Lãi suất và “cỗ máy” kinh tế Việt Nam

(Vietstock) - Việc can thiệp mạnh tay vào thị trường để giảm lãi suất một cách đột ngột có thể để lại nhiều hệ quả khó lường đối với nền kinh tế.
Xung quanh chính sách nhằm hạ lãi suất
Ngày 26/08/2011, NHNN có cuộc họp với lãnh đạo 12 ngân hàng lớn tại Hà Nội về chủ đề giảm lãi suất. Tại cuộc họp này các ngân hàng đã có sự đồng thuận trong việc giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất thông thường xuống còn 17-19%/năm.
Để thực hiện được điều này, NHNN đã ban Thông tư số 22/2011/TT-NHNN trong đó hủy bỏ quy định về tỷ lệ huy động vốn thị trường liên ngân hàng theo Thông tư 13 và 19 năm 2010. Ngoài ra, Thông tư 22 cũng thay đổi hệ số rủi ro của một số khoản cho vay. Điều này được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng, làm tiền đề cho giảm lãi suất. Tuy nhiên, chính sách này liệu “đủ mạnh” để giảm lãi suất được hay không thì vẫn là một câu hỏi?
Trong thông báo mới đây, NHNN đề cập đến giải pháp cung tiền để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm giảm lãi suất. Như vậy, có thể thấy bằng cách này hay cách khác NHNN sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hạ lãi suất của thị trường.
Dường như mức lãi suất 17-19% vẫn được xem là quá cao, mới đây một chuyên gia tài chính uy tín còn đề xuất giải pháp là NHNN nên cho NHTM vay với lãi suất giá rẻ (4-5%) để cho NHNN có thể cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất khoảng 10%. Cũng theo chuyên gia này trước đây đã nhiều lần đưa ra quan điểm là NHNN có thể cho NHTM vay với lãi suất thậm chí là 0% mà không cần các giấy tờ đảm bảo để hạ lãi suất thị trường.
Quan điểm này dường như đi ngược lại với ý kiến của nhiều nhà kinh tế hiện nay và các tổ chức quốc tế như IMF và ADB là Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Quan điểm này cũng hoàn toàn trái ngược với lý thuyết vĩ mô, cũng như vai trò của NHTW trong nền kinh tế.
Chúng ta có thể tìm thấy vô số các ví dụ về hệ quả mà chính sách lãi suất thấp mang lại. Chẳng hạn tại Mỹ, chính sách lãi suất thấp của FED trước năm 2007 là nguyên nhân quan trọng gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Còn tại Việt Nam, chính sách lãi suất thấp năm 2009 (hỗ trợ lãi suất, và giảm lãi suất tái chiết khấu) đã làm cho tín dụng tăng vọt vào năm 2009 và 2010 khiến lạm phát bùng phát trở lại.
Như vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu NHNN cho NHTM vay với lãi suất thấp để hạ lãi suất thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải giảm lãi suất chính sách hiện nay từ 13% và 14% xuống còn 5-6%. Chính sách này được thực hiện thì đồng nghĩa với việc NHNN sẽ in tiền để bơm vào nền kinh tế.
Liệu đây có phải là bài toán vấn đề chính sách tiền tệ hiện nay. Liên quan đến vấn đề này đã được Vietstock đề cập trong bài viết Bơm tiền chưa hẳn là giải pháp để hạ lãi suất và ổn định kinh tế. Vietstock cho rằng, nguyên liệu giá rẻ (tiền lãi suất thấp) không thể giúp cho “cỗ máy kinh tế Việt Nam” vận hành tốt hơn. Ngoài ra, nó lại để lại hệ quả khôn lường khi tiêu thụ quá nhiều “nguyên liệu và thải ra những chất độc hại”.
Cụ thể, nếu lãi suất hiện nay giảm xuống thì điều gì sẽ xảy ra. Với việc lạm phát đang ở mức quá cao như hiện nay (lạm phát tính đến tháng 8 tăng 23.02% so với cùng kỳ) thì rất khó để giảm lãi suất vì việc hạ lãi suất sẽ khó kiểm soát được lạm phát. Hơn thế nữa, lãi suất giảm sẽ ảnh hưởng tâm lý kỳ vọng của người dân, quá trình vàng hóa, đô la hóa sẽ rất dễ quay trở lại khi niềm tin vào tiền đồng suy giảm. Lãi suất giảm dòng tiền cũng sẽ đổ vào các thị trường như bất động sản và chứng khoán khiến sự rủi ro của nền kinh tế tăng lên.
Tác giả bài viết cho rằng, giảm lãi suất là một chủ trương đúng đắn nhưng nó phải dựa trên cơ sở thực tế là cung cầu tiền thực sự của nền kinh tế. Việc can thiệp mạnh tay vào thị trường để giảm lãi suất một cách đột ngột có thể chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Để “trị căn bệnh” bất ổn vĩ mô và lãi suất cao hiện nay phải chấp nhận diễn biến thực tại và từng bước sửa chữa đồng bộ hóa “cỗ máy” kinh tế Việt Nam giúp tăng hiệu suất hoạt động, tiết kiệm nhiên liệu và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng.
Nhìn lại nguyên nhân khiến lãi suất ở Việt Nam cao
“Tiền” ngoài giá trị sử dụng (trung gian trao đổi) còn có một giá trị đặc biệt thể hiện qua lãi suất của đồng tiền. Nói một cách dễ hiểu “tiền” chính là một loại hàng hóa còn lãi suất là giá cả của tiền. Cũng như giá bao hàng hóa khác, lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào cung - cầu tiền tệ trong nền kinh tế.
Để can thiệp vào lãi suất thị trường, các ngân hàng trung ương thường tác động về phía cung tiền thông qua các công cụ như thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở hoặc thay đổi lãi suất tái chiết khấu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đều hạ lãi suất chiết khấu xuống mức rất thấp, đồng thời mua các giấy tờ có giá để cung tiền ra thị trường nhằm cứu các nền kinh tế khỏi suy giảm và hệ thống tài chính khỏi sụp đổ.
Tại Việt Nam vào năm 2009, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thực hiện các chính sách tương tự. Tiền được bơm vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất tái chiết khấu. Nhờ chính sách này mà lãi suất năm 2009 đã giảm xuống mức khá thấp và kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng này đã làm cho tăng trưởng tín dụng năm 2009 lên đến 37.74% và 2010 lên đến 29.89%. Mức tăng quá cao cùng với sự hấp thụ kém của nền kinh tế là nguyên nhân chính làm cho lạm phát bùng nổ trong thời gian qua.
Lạm phát leo thang buộc NNHN phải thực hiện hàng loạt các giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này đã đẩy lãi suất lên mức rất cao. Lãi suất huy động phổ biến trên thị trường lên tới trên 17%, vượt xa mức trần 14% theo quy định của NHNN. Cùng với lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay cũng lên tới trên 20%, thậm chí có những khoản cho vay tiêu dùng lên tới trên 25%.
Những diễn biến lãi suất đó không nằm ngoài quy luật cung - cầu tiền trong nền kinh tế. Về phía cung, NHNN siết lại việc bơm tiền vào nền kinh tế, còn nguồn vốn huy động của các ngân hàng sụt giảm mạnh do lạm phát quá cao. Hiện nay, lãi suất tái chiết khấu đang ở mức 13%, còn lãi suất tái cấp vốn và lãi suất OMO ở mức 14%. Tính đến 20/07/2011, huy động toàn vốn của các ngân hàng chỉ tăng 3.96%. Đây là mức rất thấp, so với tăng trưởng tín dụng và mức tăng của những khoảng thời gian trước đó dù cho lãi suất huy động vượt xa mức trần.
Nhìn về phía cầu ta thấy, với một tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế luôn ở mức trên 40% so với GDP làm cho phía cầu tiền trong nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao. Nguồn vốn, tích lũy được thông qua tiết kiệm khá thấp khiến cho các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay. Tín dụng tính từ đầu năm đến ngày 20/07/2011 tăng 7.57%, vượt xa tăng trưởng huy động. Nguồn vốn khan hiếm và lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản. Cùng với đó nợ xấu của ngân hàng cũng có chiều hướng tăng lên do không thu hồi được nợ.
Tóm lại, nguyên nhân khiến lãi suất tại Việt Nam đang ở mức quá cao chính là do cầu tiền lớn. Đây là yếu tố có tính lịch sử và cơ cấu khi mà tỷ lệ đầu tư luôn duy trì ở mức rất cao (thường trên 40% so với GDP). Trong khi đó những tháng vừa qua NHNN đã hạn chế bơm tiền ra nền kinh tế thông qua việc tăng các lãi suất chính sách; tiền gửi từ các tổ chức dân cư cũng sụt giảm do lạm phát quá cao khiến cho việc gửi tiền vào ngân hàng không còn hấp dẫn.
Sở dĩ lãi suất tại Việt Nam cao hơn phần lớn các nước khác và kéo dài là do cơ cấu kém hiệu quả của nền kinh tế. So sánh một cách hình tượng, xem nền kinh tế như một cỗ máy thì tiền chính là nguyên liệu để vận hành nền kinh tế đó. Cỗ máy kinh tế Việt Nam do tồn tại nhiều chi tiết chưa hoàn hảo và không đồng bộ dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu trong khi hiệu suất không cao khiến tạo ra chất thải là lãi suất quá cao.
Hồ Bá Tình



Xem bài viết: Lãi suất và “cỗ máy” kinh tế Việt Nam