1.4. Những giả định cơ bản
Giả định đầu tiên và cũng là giả định quan trọng nhất: giá cả phả ánh tất cả hành động của thị trường. Khi tôi còn là sinh viên đại học, một người bạn từng nói với tôi rằng anh ta chỉ thực sự quay cóp khi nào bị giám thị bắt quả tang. Vì vậy, cũng có một nhận định tương tự trên thị trường chứng khoán Việt Nam: mọi hành động của nhà đầu tư đều hợp lý cho đến khi chúng sai! Mọi nhà đầu tư đều có lý do của họ.
Khi một nhà đầu tư mua một cổ phiếu như VNM chẳng hạn, nhà đầu tư này hẳn sẽ kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng lớn lao cũng như thế mạnh vượt trội của công ty này trong ngành sữa nói riêng và ngành thực phẩm nói chung tại Việt Nam. Nhưng một nhà đầu tư bán ra cổ phiếu này cũng có thể vịn vào lý do đây là một công ty thuộc ngành thực phẩm – đồ uống (một loại ngành phòng thủ) nên trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng nên bán đi và đầu tư vào những cổ phiếu ”hot” như chứng khoán, sắt thép, bất động sản. Tất cả những kỳ vọng này sẽ tích tụ vào giá và người phân tích sẽ xem giá như là chuẩn mực cao nhất. Mọi thứ họ xây dựng đều xoay quanh giá.

Giả định thứ hai là giá dịch chuyển theo xu hướng. Đây chính là giả định nền tảng cho các giải thuật chính yếu trong phân tích kỹ thuật trong nhiều năm qua: nắm bắt và đi theo xu hướng. Mặc dù sau này với sự phát triển của những lý thuyết mới (lý thuyết ”trục chiến lược”, trường phái Line & Fibonacci...) đã phần nào làm bớt đi tầm quan trọng của giả định này nhưng nhìn chung nó vẫn giữ được vai trò trung tâm của mình trong các phân tích của hầu hết các nhà đầu tư.
Giả định thứ ba không kém phần quan trọng: quá khứ tự nó sẽ lặp lại. Một điều mà nhiều người dù thuộc trường phái nào cũng đều phải nhất trí là thị trường luôn có tính chu kỳ. Mặc dù những gì diễn ra ngày hôm nay và trong tương lai chưa hẳn đã hoàn toàn giống với những gì đã xảy ra trong quá khứ nhưng việc xâu chuỗi các sự kiện lịch sử sẽ giúp chúng ta hình thành được những kịch bản có khả năng nhất ở tương lai. Dưới con mắt của các nhà phân tích kỹ thuật nó có thể là một mẫu hình, một tín hiệu phá vỡ đường trendline hay một tín hiệu mua (buy signal) từ MACD chẳng hạn.

Ví dụ: mẫu hình Head & Shoulder xuất hiện khá nhiều lần trên thị trường chứng khoán VIệt Nam và đi cùng với sự xuất hiện đó là những đợt phục hồi và thoái lùi rất mạnh của thị trường. Vì vậy, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng nếu mẫu hình này lại xuất hiện một lần nữa VN-Index sẽ có biến động mạnh tương tự.
1.5. Những thao tác với đồ thị giá
Có rất nhiều phần mềm dùng để phân tích kỹ thuật: Metastock, AmiBroker, MetaTrader, ELWAVE 7.6, Netdania, NetView... Chúng nhiều đến nỗi những người phân tích lâu năm thường chỉ chọn 1 – 2 phần mềm ưng ý nhất để xài cho mình. Đối với bản thân chúng tôi và trong quá trình quan sát của mình, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều người đã và đang sử dụng Metastock – một trong những phần mềm phân tích kỹ thuật hàng đầu thế giới. Dĩ nhiên, cũng có những phần mềm khác với những ứng dụng tốt nhưng nếu xét trên cả hai góc độ là dễ dàng tiếp cận, tiện lợi trong thao tác cũng như những ứng dụng cao cấp chuyên sâu thì có vẻ như Metastock là phần mềm đáp ứng được nhiều nhất. Vì vậy, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn những thao tác cơ bản xoay quanh phần mềm này.
Trước hết là một số dạng đồ thị mà phần mềm này cung cấp. Đầu tiên chúng ta có thể xem qua Bar Chart.

Trên đây là đồ thị bar của cổ phiếu SSI. Chúng ta thấy những thanh giá này thể hiện 4 thành phần chính là giá đóng cửa, giá mở cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất

Tuy nhiên, đồ thị dạng này trông có vẻ không bắt mắt lắm và thường được sử dụng tại các thị trường chứng khoán phương Tây nhiều hơn. Có một dạng đồ thị khác khá phổ biến tại các thị trường châu Á và theo đánh giá của chúng tôi là khá thích hợp tại thị trường Việt Nam. Đó là đồ thị candlesticks (hình nến Nhật Bản).

Đồ thị của KHA trông có vẻ sống động hơn khi chuyển sang dạng đồ thị này. Tuy nhiên, có không chỉ có tác dụng làm bạn ”vui mắt” thôi đâu. Có cả một trường phái đầu tư dựa trên phân tích hình nến của những nhà phân tích kỹ thuật cổ điển! Chúng tôi sẽ đề cập lại điều này trong chương 4. Còn hiện nay chúng ta sẽ đi đến loại đồ thị cuối cùng mà bạn nên biết: đồ thị dạng Line.

Thông thường, có một số nhà đầu tư có vẻ không tin tưởng lắm vào các mức giá mở cửa hay cao nhất, thấp nhất. Họ chỉ tin vào mức giá đóng cửa dựa trên lập luận rằng dù trong phiên tăng giảm như thế nào thì cuối cùng điều quan trọng nhất vẫn là đóng cửa ở mức bao nhiêu điểm. Những người đó sẽ rất thích sử dụng đồ thị Line.
Cách thức chyển từ dạng đồ thị này sang dạng đồ thị khác cũng khá đơn giản. Bạn có thể làm như sau:


Khi đó bảng tuỳ chọn loại biểu đồ sẽ hiện ra và bạn chỉ việc chọn loại biểu đồ mà mình thích. Đây là những bước đơn giản đầu tiên mà nếu như bạn đã từng đọc qua các sách hướng dẫn về phân tích kỹ thuật hay tự mày mò với Metastock có lẽ bạn đã biết. Ở đây chúng tôi có vài gợi ý thêm. Điểm yếu duy nhất của Metastock theo tôi nghĩ đó là chúng không show sẵn cho bạn tất cả những công cụ mà nó có trên hai dải biên. Để khắc phục điều này chúng ta có thể làm như sau:


Khi đó các công cụ ẩn sẽ hiện ra toàn bộ. Có rất nhiều nhóm công cụ trên hai dải bằng hai bên và bạn có thể vào phần Help của Metastock để tìm hiểu nguồn gốc và cách thức sử dụng của chúng.