“Bắt mạch” VN - Index - Tuấn Dũng


Trong tháng 6 và 2 tuần đầu tháng 7/2007, đồ thị VN - Index đã 5 lần đi xuống.

Theo giới quan sát, chỉ trong tháng 6 và 2 tuần đầu tháng 7 vừa qua, đồ thị VN - Index đã 5 lần đi xuống, song quá trình đi lên cũng diễn ra ngay lập tức. Mức dao động mạnh nhất có khi lên tới gần 40 điểm trong hai phiên kế tiếp nhau. Điều này tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ngắn hạn thu được lợi nhuận. Chính vì vậy, phương thức "lướt sóng" được nhiều nhà đầu tư áp dựng triệt để đối với những mã cổ phiếu đã được mua trước đó.


Thời điểm để "lướt sóng" của nhà đầu tư chủ yếu được xác định từ động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài. Anh Tuấn, một nhà đầu tư tại Sàn chứng khoán Bảo Việt cho biết, thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới nhiều mã cổ phiếu có thị giá thấp. Khi họ tham gia đầu tư, số lượng cổ phiếu được đặt mua lớn, khiến giá trị của những mã cổ phiếu này tăng nhanh trong vài phiên liên tiếp. Nắm bắt được yếu tố này, anh Tuấn đã thu lợi trung bình khoảng 10% trên tổng số vốn bỏ ra mua các cổ phiếu như CII, BBT, BT6… khi đầu tư ngắn hạn (trong 3 ngày). Thậm chí, có cổ phiếu, anh Tuấn đã thu lợi chỉ trong đợt khớp lệnh kế tiếp sau đó khi thực hiện phương thức "lướt sóng" bằng việc mua chứng khoán mới ở tài khoản này và bán chứng khoán cũ ra ở tài khoản kia ngay trong ngày.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng gặp rủi ro khi tham gia thị trường vào thời điểm hiện tại. Khi nhà đầu tư nước ngoài dừng mua thì cổ phiếu đó đột ngột "rơi" tự do và nhà đầu tư nhỏ lẻ không kịp bán ra. Những rủi ro mang tính bầy đàn của nhà đầu tư trong nước đang thể hiện khá rõ và lớn hơn khi tình trạng bán tháo một loại cổ phiếu nào đó xảy ra nhiều hơn trong khoảng 2 tháng qua. Giám đốc một CTCK tại TP. HCM cho biết, nếu so với thời điểm thị trường đi ngang hoặc tăng điểm thì những rủi ro mà nhà đầu tư ngắn hạn gặp phải lớn hơn nhiều. Nguyên do là khi giá cổ phiếu xuống thấp, kéo chỉ số VN- Index xuống theo thì nhiều nhà đầu tư không chỉ hoang mang, mà còn không có thêm tiền để mua vào vì nguồn vốn bị hạn chế.


Theo giới quan sát, mỗi khi nhà đầu tư nước ngoài tăng mua hoặc dừng mua cổ phiếu với số lượng lớn là lại một lần nữa, đồ thị VN- Index xuất hiện một "vùng lõm". Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ ảnh hưởng khá mạnh đối với TTCK mà còn có khả năng dẫn dắt thị trường. Đáng nói là giá cổ phiếu ở những "vùng lõm" sau này thường rẻ hơn so với "vùng lõm" trước đó, khiến nhà đầu tư trong nước phải tiếp tục bán cổ phiếu nếu như không muốn đọng vốn. Một số chuyên gia phân tích kỹ thuật cho rằng, vì nhà đầu tư nước ngoài đang có lợi thế về vốn hơn nhà đầu tư trong nước, nên có thời điểm họ cố tạo thêm nhiều "vùng lõm" để "dìm" giá một mã cổ phiếu nào đó. Do vậy, Chỉ số VN Index rất dễ quay quanh mốc 900 điểm- thời điểm mà mặt bằng giá đã được thiết lập trong những tháng đầu năm 2006. Mặt khác, chính quá trình bán tháo cổ phiếu, tạo đáy "vùng lõm" của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẽ đã mở ra cơ hội vàng cho nhà đầu tư nước ngoài mua vào. Ở những phiên giao dịch mà giá nhiều mã cổ phiếu giảm với tốc độ mạnh, lượng cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài mua được với giá rẻ, thậm chí giá sàn, không nhỏ. Vì thế, nếu nhìn tổng thể, khi danh mục cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài hầu như đã đầy đủ các mã cổ phiếu và có khối lượng nắm giữ lớn thì việc "dìm" giá cổ phiếu để mua rất dễ thực hiện.
Giới quan sát cho rằng, chưa bao giờ, kinh nghiệm mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài được đền đáp xứng đáng như thời gian qua. Chẳng thế mà cũng trong thời gian vừa qua, khi cơ hội giải ngân nhờ tỷ giá có lợi cho đồng USD, nhiều tổ chức nước ngoài đã gia tăng việc nắm giữ cổ phần. Chẳng hạn như, Ngân hàng ANZ đã mua lại 10% cổ phiếu của CTCK Sài Gòn (SSI), HSBC nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam từ 10% lên 15% và có kế hoạch nâng lên 20%. Hay như Quỹ đầu tư Dragon Capital đã mua lại 10% cổ phần của CTCK TP. HCM (HSC).


Không chỉ theo dõi động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư cá nhân giàu kinh nghiệm trên thị trường còn đánh giá rất chính xác ảnh hưởng sau những dự đoán thị trường của các tổ chức nước ngoài để nhận biết sự bắt đầu của các "vùng lõm". Bởi trong thời gian qua, đã có nhiều nhận định bất lợi cho TTCK Việt Nam từ đại diện các tổ chức đầu tư nước ngoài, khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm hốt hoảng bán tháo cổ phiếu. Trong khi đó, những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm lại đánh giá được thực chất thị trường để mua vào ở đáy vùng lõm. Và hẳn nhiên, một lượng lớn cổ phiếu đã rơi vào "túi" của nhà đầu tư nước ngoài. Phiên giao dịch ngày 9/7 được coi là phiên mang đậm dấu ấn của nhà đầu tư nước ngoài khi lượng mua vào gấp 2,8 lần khối lượng bán ra. Thực tế còn cho thấy, những "sự cố" trong nhận định thị trường của các tổ chức đầu tư nước ngoài cũng góp phần tạo ra những "vùng lõm", không chỉ mang lại cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, mà còn giúp những người dày dạn kinh nghiệm trong "lướt sóng" thị trường, thu lợi.

Báo Ðầu tư 18/7