Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 11/9), cổ phiếu SHB của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội đóng cửa ở mức giá 31.700 đồng; nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 180.000 cổ phiếu này.
Kết quả kinh doanh quý II/2009 và cơ hội hợp tác
Xét các ngân hàng trong nhóm 3 (theo tổng tài sản năm 2008), SHB đứng vị trí thứ nhất; thậm chí, có thể xếp SHB vào ngân hàng nhóm 2 (có tổng tài sản trên 15.000 tỷ đồng và dưới 45.000 tỷ đồng), bởi đến quý II/2009, tổng tài sản của SHB đạt hơn 19.222 tỷ đồng. Tất nhiên, mức này vẫn còn khá xa các ngân hàng đã niêm yết trên sàn như ACB, STB, VCB, CTG (nhóm này có tổng tài sản trên 45.000 tỷ đồng, vốn điều lệ cao hơn rất nhiều so với SHB, nằm trong khoảng từ trên 5.115 tỷ đến trên 12.100 tỷ đồng).

Trong quý II/2009, thu nhập chính của SHB vẫn là từ lãi và các khoản thu nhập tương tự lãi (chiếm 61,69% tổng thu nhập). Trong 6 tháng đầu năm 2009, dư nợ tín dụng đạt hơn 7.053 tỷ đồng, tăng 20,38% so với quý I/2009. Lợi nhuận sau thuế tăng 113,11% so với quý trước đạt hơn 172,35 tỷ đồng. Tổng huy động vốn trong quý II của SHB là hơn 16.865 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng tiếp tục có những dự án tài trợ quan trọng. Cuối tháng 8/2009, SHB đã ký kết tài trợ cho hai dự án lớn ở khu vực miền Trung với mức cam kết cho vay lên đến 1.330 tỷ đồng (gồm Dự án đường dây 500 KV Quảng Ninh - Hiệp Hòa và Dự án xây dựng Nhà thi đấu đa năng Thành phố Đà Nẵng). Ngày 30/8, SHB cũng chính thức ký cam kết tài trợ tín dụng cho Dự án Sân golf Vinacapital Đà Nẵng của Tập đoàn Vinacapital, với mức tín dụng dự kiến là 15 triệu USD.

Hiện tại, SHB đang đầu tư góp vốn dài hạn tại 11 đơn vị, với tổng trị giá đạt 497.709 tỷ đồng. Trong đó, SHB nắm giữ trên 10% cổ phần tại 6 công ty như CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội, CTCP Bảo hiểm SHB -Vinacomin, CTCP Đầu tư xây dựng Lilama SHB...
Những chỉ tiêu tài chính “định vị” SHB
Trong quý II/2009, nợ ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dư nợ của SHB, với 62,27%, chủ yếu từ các khách hàng trong nước. So với các ngân hàng có quy mô tương đương như VPbank, OCB, VIB, Habubank, PNB, thì tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động của SHB khá thấp, chỉ ở mức 52,91% so với VPBank (82,67%) và OCB (103,22%).

Tổng tài sản sinh lãi của SHB liên tục tăng qua các năm, chỉ riêng quý II/2009, tổng tài sản sinh lãi đã tăng 69,62% so với quý I và tăng 51,31% so với cả năm 2008. SHB đang triển khai khá nhiều loại hình dịch vụ và được khách hàng hưởng ứng, như SHB phonebanking, ezpay - dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Vì vậy, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đã tăng lên, chiếm 2,64% lợi nhuận sau thuế quý II, thay vì 0,42% trong quý I/2009. Tuy nhiên, so với các ngân hàng khác, như VPB, OCB, HBB, PNB..., thì sản phẩm dịch vụ của SHB vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong lợi nhuận sau thuế và không hiệu quả bằng các ngân hàng này.

Năm 2008, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SHB chỉ chiếm 3,24% lợi nhuận sau thuế, thì tỷ lệ này ở VPB là 24,04%, VIB là 64,66%, HBB là 34,72%, OCB là 13,12% và PNB là 11,88%.

Hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản của SHB khá tốt so với các ngân hàng có cùng quy mô tương đương (chỉ đứng sau Habubank) khi ROA ở mức 1,35%. Tương tự, ROE đạt mức 8,59% là một mức khá cao so với các ngân hàng khác.

Xét tổng quan, SHB được đánh giá là một ngân hàng hoạt động khá hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống của ngành. Tuy nhiên, mảng dịch vụ khác còn khá yếu, chưa có vị thế nhiều trên thị trường, nên sẽ làm hạn chế vị trí của SHB trong ngành.

Phân tích theo ba phương pháp P/E, P/B và DCF thì P/E của SHB đã điều chỉnh là 18,8 và P/B ở mức 1,48 thì mức giá hợp lý mà SHB sẽ đạt được khi trở về đúng giá trị thực của nó vào khoảng 25.800 đồng. Tuy nhiên, P/E thực tế của SHB đang cao hơn so với các ngân hàng cùng cấp, cùng quy mô vốn điều lệ. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (thứ Sáu, ngày 11/9), SHB đóng cửa ở mức giá 31.700 đồng.

Cũng trong phiên này, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 180.000 cổ phiếu SHB, giá trị giao dịch đạt hơn 5,5 tỷ đồng, cho thấy cổ phiếu SHB đang được các nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm. Về biến động giá, SHB đã tăng mức cao nhất là 114,58% kể từ ngày chào sàn hôm 20/4/2009; đến nay, trong vòng 3 tháng đã giảm 20,77%. Biến động giá này cộng với động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, hiện tại, cổ phiếu SHB được kỳ vọng khá cao.
(Theo vir.com.vn)