xấu tăng lên sẽ tác động tiêu cực tới hệ số tín nhiệm mà các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam”, ông Hà lo ngại và đề nghị Chính phủ cho cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp. Vấn đề cơ cấu lại nợ ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã từng được các nhà tài trợ khuyến nghị với Chính phủ bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Linh Ánh
Thời báo Ngân Hàng



Xem bài viết: Doanh nghiệp nhà nước và nỗi lo nợ xấu