Nhìn trực diện để tháo gỡ khó khăn cho Vinalines
Những khó khăn hậu khủng hoảng vẫn đang tạo áp lực nặng nề lên vai các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển.
Lần đầu thua lỗ sau 15 năm hoạt động
Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt cho biết, 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng vận tải biển đạt 24,8 triệu tấn, tổng lượng hàng thông qua cảng đạt 43,4 triệu, tổng doanh thu đạt 14.390 tỷ đồng (tăng lần lượt 6%, 15% và 6% so với cùng kỳ). Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Việt, 6 tháng đầu năm, Vinalines lỗ 613 tỷ đồng. Khoản lỗ chủ yếu là của một số doanh nghiệp vận tải biển, của 5 doanh nghiệp chuyển giao từ Vinashin và của 2 cảng liên doanh mới đưa vào khai thác là SP-PSA và CMIT.
Trên thực tế, từ cuối năm 2008, thị trường vận tải biển quốc tế bắt đầu sụt giảm, giá cước cho thuê tàu, giá tàu các loại đều giảm 60-70%. Các doanh nghiệp vận tải biển liên tục vật lộn với khó khăn như các chi phí đầu vào, chi phí nhiên liệu, nguyên liệu, vật tư thiết bị … tăng cao nhưng giá cước vận tải biển lại liên tục thiết lập đáy mới, bão hòa nguồn cung vận tải biển trên thế giới. Trong khi đó, áp lực trả nợ đến hạn của các ngân hàng ngày càng cao vì hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều đầu tư mua tàu chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng trong nước. Chỉ riêng các tàu được đầu tư từ năm 2007 tới nay đã là 81 tàu với giá trị đầu tư 1.649 triệu USD và 4.756 tỷ VNĐ. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay của đội tàu Tổng công ty rất lớn, đặc biệt lỗ chênh lệch tỷ giá từ đầu năm (tăng 9,3%) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lỗ kinh doanh của đội tàu.
Hơn nữa, do thắt chặt tín dụng, lãi suất trong nước tăng cao, đội tàu của Vinalines đang mất dần thế cạnh tranh do phải chịu áp lực chi phí lãi vay rất lớn so với đội tàu vận tải biển của nước ngoài. Tính trung bình, lãi suất vay ngoại tệ trong nước cao hơn nước ngoài từ 3 – 5% vì vậy nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã phải cơ cấu các khoản nợ vay mua tàu hoặc đóng mới trong nước với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam mà vẫn rất khó khăn trong việc trả nợ.
Phấn đấu cân bằng thu chi trong năm 2011
Dự báo những tháng cuối năm 2011, thị trường vận tải biển vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do sự không ổn định của nền kinh tế thế giới và hiện tượng thừa cung trọng tải chưa kịp điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục gây sức ép lên cước vận tải biển. Công tác huy động vốn khó khăn, các chi phí đầu vào như nhiên liệu, vật tư, sửa chữa, nhân công, lãi vay ngân hàng, khấu hao, chênh lệch tỷ giá… tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2011, sản lượng vận tải ước đạt 44,5 triệu tấn hàng hóa, sản lượng hàng thông qua đạt 61,8 triệu tấn, tổng doanh thu ước đạt 22.500 tỷ đồng. Đặc biệt, Vinalines phấn đấu cân đối thu chi, sau khi báo lỗ hơn 600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Cần phải lưu ý rằng, trong suốt hơn 15 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên Vinalines công bố lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu Vinalines
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi làm việc với lãnh đạo Vinalines tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong chiều 19/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng công ty cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển Vinalines đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đó, xây dựng đề án tái cơ cấu để thực hiện chiến lược đề ra, trong đó phải đưa ra được những đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách. Bộ trưởng nhấn mạnh Vinalines cần tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, tổ chức, sắp xếp lại công ty mẹ cho hợp lý. “Công ty mẹ phải hỗ trợ cho công ty con về thị trường cả trong và ngoài nước, về kinh nghiệm, về công nghệ” – Bộ trưởng nêu rõ.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Vinalines phải tiến hành rà soát ngay lại các dự án đang và sẽ đầu tư, xếp trình tự ưu tiên. Ở miền Bắc chỉ tập trung vào Lạch Huyện, miền Trung là Vân Phong và miền Nam thì chỉ cải tạo nâng cấp các cảng hiện có” – Bộ trưởng gợi ý. Về đầu tư đội tàu, Vinalines cần hạn chế tối đa việc mua tàu cũ. Cùng với đó, Vinalines cũng cần tập trung phát triển Logistics, coi đây là khâu đột phá của mình.
Thanh Bình
Giao thông vận tải



Xem bài viết: Nhìn trực diện để tháo gỡ khó khăn cho Vinalines