Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 1.3% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức giảm vào tháng 10. Mức giảm này đang thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế ở mức giảm 1.4%.

Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng thông qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận mức tăng chậm lại từ 2.1% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm trước xuống còn 1.6% trong tháng 11 vừa qua. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, không thay đổi ở mức tăng 0.6%.

Dữ liệu cho thấy động lực kinh tế tiếp tục suy yếu trong tháng 11, với các đợt bùng phát dịch liên tục và các hạn chế di chuyển đã gây ra nhiều gián đoạn. Đặc biệt là về phía người tiêu dùng, nhu cầu giảm trước tâm lý lo ngại về dịch bệnh, khiến tốc độ tăng của CPI chậm lại đáng kể. Trái với nhiều quốc gia trên thế giới đang chiến đấu với mức lạm phát cao, lạm phát tại Trung Quốc đang ở mức thấp.

Lạm phát giảm có thể sẽ để lại dư địa cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Chính phủ có không gian tăng cường kích thích kinh tế, nhất là khi quốc gia này đã có những dấu hiệu nới lỏng kiểm soát dịch bệnh và cam kết hướng tới tăng tốc độ phục hồi tăng trưởng. Triển vọng tiêu thụ hàng hoá nguyên vật liệu trong giai đoạn tới sẽ khởi sắc hơn.