Chứng khoán sẽ ra sao vào quý 1/2012?
(Vietstock) - Tất cả những gì mà TTCK đang trông chờ sẽ là thời điểm cuối quý 1, đầu quý 2 của năm 2012, khi lãi suất huy động được kéo giảm về một mức đủ cho thị trường có thể bắt đầu phục hồi về thanh khoản - yếu tố quan trọng hơn cả sự hồi phục về điểm số.

10%?
Quý 1/2012 đang đến rất gần. Quý này lại được phân chia thành hai giai đoạn khác biệt cơ bản: trước Tết và sau Tết.
Với những gì đã biểu hiện trong suốt năm 2011, thật khó cho nhà đầu tư có thể hy vọng vào một cú đột phá trong thời gian ít ỏi còn lại trước Tết. Không khác nhiều sàn bất động sản, tâm lý chán nản dẫn đến “ăn Tết sớm” đang khiến cho nhiều nhà đầu tư trở nên thờ ơ hơn nữa với thị trường.
TS Quách Mạnh Hào của CTCK Thăng Long mới đây đã nêu ra một đánh giá đáng chú ý tại hội thảo do Vietstock tổ chức. Theo ông, số nhà đầu tư dửng dưng với TTCK đang chiếm số đông; những nhà đầu tư còn cố gắng bám trụ tại sàn hay dán mắt vào bảng điện tử chỉ chiếm số ít và thuộc về những người muốn rút tiền hơn là tham gia bắt đáy.
Một số liệu mà ông Hào thuyết minh cũng rất đáng lưu tâm: chỉ còn chừng 10% số tài khoản của nhà đầu tư là còn trong trạng thái hoạt động.
Vào giữa năm 2010, một số công ty chứng khoán đã sơ lược về tình trạng tài khoản “chết” của nhà đầu tư lên tới 75-80%. Tức khi đó vẫn còn khoảng 20-25% số tài khoản chưa đến nỗi phải thở bằng oxy.
Nhưng giờ đây, tình hình thanh khoản ngày càng kém cỏi lại trở thành một vấn nạn đối với thị trường. Rất nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện “Tiền ở đâu?” như một đáp số duy nhất nhằm vực dậy chỉ số chứng khoán.
Và cũng giống như bất động sản, chứng khoán chỉ còn trông chờ vào động thái giảm lãi suất như cứu cánh duy nhất.
Lãi suất nào?
Những tin đồn đoán về chuyện giảm lãi suất, xuất hiện từ cuối tháng 11, đầu tháng 12/2011 không hẳn là thiếu cơ sở. Cơ sở ấy còn được sự xác nhận của một số ngân hàng thương mại và đặc biệt là động thái giảm lãi suất cho vay cho Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV).
Song dường như đã có một sự thay đổi nào đó trong quan điểm và cách đánh giá vấn đề của Chính phủ.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn được ưu tiên, cho dù có phải trả giá bởi việc nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn tiếp tục không thể “tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ”.
Còn về phía Ngân hàng nhà nước, hình như vẫn còn một ẩn ý nào đó để dẫn đến thái độ im lặng liên quan đến quyết định giảm lãi suất, dù chính Thủ tướng chính phủ đã ít nhất hai lần, một lần trong trả lời chất vấn trước Quốc hội và lần thứ hai tại Hội nghị ngành ngân hàng, yêu cầu thống đốc Ngân hàng nhà nước nhanh chóng giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Nhân tố cần cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản cũng là điều kiện cần để TTCK, nếu không được phục hồi thì ít ra cũng có thể lập vùng đáy dài hạn.
Thế nhưng những phương án vận động của TTCK trong năm 2012 có lẽ lại cơ bản phụ thuộc các quyết định và số lần giảm lãi suất.
Nếu theo đúng “lộ trình” của Ngân hàng nhà nước, đến cuối năm 2012 lãi suất huy động sẽ giảm về mức 10%/năm, thì có thể hy vọng là trong giai đoạn 6-8 tháng đầu năm 2012, có thể có hai lần lãi suất được giảm.
Cơ cấu giảm lãi suất có thể là giảm theo cách “nhảy cóc” với biên độ giảm 2% cho mỗi lần, nhưng cũng có thể “giảm kỹ thuật” chỉ 1% cho từng lần.
Nhưng quan trọng hơn là lãi suất loại nào sẽ được giảm. Nếu chỉ giảm lãi suất cho vay, có thể thấy là mức lãi suất sẽ không thấp hơn 17-18%/năm đối với khu vực sản xuất. Mà như vậy, với tư cách là đối tượng chưa có cơ hội được gỡ bỏ khỏi cụm từ “phi sản xuất” như chủ tịch UBCK Vũ Bằng kiến nghị, sẽ khó có nhà đầu tư nào dám gồng mình vay mượn ngân hàng để đổ tiền vào chứng khoán.
1% hay 2%?
Chỉ có thể là việc lãi suất huy động được kéo giảm, và giảm một cách “có ý nghĩa”, khi đó TTCK mới có cơ may để bắt đầu một ngã rẽ mới.
Trong trường hợp lãi suất huy động được kéo giảm 2%, có thể một cú tăng khá ngoạn mục của TTCK sẽ diễn ra. Cú tăng có thể ấy không hẳn xuất phát từ dòng vốn dồi dào ngay lập tức đổ ập vào thị trường, mà ít nhất nó được khởi phát từ động tác giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư - những người đã bị ức chế suốt cả năm 2011.
Nhưng nếu lãi suất huy động chỉ giảm 1%, thậm chí còn thấp hơn biên độ này, khả năng tốt nhất mà TTCK có thể hy vọng là đà suy giảm chậm lại, từ đó có thể khiến thị trường kéo ngang. Thời gian kéo ngang như thế sẽ không biết đến bao lâu, cho đến khi diễn ra một chính sách - có ý nghĩa như một cú hích mới đối với thị trường.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương và cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ cho Chính phủ - đã phác thảo ra một “lộ trình” giảm lãi suất như sau: trong 6 tháng đầu năm 2012, quý 1 lãi suất sẽ “giảm kỹ thuật”, chỉ đến quý 2 lãi suất mới giảm “có ý nghĩa’. Tất nhiên “ý nghĩa” như thế chỉ thật sự có ý nghĩa với điều kiện chỉ số lạm phát ổn định.
Với nhiều chuên gia khác, hai quý đầu năm 2012 vẫn còn là thời gian “thử thách” đối với TTCK. Hay nói trắng ra, thị trường này có thể còn giảm tiếp.
Bởi thế, tất cả những gì mà TTCK đang trông chờ sẽ là thời điểm cuối quý 1, đầu quý 2 của năm 2012, khi lãi suất huy động được kéo giảm về một mức đủ cho thị trường có thể bắt đầu phục hồi về thanh khoản - yếu tố quan trọng hơn cả sự hồi phục về điểm số.
Hạ Xuyên



Xem bài viết: Chứng khoán sẽ ra sao vào quý 1/2012?