VPF ra đời để làm gì?
V-League được thay bằng Super League và bắt đầu trễ hơn dự kiến với sự điều hành của công ty cổ phần bóng đá Việt Nam – VPF. Với những lời hứa, những kế hoạch, VPF được nhiều người tin rằng sẽ làm cho VFF bẽ bàng với sự chuyên nghiệp trong điều hành của mình. Vậy mà sau ba vòng đấu đầu tiên, người ta chỉ toàn thấy sự không vui.
Trọng tài Bùi Quang Thông bị Khánh Hoà khiếu kiện thổi “giúp” cho đội bóng bầu Kiên.

Người ta còn nhớ như in ngày VPF được ra đời, chủ tịch hội đồng quản trị VPF, ông Võ Quốc Thắng, đã tuyên bố như đinh đóng cột: “Chắc chắn chất lượng các giải đấu sẽ được nâng lên để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ…” Cùng với bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Đức cũng lên kế hoạch để cải tổ công tác trọng tài bằng thật nhiều tiền, lên kế hoạch kéo khán giả đến sân bởi như bầu Đức nói: “Đầu tư cho mỗi trận đấu cả tỉ bạc mà có ít khán giả thì cầu thủ oải, ông bầu cũng oải”.
Đúng là ba vòng đấu chưa thể nói được VPF thành hay bại trong việc thay VFF tổ chức giải đấu, thế nhưng người ta thấy “bản vá” dường như vẫn chưa khắc phục được lỗi.
Trọng tài, “điểm nhấn” mà các ông bầu tấn công VFF trong buổi tổng kết cuối mùa giải 2011 để tạo tiền đề cho sự ra đời của VPF, vẫn chẳng khá hơn là mấy thậm chí còn có vẻ bát nháo hơn. Việc các ông bầu điều hành VPF quyết định tăng tiền công của các trọng tài lên cao chất ngất với ý định giúp đời sống trọng tài khá lên, có thể sống bằng nghề mà không cần tiêu cực đã có mặt trái. Không ít các cầu thủ, huấn luyện viên đã dựa vào các ông bầu để doạ lại trọng tài.
Chí Công của Bình Dương là một ví dụ cụ thể nhất. Vốn được đội bóng chiều chuộng nên nổi tiếng với chuyện thích chửi bậy trọng tài, mới đây Chí Công đổi cách. Theo lời trọng tài Trọng Thư, Chí Công chửi chán rồi quay sang hăm doạ sẽ “báo cáo để xử”. Trên sân Vinh, trợ lý huấn luyện viên đội Sông Lam Nghệ An thậm chí còn lao cả vào sân để tấn công trọng tài Vũ Bảo Linh, vì cho rằng ông Linh thổi ép đội mình khi rút thẻ đỏ với Huy Hoàng dù ai cũng thấy Huy Hoàng đá như triệt hạ đối phương. Thậm chí huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng cũng hùa theo yêu cầu VPF phải xử ông Linh.
Nhưng, không phải các trọng tài không có lỗi. Trên sân Hàng Đẫy, chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà trọng tài Bùi Quang Thông thổi nương hết cỡ cho đội bóng của bầu Kiên, ép đội Khánh Hoà thấy thương. Thậm chí, cầu thủ chưa kịp doạ, ông Thông đã doạ luôn Tấn Tài: “Mày thích không, tao cho mày thẻ đỏ ra khỏi sân luôn”.
Hoá ra, việc để trọng tài tốt lên không chỉ dùng tiền mà được, khi mà chuyện sắp xếp trọng tài lẫn số lượng trọng tài quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có bấy nhiêu người. Trọng tài không khiến cầu thủ phục làm cho tình trạng bạo lực sân cỏ vẫn tiếp diễn. Vẫn đội bóng xứ Nghệ, Huy Hoàng đã bay thẳng hai chân vào đối phương như “thương hiệu”. Chí Công của Bình Dương vẫn vào bóng như chặt chân, Công Minh của Hà Nội vẫn giật chỏ liên hồi kỳ trận. Tất nhiên, bị đòn đau các cầu thủ cũng chẳng ngại “gài” lại cho đối thủ lãnh đủ. Samson của Hà Nội T&T, bị Huy Hoàng đá rát, khi Huy Hoàng lao vào đã nhấc chân lên và Huy Hoàng lãnh trọn gầm giày vào mặt để rồi giờ phải chịu chấn thương nặng vùng đầu, mặt.
Tất nhiên, dưới sân loạn thì trên khán đài chưa đông khách cũng là dễ hiểu vì chẳng ai thích đến sân bóng đá để xem đánh võ hay những trận đấu lìu xìu. Nhưng nếu chỉ vắng vì giải đấu chưa tốt đã là may. Sự lỏng lẻo trong điều hành của VPF còn dẫn đến việc một số khán giả đến sân tranh thủ quậy cho sướng. Sân Lạch Tray – Hải Phòng tiếp tục đốt pháo sáng. Sân Vinh khán giả vây xe đội khách doạ giết cầu thủ đối phương và trọng tài trong sự bất lực của bảo vệ!
VPF điều hành giải đấu có gì tốt hơn, xin thưa chưa thấy rõ. Thế nên sau ba vòng đấu, đành tạm sơ kết buồn mà rằng, chắc tại VPF đang bận dồn hết cả tinh hoa vào việc tranh chấp bản quyền truyền hình nên Super League vẫn chưa được “siêu” như mong đợi. Nhưng chợt giật mình và thật lòng muốn biết, VPF ra đời lẽ nào chỉ vì bản quyền truyền hình và đó là mục tiêu tối thượng?
Thảo Du
SÀI GÒN TIẾP THỊ



Xem bài viết: VPF ra đời để làm gì?