Giảm lãi suất, liệu đã đủ chưa?
Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất đồng loạt 1 điểm phần trăm. Đây là chủ trương đúng đắn vì lạm phát có xu hướng giảm và thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn căng thẳng như những tháng cuối năm 2011. Nhưng việc hạ lãi suất liệu có đủ để vực dậy nền sản xuất?
Trong thời gian qua, các chính sách của Nhà nước hầu như tập trung vào lĩnh vực tiền tệ nhằm hạn chế sự gia tăng của giá cả mà không quan tâm đúng mức đến các yếu tố khác. Ngay trong vấn đề lạm phát, cách giải quyết từ yếu tố tiền tệ cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, trong khi nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do việc sản xuất và đầu tư thiếu hiệu quả.
Tính toán hiệu quả đầu tư từ hệ số tăng vốn sản lượng (ICOR), hay từ năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đều cho thấy sự giảm mạnh trong giai đoạn hiện nay. Nếu giai đoạn 2000-2005, hệ số ICOR vào khoảng 5 thì đến giai đoạn 2006-2010 hệ số này tăng lên trên 7. Tương tự, yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2000-2005 vào khoảng 22% thì đến giai đoạn 2006-2011 còn dưới 10% (có tính toán cho rằng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng chỉ khoảng 1%).
Ngoài ra, nếu tính toán từ hệ số giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất thì tình hình cũng không khá hơn, tỷ lệ này ngày càng nhỏ đi từ năm 2000 đến nay. Nếu vào năm 2000, cứ sản xuất ra 10 đồng sẽ tạo ra hơn 4 đồng giá trị gia tăng, thì hiện nay tỷ lệ này là 19-3, thậm chí còn chưa đến 3 đồng giá trị gia tăng. Như vậy một lượng tiền lớn bỏ ra để sản xuất nhưng lại tạo ra một lượng hàng hóa ít hơn sẽ phá vỡ quan hệ tiền - hàng và góp phần làm tăng chi phí đẩy của hàng hóa sản xuất trong nước.

Suốt năm 2011, Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát mà dường như quên đi cộng đồng doanh nghiệp (bộ phận cơ bản của nền kinh tế) sống chết ra sao. Nhiều doanh nghiệp đã “chết” và một số đông sống ngắc ngoải “chờ chết”. Sang đến quí 1-2012 một số doanh nghiệp “chờ chết” trong năm 2011 đã “chết” thực sự và một số khác bổ sung vào phần “chờ chết”. Những doanh nghiệp này thường là doanh nghiệp ngoài nhà nước, mà giá trị gia tăng của khối này đóng góp vào GDP khoảng 48%.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu quả đầu tư thấp hơn (1) lại sống khá hơn. Vậy điều gì xảy ra khi các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải phá sản hoặc thoi thóp chờ phá sản hay không thể mở rộng sản xuất? Sản xuất đình đốn sẽ dẫn đến tổng giá trị gia tăng (2) của nền kinh tế không những không tăng mà còn giảm. Khi thu nhập từ sản xuất giảm dẫn đến sức mua giảm theo và hệ quả sẽ là khủng hoảng về cầu và vòng xoáy của khủng hoảng ngày càng căng thẳng và không thể chấm dứt.
Qua khảo sát có thể nhận thấy những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ là vấn đề lãi suất tăng cao mà tập trung vào những yếu tố sau:
- Khó tiếp cận vốn, mà nếu tiếp cận được, doanh nghiệp phải chịu một lãi suất cao. Điều này khiến doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất mà như vậy thì làm sao kinh tế tăng trưởng.
- Về giao thông: trong khi hạ tầng giao thông vẫn yếu kém thì doanh nghiệp lại phải chịu quá nhiều loại “phí” khi hàng hóa qua khâu lưu thông. Kết quả là giá thành sản phẩm tăng lên đáng kể, dẫn đến giá bán tăng góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng mà lợi nhuận của doanh nghiệp lại không tăng. Nói cách khác là giá trị gia tăng của doanh nghiệp không tăng, hiệu quả sản xuất kém đi.
- Thủ tục hành chính vừa chậm, vừa rườm rà khiến doanh nghiệp mất cơ hội mở rộng sản xuất, đặc biệt trong xuất khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất giảm sút và chi phí trung gian của hầu hết các doanh nghiệp tăng lên.
- Một yếu tố nữa là các chi phí không chính thức, chẳng hạn như các hình thức đóng góp cho chính quyền vào những dịp lễ, những sự kiện quan trọng… Điều này làm giảm động lực sản xuất của doanh nghiệp hoặc làm tăng chi phí đẩy (làm tăng giá thành) và giảm hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới (25-27%), đó là chưa kể các loại phí ngầm và “thuế lạm phát” (3) . Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam chịu quá nhiều sức ép.
Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu và NHNN đã hạ lãi suất đồng loạt 1 điểm phần trăm. Đây là hành động đúng đắn vì lạm phát có xu hướng giảm và thanh khoản không còn căng thẳng như những tháng cuối năm 2011. Nhưng việc hạ lãi suất liệu có đủ để vực dậy nền sản xuất? Qua một thời gian dài thắt chặt tín dụng khiến lãi suất tăng cao dẫn đến sản xuất đình đốn, nhiều doanh nghiệp phá sản. Tình hình này cộng với “thuế lạm phát” làm cho nguồn thu của đa số người lao động, người làm công ăn lương giảm sút và kết quả tất yếu là sức mua (tiêu dùng cuối cùng của dân cư) sụt giảm nghiêm trọng.
Nền sản xuất đang khốn khó. Có một chủ doanh nghiệp ở An Giang đã thốt lên “ngân hàng chết đã có Nhà nước cứu, doanh nghiệp chết, ai cứu?”. Dù lãi suất có hạ nhưng liệu có ai vay vốn từ ngân hàng, những doanh nghiệp muốn vay thì có vay được không, còn những doanh nghiệp đủ điều kiện vay thì lại không muốn vay vì sản xuất ra không biết bán cho ai. Bài học về tín dụng và lãi suất trong thời gian qua đã làm các chủ doanh nghiệp cảnh giác hơn nếu không muốn nói là mất lòng tin.
Như vậy nền kinh tế Việt Nam sẽ trông chờ vào xuất khẩu? Điều này phụ thuộc vào sự tăng trưởng và sức mua của các nước khác, trong tình hình kinh tế thế giới cũng không mấy sáng sủa và giá cả thất thường. Nhiều dự báo cho thấy xuất khẩu năm 2012 sẽ không bằng năm ngoái, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa chắc dám vay ngân hàng vì họ cũng không muốn mở rộng sản xuất. Như vậy cả ba yếu tố của tổng cầu cuối cùng nội địa (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) để tạo thành GDP đều bị giảm sút thì sản xuất càng không thể phát triển. Khi đó, nguy cơ lạm phát trở lại là có do quan hệ tiền hàng lại bị phá vỡ.
Trong bối cảnh đó, NHNN cần có sự điều chỉnh chính sách kịp thời, có thể là nới lỏng cho vay bất động sản có lựa chọn hay có chính sách cho vay tiêu dùng có kiểm soát. Đồng thời để giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay, chính quyền địa phương cũng cần chung tay với Chính phủ cải thiện các thủ tục hành chính và giảm bớt những loại chi phí ngầm.
___________________________________________
(1) Hệ số ICOR của khu vực sở hữu ngoài nhà nước giai đoạn 2006-2011 vào khoảng 4, của khu vực nhà nước là 9,7 còn của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là trên 10.
(2) Tổng giá trị gia tăng (Gross Value Added) + Thuế sản phẩm = GDP.
(3) Lạm phát thường cũng được xem như một loại thuế.
Bùi Trinh - Lê Hoa
TBKTSG



Xem bài viết: Giảm lãi suất, liệu đã đủ chưa?