Trong việc định giá một doanh nghiệp, các báo cáo về
tỷ lệ thị giá / thu nhập một cổ phiếu hay PER hoặc P/E đóng một vai trò
hết sức quan trọng. Price Earning Ratio, viết tắt là PER hay P/E, được
sử dụng trong rất nhiều phương pháp định giá, đặc biệt là trong những
phương pháp đơn giản nhất, là những phương pháp so sánh ngành, so sánh
tổng thể hoặc lịch sử.




Tỷ lệ P/E chỉ ra rằng thị trường chấp nhận trả giá gấp bao nhiêu lần
thu nhập của một chứng khoán. Có nghĩa là lượng vốn hoá của một doanh
nghiệp gấp bao nhiêu lần so với thu nhập của nó. Phần thu nhập này có
thể được phân phối hoặc giữ lại, và trong trường hợp được giữ lại, nó
tạo ra một giá trị thặng dư trong tương lai đối với doanh nghiệp. Đây
chính là nguyên tắc cơ bản của TTCK. Tỷ lệ P/E là hệ số biến đổi thu
nhập thành vốn, hoặc là hệ số tương ứng với mức vốn tiềm năng của một
khoản thu nhập việc đảo ngược tỷ lệ này, nghĩa là tỷ lệ E/P, là tỷ suất
sinh lời của một khoản đầu tư. Ngược lại, tỷ lệ P/E là hệ số vốn hoá.



Theo quan điểm này, tỷ lệ P/E là một công cụ hết sức quý giá, bởi vì
trong nề kinh tế thường diễn ra hoạt động đầu tư một lượng vốn để đổi
lấy hy vọng vào những khoản thu nhập lợi nhuận và / hoặc giá trị thặng
dư tương lai hoặc ngược lại. Việc biết được giá trị của lượng vốn bỏ ra
để có được những khoản thu nhập liên tục là điều hết sức quan trọng.



Định nghĩa các thành phần của P/E: P/E là một tỷ số gồm hai đại lượng, phụ thuộc vào giá trị tương ứng và định nghĩa của từng đại lượng.



Đối với giá thị trường thị giá, khi được đưa ra sử dụng, có thể có
nhiều cách định nghĩa: 1. Là giá thị trường của phiên cuối cùng hoặc
phiên gần nhất; 2. Là giá thị trường của phiên ngày 31 tháng 12 năm vừa
qua; 3. Là giá thị trường trung bình của từng thời kỳ: tháng, quý hoặc
năm...



Liên quan tới vấn đề thu nhập của cổ phiếu, cần lưu ý là có 3 vấn đề
được đặt ra. Thứ nhất, lợi nhuận xuất phát từ khái niệm nào? lợi nhuận
thuần sau thuế hoặc lợi nhuận thuần từ ngành kinh doanh chính.... Thứ
hai, liệu đó có phải là lợi nhuận thuần được điều chỉnh, có nghĩa là
phải loại bỏ các yếu tố không đồng nhất giữa các chuẩn mực kế toán khác
nhau hay không? Và thứ ba, thời hạn liên quan là năm nào? Nghĩa là:



- Lợi nhuận thuần của năm tài chính vừa qua và đã được công bố,



- Lợi nhuận ước lượng của năm tài chính hiện tại,



- Lợi nhuận kỳ vọng của năm tài chính sắp tới?



Để minh hoạ khoảng cách có thể có giữa các tỷ số P/E của các thị trường
khác nhau xuất phát từ định nghĩa khác nhau của các thị trường này,
chúng ta có thể sử dụng các số liệu P/E bình quân của Sở giao dịch
chứng khoán New York và Tokio trong những năm gần nhất.



Tỷ số P/E bình quân của TTCK New York và Tokyo





Tỷ số P/E chưa điều chỉnh của Nhật có vẻ hết sức cao. Điều này có thể
làm nản lòng phần lớn các nhà đầu tư phương tây. Thực tế, sự so sánh
trực tiếp giữa P/E của hai nền kinh tế này không có ý nghĩa gì. Theo
giải thích của các chuyên gia, lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật
không được tính toán theo cùng một cách với các doanh nghiệp Mỹ. Nếu
người ta cân đối các phương pháp kế toán, và đặc biệt nếu sử dụng cùng
một phương pháp hợp nhất kế toán, ta có thể nhận thấy rằng lợi nhuận
bình quân của các doanh nghiệp Nhật cao hơn khoảng 60% so với các số
liệu đã công bố như vậy, P/E bình quân của Nhật phải được điều chỉnh
bằng cách nhân chúng với 1/160%, nghĩa là 0,625.



Vậy mà, cần nhận thấy rằng, trong giao tiếp hàng ngày, người ta không
hề đả động đến tỷ số P/E điều chỉnh đối với doanh nghiệp này hay doanh
nghiệp khác ở Nhật. Các vấn đề liên quan đến tỷ số này đều sử dụng tỷ
số P/E không điều chỉnh. Sự méo mó này có thể là nguồn gốc của những
nhầm lẫn trong các quyết định đầu tư. Nó có thể tránh được bằng cách sử
dụng công nghệ thông tin bao gồm việc sửa chữa tự động nếu tỷ số P/E
xuất hiện trên màn hình điện tử.



Nguyên tắc đầu tiên được đặt ra cho việc định giá: so sánh các chỉ số
P/E có thể so sánh được bằng cách đảm bảo rằng việc xác định lợi nhuận
là giống nhau trong các trường hợp, cũng như phải quan tâm đến tính
chính xác của các thời kỳ được so sánh.



Khi so sánh các tỷ số P/E của các doanh nghiệp khác nhau, có thể có sự chênh lệch xuất phát từ một số nguyên nhân chính:



- Sự nhầm lẫn trong việc công bố số lượng cổ phiếu đang lưu hành,



- Việc không hợp nhất các tài khoản của một phần doanh nghiệp không niêm yết,



- Sự khác biệt của các phương pháp kế toán, đặc biệt là đối với những
vấn đề như: Các khoản dự phòng rủi ro hoặc các khoản khấu hao.



Việc định nghĩa và tính toán số lượng cổ phiếu có thể là nguồn gốc của
nhiều nhầm lẫn đáng ngạc nhiên khi cần thiết phải đưa ra các dự đoán.
Hiện đang tồn tại trên thế giới nhiều loại công cụ phái sinh mà chúng
có thể là cổ phiếu hoặc không phải là cổ phiếu theo tính chất của nó,
giống như các cổ phiếu ưu đãi, là dạng cổ phiếu không có quyền biểu
quyết, hoặc các trái phiếu có thể biến đổi thành cổ phiếu như trái
phiếu chuyển đổi.



Những chứng khoán có thể chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc quyền chuyển
đổi thành cổ phiếu trong một thời hạn nào đó, có thể làm biến đổi hoặc
không làm biến đổi tổng lợi nhuận của doanh nghiệp, có thể không gây
tác động mạnh đến việc giảm giá trị của doanh nghiệp nhưng ngược lại,
lại làm giảm một cách rất nhạy cảm giá trị của từng cổ phiếu.



Cần phải có một sự chú ý đặc biệt đối với việc tính toán các lợi nhuận
của cổ phiếu trong những trường hợp tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp
trong nay mai, doanh nghiệp đang sở hữu các quyền chọn về cổ phiếu của
mình, hoặc có các loại chứng khoán khác như cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu
chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm quyền mua cổ phiếu.



Người ta có thể giải thích sự thay đổi của P/E bình quân trên TTCK?
Việc nghiên cứu sự tương quan chỉ đem lại một kết quả duy nhất có ý
nghĩa: ảnh hưởng của lãi suất trái phiếu. Tỷ số P/E giảm khi lãi suất
trái phiếu tăng.



Tác động của lãi suất trái phiếu quan trọng hơn rất nhiều so với "lợi
nhuận bình quân trên TTCK". Điều này hết sức quan trọng, vì lãi suất
trái phiếu hiện hữu và được công bố. Lãi suất trái phiếu hàng ngày luôn
là đối tượng để phản ứng, là đề tài tranh luận và mỗi người đều rút ra
những hậu quả từ sự can thiệp của nó vào TTCK và các chính sách tài
chính của doanh nghiệp. "Lợi nhuận bình quân trên TTCK" không hiện hữu
và không được công bố. Nó chỉ được sử dụng đến trong trường hợp tính
toán sự tương quan. Và như vậy, nó không có ảnh hưởng đến cách ứng xử
của các thành phần kinh tế.



Ngược lại, lợi nhuận của một doanh nghiệp có tồn tại và nó cũng tồn tại
trong nhận thức của nhà đầu tư. Về mặt lãi suất, M. de Raismes đã thiết
lập mối tương quan sau cho TTCK Pháp: P/E = 20,24 - 93,97 i trong
đó, i là lãi suất trái phiếu không rủi ro. Trong 35 năm hoạt động, chỉ
có 7 năm có số liệu khác với quy luật này và phải được giải thích bằng
những nguyên nhân khác.



Đương nhiên là có những hiện tượng có thể làm xáo trộn giá trị của P/E
bình quân trên thị trường mà không liên quan tới biến động về lãi suất
trái phiếu. Những nguyên nhân đó có thể xuất phát từ ảnh hưởng của một
chính sách thuế mới, hoặc đường lối chính trị mới...

Những thông tin kinh tế và tài chính được đăng tải trên
các báo có thể có ích đối với nhà đầu tư trong việc so sánh giá trị của
doanh nghiệp với các doanh nghiệp tương đồng.



Nếu tỷ số P/E bình quân của toàn thị trường là tương đối cao, một nhà
đầu tư ngắn hạn có thể vẫn kiếm được lợi nhuận nếu kết quả hoạt động
của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng và xu hướng của thị trường vẫn thuận
lợi. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư dài hạn thì nên sử dụng các phương
pháp định giá của Gordon - Shapio và của Bates để kiểm tra khả năng
sinh lời kỳ vọng. Lịch sử đã chứng minh rằng các tỷ số P/E thường dao
động trong một khoảng thời gian nào đó.



Nếu tỷ số P/E của ngành cao hơn tương đối so với TTCK, cần làm rõ một số chi tiết:



Đối với toàn ngành, lợi nhuận ước đoán của năm tài chính kế tiếp vẫn tiếp tục tăng với tốc độ cao. Tỷ số P/En+1
sẽ cho một kết quả thuận lợi hơn nhiều so với P/E hiện tại. Điều này có
thể xảy ra đối với một ngành kinh tế vừa thoát khỏi khủng hoảng hoặc
các yếu tố môi trường đặc biệt thuận lợi. Khi đó, một tỷ số P/E cao
không đồng nghĩa với một vụ đầu tư mạo hiểm.



Đó là lĩnh vực hiện đang là thị hiếu của công chúng. Điều chắc chắn
rằng khi thị hiếu thay đổi thì kết quả của việc đầu tư vào lĩnh vực này
là hết sức đáng lo ngại.



Nếu chính tỷ số P/E của doanh nghiệp cao:



Doanh nghiệp vừa qua khỏi một cuộc khủng hoảng với những kết quả còn
khá thấp nhưng lợi nhuận cam kết của năm tài chính kế tiếp sẽ lớn hơn
nhiều. Vậy, một tỷ số P/E cao là hợp lý.



Sự tăng trưởng của doanh nghiệp hết sức mạnh mẽ, lợi nhuận của năm sau
sẽ là một bước nhảy vọt so với hiện tại. Khi đó, P/En+1 sẽ giảm đáng kể
so với hiện nay. Như vậy, một tỷ số P/E cao vẫn tương đối hợp lý. Khi
đó, hiện tượng P/E cao được coi như là một nấc thang cho lợi nhuận
tương lai.



Tỷ số P/E của doanh nghiệp cao do cầu quá lớn so với cung của cổ phiếu
của doanh nghiệp do mới được niêm yết trên thị trường thứ cấp hoặc do
thị hiếu của nhà đầu tư. Khi đó, cần phải làm rõ xem liệu viễn cảnh về
lợi nhuận của doanh nghiệp có phù hợp với sức cầu đó hay không.



Tóm lại, một người mua với tỷ số P/E cao cần ngay lập tức tính toán tỷ
số P/En+1 Giá thị trường / lợi nhuận của cổ phiếu trong năm n + 1. Nếu
tỷ số này thấp hơn so với tỷ số P/E hiện hữu thì việc đầu tư vào cổ
phiếu này vẫn cho kết quả tốt.



Một nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu trong nhiều năm, hoặc một nhà thu
mua doanh nghiệp theo chiến lược dài hạn không thể lý luận như trường
hợp nêu trên. Anh ta bắt buộc phải tính toán khả năng sinh lời của
khoản đầu tư của mình trên cơ sở các dòng cổ tức chiết khấu và giá trị
bán lại.