Lỗ vì cả tin 'thầy bói' chứng khoán


Mất gần 40% giá trị sau một tháng nắm giữ cổ phiếu VNR,
anh Hòa trên sàn Đại Việt (TP HCM) tự trách đã quá tin vào những dự
đoán ngành bảo hiểm sẽ phất lên như diều gặp gió khi đại gia BVH chào
sàn.
> Thầy bói trên sàn chứng khoán


Khi đưa ra một dự báo thị trường, các chuyên gia tài
chính thường khẳng định chỉ mang tính tham khảo. Đã là dự báo thì sẽ có
sai số, chứng khoán đôi lúc rẽ hướng không ai ngờ đến, thế nhưng nhiều
nhà đầu tư vẫn xem như kim chỉ nam hành động để quyết định mua vào hay
bán ra.


Đã trải qua cảm giác thăng hoa khi chứng khoán gặp
thời trong năm 2007 lẫn vị đắng hồi năm ngoái thị trường lao dốc, song
anh Hòa, nhà đầu tư sàn Đại Việt vẫn bị tâm lý đám đông chi phối. Trước
ngày "đại gia" bảo hiểm BVH niêm yết, có rất nhiều thông tin cổ phiếu
này sẽ đỡ thị trường trên bản tin nhiều công ty chứng khoán. Mọi người
kháo nhau ngành bảo hiểm ngon ăn, giá cổ phiếu sẽ dậy sóng.


[table]




Nhà đầu tư nên cẩn trọng trước các thông tin trên thị trường chứng khoán. Ảnh: B.H.[/i]
[/table]
Trước các khuyến cáo lạc quan, anh Hòa vội mua ngay
1.000 cổ phiếu thuộc ngành bảo hiểm đang niêm yết sàn Hà Nội là VNR
(Tổng công ty Cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam), với mức giá
44.200 đồng hôm 19/6. Song, không thể ngờ rằng, thời điểm anh nhảy vào
lại bắt đúng đỉnh chứ không phải đón đáy như kỳ vọng. Bởi giá VNR trượt
dài ngay sau đó, chốt phiên hôm 21/7 chỉ còn 28.300 đồng, mất trọn 36%
giá trị sau một tháng.


Mới chập chững đầu tư, để đảm bảo tiền sinh ra tiền
và lỗ ít nhất, anh Hoàng, quận Bình Thạnh, tìm đến bộ phận phân tích
của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, với mớ cổ phiếu bất động sản anh
được tư vấn nên mua vào cuối tháng 6, đến nay giảm gần 30% giá trị. Rút
kinh nghiệm, bây giờ anh Hoàng chỉ xem bản tin công ty chứng khoán gửi
hàng ngày là tiêu chí tham khảo thay vì quá tin tưởng như ban đầu.


Chị Hoa, sàn Âu Việt, thì còn nhớ như in hồi đầu
tháng 6, giới đầu tư rỉ tai nhau tin Ngân hàng Nhà nước có thể nới room
cho khối ngoại lên 49%, thay vì 30% như hiện tại. Nếu đúng như vậy, nhà
đầu tư sẽ có thêm nhiều cơ hội khi ôm vào cổ phiếu nhóm này. Vn-Index
hôm ấy gia tăng mạnh mẽ, lực mua lớn, giao dịch 3 cổ phiếu ngân hàng:
STB, ACB, SHB đứng top 5 cả hai sàn... càng ủng hộ cho thông tin trên.
Nghĩ đây là sự thật, chị tranh thủ đặt mua gần cả nghìn con STB.


Song, Ngân hàng Nhà nước sau đó đã khẳng định không
có chuyện nới room, đây hoàn toàn là tin đồn. "Cũng may cổ phiếu STB
thanh khoản, biến động giá không đáng kể nên có thể bán ra ngay sau
đó", chị Hoa cho biết sẽ cẩn trọng hơn trước các thông tin lan truyền
trên thị trường.


Chuyên phụ trách gửi thông tin phân tích kỹ thuật, hỗ
trợ cho các quyết định đầu tư của khách hàng, nhân viên một công ty
chứng khoán ở quận 3, TP HCM (không muốn nêu tên) kể nhiều lần nhận
được email oán trách không thương tiếc của nhà đầu tư do nhận định
không đúng xu hướng thị trường, làm thiệt hại túi tiền của họ. Rút kinh
nghiệm, anh đưa nhận định dự báo thị trường với thời gian dài hơi hơn
(tuần hoặc tháng), thay vì khuyên nhà đầu tư nên mua, bán, hay "phán"
Vn-Index sẽ lên hay xuống ngay trong ngày hôm sau (ngắn hạn).


Để tránh những phiền toái tương tự, các công ty chứng
khoán cũng lên tiếng, khẳng định phía dưới bản tin bao giờ cũng có
đoạn: "thông tin chỉ mang tính chất tham khảo..."; "không chịu trách
nhiệm cho những khoản lỗ trong đầu tư nếu sử dụng những thông tin
này...". Những dự báo của các công ty chứng khoán chỉ đơn thuần giúp
nhà đầu tư có thêm nhiều luồng tin, tạo cái nhìn đa chiều hơn, còn
quyết định cuối cùng vẫn do bản thân nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm.


Chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Thế Hiển cũng cho
rằng: "Sẽ không hợp lý nếu đã chọn phương thức đầu tư lướt sóng, kiếm
lợi từ sự tăng giảm mạnh của thị trường trong ngắn hạn lại muốn chỉ có
thắng, không có thua". Trong giai đoạn này, mọi nhận định, phân tích cơ
bản đều đứng ngoài, chỉ còn nhận định xu thế, hành vi của nhà đầu tư.
Nếu có lỗ trong giai đoạn này cũng nằm trong bản chất của đầu tư lướt
sóng (có người thắng, có người thua), nhưng nếu trách thị trường bất ổn
khiến nhà đầu tư thua lỗ là không hợp lý.


Trái ngược với ý kiến trên, đại diện một quỹ đầu tư
nước ngoài cho rằng, các công ty chứng khoán không nên "ra rả" nói thị
trường lên hay xuống, bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung. Không loại
trừ khả năng họ khuyên nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường khiến nhiều
người không dám mua, nhưng lại âm thầm gom vào với giá hời. "Bản thân
các công ty chứng khoán là đơn vị tự thu, chi, cũng kinh doanh như các
doanh nghiệp khác, nên những hành động của họ phải nhằm mục đích sinh
lợi", ông cho biết.


Bạch Hường[/b]