Những tháng cuối năm 2013 đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng: các nước phương Tây và Iran đã xích lại gần nhau. Cùng với mối quan hệ thân thiện hơn này, phương Tây cũng cân nhắc giảm bớt các biện pháp cấm vận đối với Iran, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Sự kiện này đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

Trong năm 2013, dù Việt Nam đã nỗ lực giảm bớt tác động từ giá dầu thế giới, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn tăng khá mạnh. Cuối năm 2013, sau nhiều lần tăng giảm giá liên tục, giá xăng A92 vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 24.214 đồng/lít.

Bước sang năm 2014, dù đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn như sự kiện Iran, nhưng những rủi ro tác động khó lường đến giá dầu vẫn còn đó.

Tháng 9.2013, hãng tư vấn McKinsey (Mỹ) đã công bố một báo cáo đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu, trong đó chỉ ra rằng giá cả các nguồn tài nguyên trên thế giới tiếp tục đứng ở mức cao và còn nhiều biến động. Một thời đại với giá cao, tăng nhanh và biến động với tên gọi “siêu chu kỳ” vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, khi cho đến nay, dù đã có những đợt điều chỉnh giảm, nhưng giá các loại hàng hóa vẫn gần ở mức đỉnh đạt được vào năm 2008 - thời điểm trước khi diễn ra khủng khoảng tài chính. Đặc điểm này là rất đáng chú ý vì nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cơn bạo bệnh.

Trong khi đó, theo McKinsey, nguồn cung lại được điều chỉnh khá chậm, chưa theo kịp những thay đổi về sức cầu, do việc tiếp cận các nguồn tài nguyên mới đang trở nên thách thức hơn và tốn kém hơn.

Các mỏ dầu ở ngoài khơi, chẳng hạn, đang đòi hỏi những kỹ thuật khai khác phức tạp hơn, trong khi các nguồn tài nguyên khoáng sản với nhu cầu đang tăng lên lại nằm ở những khu vực có rủi ro chính trị cao. Khi cung không theo kịp cầu thì một sự thay đổi nhỏ về cầu cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn về giá.

Theo McKinsey, ngoại trừ trường hợp khí đá phiến, chi phí sản xuất vẫn tiếp tục tăng lên. Việc chi phí biên trong sản xuất gia tăng dường như ngày càng hiện rõ, khiến giá cả nhiều loại hàng hóa sẽ khó giảm.

Đồng quan điểm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá dầu mỏ có thể vẫn đứng ở mức cao do những rủi ro liên quan đến nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong năm 2014 sẽ lớn hơn năm trước khoảng 110.000 thùng/ngày.

http://vietstock.vn/2014/01/an-so-gi...-34-327424.htm