Đại biểu Quốc hội bức xúc với lạm phát, lãi suất cao
Hàng chục ý kiến trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 5/8 cho thấy các đại biểu vô cùng quan ngại trước việc đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất cao.
Dành toàn bộ thời gian buổi chiều để thảo luận về tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Quốc hội đã có cơ hội lắng nghe hàng chục ý kiến của đại biểu xung quanh những vấn đề nổi cộm của kinh tế - xã hội hiện nay.
Nhiều đại biểu cho trăn trở về vấn đề mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ.
Được đánh giá là vấn đề “thời sự” nhất của nền kinh tế, câu chuyện lạm phát được các đại biểu dành phần lớn thời gian để mổ xẻ. Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) 6 tháng đầu năm 2011 tiếp tục chứng kiến việc tăng trưởng kinh tế (5,6%) thấp so với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đáng chú ý là hiện tượng này đã kéo dài đã nhiều năm. “Giai đoạn 2006 - 2010, CPI tăng bình quân 12,6% một năm. Như vậy, giá trị thật của tăng trưởng với đời sống người dân không nhiều, thậm chí âm”, đại biểu Đáng nhận định.
Theo phân tích của đại biểu đoàn Bình Dương chỉ trong vòng vài tháng qua, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng cơ bản như thịt, trứng, rau - quả… đã tăng gấp đôi, gây ảnh hương lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là nông dân, người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong các doanh nghiệp FDI…
Theo phân tích của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), tình trạng này kéo dài không chỉ tác động đến kinh tế mà còn gây không ít ảnh hưởng về mặt xã hội. “Trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra hàng trăm cuộc đình công, mà 83% các vụ việc lại xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng.
Các đại biểu đều thống nhất cho rằng việc giá cả tăng chóng mặt trong một thời gian dài chủ yếu là do khiếm khuyết của cơ cấu kinh tế, của mô hình tăng trưởng. Riêng đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) chỉ rõ hơn là do nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu từ Trung Quốc (chiếm đến 94,4% tổng nhập siêu năm 2010).
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến cho rằng nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng chất lượng cao để giảm nhập siêu.
Chia sẻ những quan ngại nêu trên với các đại biểu khác, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cảnh báo việc kiểm soát giá sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng còn lại của năm 2011 do tác động của thiên tai (thường vào quý III) và chu kỳ tăng tiêu dùng cuối năm (quý IV).
Theo vị đại biểu của đoàn Thái Bình, để xử lý tốt vấn đề này, ngay sau khi thành lập, Chính phủ mới cần nhanh chóng cụ thể hóa các định hướng điều hành, phối hợp tốt các chính sách, công cụ… tránh mâu thuẫn, giật cục.
Đặc biệt, đại biểu Kiêm cho rằng các cơ quan điều hành cần có biện pháp cấp bách để xử lý mặt trái của chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó có lãi suất tăng cao và việc khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đây là một nội dung quan trọng khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận chiều nay.
Chia sẻ ý kiến cho rằng việc thắt chặt tiền tệ là cần thiết trong điều kiện lạm phát tăng cao nhưng đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) và Huỳnh Thành (Gia Lai) đều cho rằng đây là chỉ là giải pháp tình thế và có khả năng gây ra hiện tượng đình đốn trong sản xuất nếu Chính phủ không có giải pháp hiệu quả nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như hộ nông dân tăng cường khả năng tiếp cận vốn.
Trích dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho biết hiện có đến hai phần ba số doanh nghiệp vừa và nhỏ khó hoặc không tiếp cận được vốn ngân hàng. Trong khi đó, lãi vay hiện lên tới 17 - 18%, thậm chí có nơi là 20 - 22% khiến doanh nghiệp không thể kinh doanh có lãi. Khó khăn tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp - nông thôn.
Theo các đại biểu, Việt Nam có thể học tập một số quốc gia khác trong việc xây dựng một số tổ chức tài chính chuyên biệt để hỗ trợ vốn cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Riêng đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng cần xây dựng phương án phân bổ 13% tăng trưởng tín dụng còn lại của năm nay, trong đó, nên tập trung mạnh cho khu vực doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn…
Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phát biểu về một số vấn đề như cắt giảm đầu tư công, đầu tư phát triển các khu vực khó khăn - miền núi, nâng cao chất lượng giáo dục, an ninh - quốc phòng… Những vấn đề này sẽ tiếp tục được trao đổi và giải đáp bởi các thành viên Chính phủ trong phiên làm việc sáng mai (6/8).
Nhật Minh
vnexpress



Xem bài viết: Đại biểu Quốc hội bức xúc với lạm phát, lãi suất cao