Chứng khoán phái sinh không dành cho “tay mơ”

Ông Nguyễn Sơn

Thị trường phái sinh hầu như chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong khi phần lớn nhà đầu tư Việt Nam ưa mạo hiểm nhưng mức độ chấp nhận rủi ro lại rất thấp.
Trong một thời gian khá dài, nhà đầu tư Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất do giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường rất cần có những công cụ hữu hiệu để giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro và bảo toàn giá trị các danh mục đầu tư. Chứng khoán phái sinh là một trong số đó.
Vì vậy, Đề án Thị trường chứng khoán phái sinh đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính gấp rút nghiên cứu xây dựng. Tuy nhiên, một thị trường chứng khoán phái sinh ra đời trong lúc thị trường cơ sở còn chưa hoàn thiện là điều cần cân nhắc. NCĐT đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, về vấn đề này.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Đề án Thị trường chứng khoán phái sinh. Theo dự kiến, đề án này sẽ được xây dựng và trình Chính phủ trong năm 2012.
Theo thăm dò thị trường cũng như yêu cầu của thị trường, có thể trước mắt sản phẩm đầu tiên sẽ được đưa vào áp dụng là hợp đồng tương lai và các sản phẩm dựa trên chỉ số, sau đó có thể là các hợp đồng quyền chọn.

Ông có thể cho biết những lợi ích mà giao dịch chứng khoán phái sinh mang lại cho nhà đầu tư?
Việc hình thành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam xuất phát từ nhu cầu thực tế. Thông thường, khi thị trường chứng khoán cơ sở phát triển ở một mức độ nhất định nào đó thì sẽ xuất hiện nhu cầu hình thành các sản phẩm phòng vệ nhằm bảo hiểm rủi ro cũng như làm gia tăng lợi tức đầu tư cho các nhà đầu tư như quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai. Đây chính là các sản phẩm phái sinh, xuất phát từ các công cụ gốc là các chứng khoán cơ sở và sẽ hình thành nhu cầu thị trường để giao dịch các sản phẩm này. Đó là cơ sở để thị trường chứng khoán phái sinh ra đời.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã manh nha hình thành những sản phẩm như quyền mua cổ phần, quyền chọn, các giao dịch chỉ số… Đó là các sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, để xây dựng một thị trường phái sinh được chuẩn hóa, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian từ khâu xây dựng khung pháp lý, thể chế, hệ thống cho đến công nghệ và đặc biệt là quản trị, vì đây là một thị trường phức tạp và rủi ro đối với cả nhà quản lý lẫn người tham gia thị trường.
Những nội dung cơ bản mà Đề án Thị trường chứng khoán phái sinh do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng là gì?
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Đề án Thị trường chứng khoán phái sinh. Theo dự kiến, đề án này sẽ được xây dựng và trình Chính phủ trong năm 2012. Việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh gắn liền với đề án tái cấu trúc thị trường và nằm trong tổng thể Đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020.
Ngoài việc hình thành sản phẩm giao dịch (hàng hóa), cần xây dựng một cơ chế giao dịch, thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP), cơ chế công bố thông tin, bảo hiểm rủi ro và quản trị rủi ro dựa trên cơ chế giám sát việc thao túng giữa thị trường phái sinh với thị trường cơ sở.
Việc xây dựng và quản lý vận hành thị trường phái sinh khá phức tạp chứ không đơn giản như thị trường cơ sở, đơn cử như hoạt động thanh toán bù trừ. Đối với thị trường chứng khoán cơ sở, chúng ta có thể sử dụng hệ thống đăng ký, lưu ký như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán hiện nay, nhưng đối với thị trường phái sinh, bắt buộc phải có hệ thống CCP và cơ chế xử lý thiếu hụt chứng khoán trong thanh toán bù trừ gắn liền với hệ thống thanh toán bằng chứng khoán vật chất hay bằng tiền.
Đây là những vấn đề mà Đề án cần giải quyết và cũng nằm trong lộ trình xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Cơ quan quản lý có lựa chọn một mô hình thị trường phái sinh cụ thể của quốc gia nào hay không?
Việc lựa chọn mô hình cho thị trường chứng khoán phái sinh là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án. Chúng tôi đang xem xét nghiên cứu các mô hình thị trường mới nổi của các quốc gia trong khu vực để xác lập một mô hình cho Việt Nam, phù hợp với điều kiện và mức độ phát triển của thị trường cơ sở.
Chẳng hạn, xem xét thị trường phái sinh được xác lập theo mô hình nào: thị trường phái sinh được chuẩn hóa (thị trường có tổ chức) hay thị trường phái sinh OTC (thị trường phi tập trung), hoặc cả 2 mô hình cùng tồn tại song song.
Chúng tôi cũng phải cân nhắc nên đưa sản phẩm nào vào giao dịch đầu tiên. Theo thăm dò thị trường cũng như yêu cầu của thị trường, có thể trước mắt sản phẩm đầu tiên sẽ được đưa vào áp dụng là hợp đồng tương lai và các sản phẩm dựa trên chỉ số, sau đó có thể là các hợp đồng quyền chọn.
Về hệ thống công nghệ thông tin, theo thông lệ quốc tế, chúng ta phải dựa trên những tiêu chuẩn về phần mềm hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ và cơ chế chuyển giao. Vì vậy, việc đầu tư cho hệ thống công nghệ cần phải được đặt ra khi lựa chọn một nhà thầu cung cấp quốc tế gắn liền với một mô hình thị trường phái sinh mà chúng ta cần hướng đến.
Chưa thể nói Việt Nam sẽ lựa chọn mô hình thị trường phái sinh của nước nào. Chúng ta đang đầu tư xây dựng một gói thầu về công nghệ thông tin khá hiện đại cho thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó cấu phần về thị trường phái sinh cũng được xem xét.
Mai Thư
nhịp cầu đầu tư



Xem bài viết: Chứng khoán phái sinh không dành cho “tay mơ”