2.2.3. Những đường xu hướng chỉ ra sự dịch chuyển
Xu hướng thường xảy ra theo ba giai đoạn riêng biệt. Sự phân biệt giữa các giai đoạn này, nhất là trong các giai đoạn chuyển tiếp hầu như rất khó nhận biết tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một vài kinh nghiệm để chúng ta có thể nhận biết điều này nhưng trước hết hãy đề cập sơ qua về các định nghĩa chính thống.
Một xu hướng lớn thường xảy ra trong ba giai đoạn riêng biệt:
Giai đoạn tích luỹ: thể hiện việc mua có hiểu biết các nhà đầu tư tinh thông . Những giai đoạn này đôi khi được coi là những giai đoạn lạc quan hay bi quan thái quá của thị trường. Ví dụ trong những lúc thị trường sụt giảm tương tự như giai đoạn đầu năm 2009 thì hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường đều vô cùng chán nản với cả một khoảng thời gian sụt giảm quá dài phía trước. Chỉ có những nhà đầu tư thực sự kiên nhẫn và quyết đoán mới có thể mua trong những giai đoạn như vậy
Giai đoạn tham gia công chúng: xảy ra khi các mức giá bắt đầu gia tăng một cách nhanh chóng và những tin tức kinh doanh sẽ được cải thiện. Đây có thể coi là giai đoạn tăng nóng của thị trường. Khi đó sẽ có sự hỗ trợ của các thông tin cơ bản từ vĩ mô đến vi mô. Điều này sẽ khiến cho các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn và tham gia thị trường nhiều hơn.
Giai đoạn phân phối: khi những tin tức kinh tế trở nên tốt hơn và khi khối lượng có tính chất đầu cơ và sự tham gia công chúng gia tăng. Những giai đoạn này thường có khối lượng lớn và đột biến trong những phiên giao dịch quyết định.
Ba giai đoạn của thị trường đầu cơ giá lên: (bull market)
Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn tích tụ. Giai đoạn như vậy sẽ bắt đầu bằng sự chán nản và kết thúc với sự lạc quan. Thông thường nó sẽ mở đầu bằng các thông tin tồi tệ nhất và sự chán nản của nhà đầu tư sẽ lên tới mức tột cùng. Những người bán trong các giai đoạn như vậy thường là do các nhu cầu tài chính cá nhân quá cấp thiết nên mới bán tại những thời điểm giá đã xuống quá thấp như vậy.
Thông thường chỉ những nhà đầu tư thực sự có tầm nhìn, bản lĩnh và kiến thức mới có thể cảm nhận được rằng tình hình thị trường tuy đang bị đè nén và bi quan nhưng sẽ đảo chiều. Khi đó họ sẵn sàng mua tất cả các cổ phiếu được chào bán bởi các nhà đầu tư đang có tâm lý bi quan. Tuy nhiên, cũng phải hết sức lưu ý rằng rất có khả năng vốn sẽ bị chôn khá lâu trong thị trường vì giai đoạn này thường kéo dài khá lâu.
Những nhà đầu tư này thường áp dụng phương pháp mua vào từ từ trong các phiên điều chỉnh. Các báo cáo tài chính vẫn phản ánh tình hình tồi tệ của thị trường trong giai đoạn này nhưng các tin xấu đã gần như bão hoà. Giao dịch trên thị trường ở mức trung bình nhưng đã bắt đầu các đợt tăng giá đợt tăng giá nhỏ.
Tiếp theo là giai đoạn tham gia công chúng. Đây là giai đoạn dễ chịu nhất đối với các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu tăng mạnh do những sự cải thiện trong điều kiện kinh doanh. Hoạt động thị trường cũng tăng lên do có các thông tin tốt về tình hình kinh doanh cũng như xu thế tăng thu nhập trên một cổ phiếu của công ty, gây nên sự chú ý của công chúng. Trong giai đoạn nhưng giai đoạn như vậy các nhà phân tích kỹ thuật thu hoạch được lợi nhuận cao nhất
Cuối cùng là giai đoạn phân phối. Đây có thể coi là giai đoạn giàu cảm xúc nhất của thị trường. Công chúng lao vào sàn giao dịch và khối lượng giao dịch được duy trì ở mức rất cao trong suốt giai đoạn này. Giá tăng mạnh do sự kỳ vọng quá mức và đầu cơ. Tất cả các tin tức tài chính đều tốt đẹp, giá tăng đột biến, các tin tức giá cả được đưa lên trang đầu của báo chí. Thông thường, số cổ phiếu các đợt phát hành mới được đưa ra hàng loạt. Chỉ những nhà đầu tư tỉnh táo và đủ không ngoan mới có thể mạnh dạn bán cổ phiếu trong những giai đoạn như vậy.
Ba giai đoạn của thị trường đầu cơ giá xuống: (bear market)
Thị trường đầu cơ giá xuống thường kéo dài hơn các thị trường đầu cơ giá lên. Tuy nhiên, nó cũng có ba giai đoạn rõ ràng với những đặc điểm khác nhau.
Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn phân phối. Giai đoạn này thường bắt đầu từ việc nhà đầu tư từ bỏ các kỳ vọng từ giai đoạn ba của thị trường bull market trước đó. Nhà đầu tư có tầm nhìn cảm nhận được rằng lợi nhuận đã đạt mức đặc biệt cao và bắt đầu bán cổ phiếu mình nắm giữ. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao nhưng có xu hướng giảm trong đợt tăng giá. Công chúng vẫn sôi động nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu chập chờn vì hy vọng về lợi nhuận bắt đầu tắt dần.
Những đặc điểm này rất quan trọng đối với những nhà đầu tư dài hạn cũng như những người trading ngắn hạn vì nó sẽ cho thấy nguy cơ về sự thua lỗ lớn lao sắp xảy ra.

Tiếp theo sau đó là giai đoạn hoảng loạn. Trong những giai đoạn như vậy, giá cổ phần giảm do sự sụt giảm mức độ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận. Số người mua giảm đi đáng kể trên thị trường còn những người bán thì mất bình tĩnh. Xu hướng giảm giá gia tăng đột ngột, trong khi khối lượng giao dịch tăng không bình thường thể hiện sự chốt lời quyết liệt của các nhóm nhà đầu tư.
Cuối cùng là giai đoạn bán bắt buộc. Đây thực sự là cơn ác mộng cho những nhà đầu tư có mức giá vốn cao. Do tình trạng suy giảm những thông tin, cổ phiếu được bán ra bất chấp dưới giá trị của chúng. Hành động bán bắt buộc của những người nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn hoảng loạn, hoặc đã mua trong giai đoạn hoảng loạn vì giá cổ phiếu lúc đó có vẻ là rẻ so với mấy tháng trước đó. Các tin tức về tình hình kinh doanh bắt đầu xấu đi. Việc giảm giá cổ phiếu không đột ngột như ở giai đoạn hoảng loạn, nhưng vì còn có những người phải bán bắt buộc vì họ cần tiền cho các nhu cầu khác. Các cổ phiếu Bluechip giảm giá từ tốn hơn vào cuối giai đoạn

Chúng tôi thường hay nói với nhau rằng tài năng thực sự của một người kinh doanh chứng khoán thể hiện trong một thị trường giá xuống chứ không phải là thị trường giá lên. Vì thông thường ở Việt Nam, khi thị trường tăng hầu hết mọi người đều có lời và những người đầu tư nghiệp dự đôi khi lại đạt được mức lợi nhuận nhiều hơn những người chuyên nghiệp!
Tuy nhiên, trong một thị trường giá xuống mà đôi khi chúng ta hay gọi là ”máu nhuộm Bến Chương Dương” thì chỉ có những trade đẳng cấp thực sự mới thoát được và có lời.
2.2.4. Các mối quan hệ giá và khối lượng tạo ra nền tảng cơ bản
Mối quan hệ cơ bản là khối lượng tăng khi giá phục hồi và thu hẹp khi giá giảm. Đây là mội quan hệ thông thường mà chúng ta thường thấy. Tuy nhiên, trong con mắt của Dow thì nếu như xảy ra mối quan hệ ngược lại thì ông cho rằng đó là một tín hiệu đảo chiều xu hướng đáng tin cậy:
”Nếu khối lượng trở nên ứ đọng khi giá tăng và gia tăng khi giá giảm, cảnh báo rằng xu hướng chính sớm bị đảo ngược”
Tý nữa trong phần phản biện chúng ta sẽ đề cập lại vấn đề này.
2.2.5. Hành động giá xác định xu hướng
Dấu hiệu tăng giá được đưa ra khi sự tăng giá liên tiếp tạo ra các đỉnh cao hơn và sự giảm giá xen vào tạo thành các đáy cao hơn. Áp dụng nguyên tắc ngược lại đối với dấu hiệu giảm giá.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì nguyên tắc này tỏ ra khá chậm nhất là trong những trường hợp cắt lỗ vì tại những thị trường như Việt Nam sẽ không bán được tại những điểm mà Dow đề nghị vì tất cả các cổ phiếu đều giảm sàn và không có người mua!
2.2.6. Danh mục phải được xác định
Nguyên tắc quan trọng nhất là sự dịch chuyển hai chỉ số bình quân ngành công nghiệp (Industrial) và chỉ số ngành giao thông vận tải (Transportation) phải được củng cố lẫn nhau. Đây có thể coi là nguyên lý mang nhiều màu sắc cơ bản nhất của Dow. Vì Dow cho rằng công nghiệp và vận tải phải đồng thời phục hồi thì nền kinh tế mới thực sự phục hồi và đó mới là thời điểm mua thích hợp nhất. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi việc áp dụng nguyên lý này ở Việt Nam cần có sự điều chỉnh nhất định.
2.3. Những phản biện dành cho Dow
Nếu như sống lại, có lẽ Dow sẽ không thoải mái lắm khi đọc được những dòng này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải làm điều này vì rõ ràng một lý thuyết chẳng bao giờ có thể đứng vững theo thời gian mà không có sự chỉnh sửa nhất định. Chúng ta hãy bắt đầu với phản biện đầu tiên
Điều dễ thấy nhất trong các lý thuyết của Dow là nó quá chậm. Điều này đôi khi không quá quan trọng tại những thị trường phát triển vì chúng biến động không lớn. Nhưng tại những thị trường mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc... thì điều này hết sức quan trọng. Sự biến động nhanh và mạnh đến mức chỉ 1 – 2 tuần giảm điểm có thể xoá sạch thành quả của cả một năm đầu tư!
Phản biện thứ hai là không phải lúc nào lý thuyết Dow cũng đúng. Một ví dụ đơn giản là mối quan hệ nghịch biến giữa giá và khối lượng. Theo Dow thì đó là dấu hiệu báo trước cho một sự đảo chiều khá chắc chắn của xu hướng. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rằng cứ hễ giá tăng mạnh mà khối lượng cũng tăng đột biến thì đó lại là phiên đỉnh.

Điều cuối cùng làm cho nhiều người thấy khó ứng dụng lý thuyết Dow là lý thuyết này không giúp được nhiều cho các nhà đầu tư trong các biến động trung gian. Chẳng hạn nếu như giá sideway trong một kênh giá nằm ngang thì hầu như không thể áp dụng được lý thuyết này.