Vietstock Daily 02/03: Dòng tiền ở lại?
Mặc dù chỉ số thị trường tăng điểm nhưng giao dịch trong một vài phiên gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khó khăn. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở lại trước các diễn tiến vĩ mô tích cực.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 02/03/2012
VN-Index tăng 1.02% lên 427.95 điểm, HNX-Index tăng 1.31% lên 69.58 điểm. VS 100 và VN 30 đều tăng lần lượt 1.18% và 1.2%, dừng tại 67.36 điểm và 491.01 điểm.
VS-Large Cap dẫn đầu danh sách tăng điểm với mức tăng 1.45%; tiếp theo, VS-Mid Cap tăng 1.35%, VS-Small Cap tăng 0.52% và VS-Micro Cap tăng 0.44%.
Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên hai sàn tiếp tục sụt giảm, lần lượt 14.65% trên HOSE và giảm 23.6% trên HNX so với phiên giao dịch hôm qua. Đây là mức thấp nhất trong các phiên giao dịch tuần này.
Khối ngoại bất ngờ bán ròng mạnh 392 tỷ đồng trên HOSE, sau 23 phiên mua ròng liên tiếp. Tuy vậy, chỉ riêng mã STB họ đã bán ròng hơn 21 triệu đơn vị, tương đương với 485.6 tỷ đồng. Như vậy, nếu loại trừ giao dịch ở STB thì khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng hơn 93 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất MBB với hơn 1.8 triệu đơn vị, tương đương 27 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 5 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay. Họ mua ròng mạnh nhất KLS với gần 5.6 tỷ đồng, tiếp theo là PGS với 1.4 tỷ đồng, VCG với 1.3 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục thoát hàng mạnh nhất PVS với giá trị 4.6 tỷ đồng.

Đà tăng của thị trường đã gặp phải khó khăn thực sự khi áp lực bán gia tăng mạnh mẽ trước những tín hiệu điều chỉnh xuất hiện trong vài phiên gần đây. Thực tế, thị trường chỉ thật sự bật lại từ nửa cuối phiên giao dịch khi các mã ngân hàng (chủ yếu bắt đầu từ MBBEIB) khởi sắc và lan tỏa đến các nhóm cổ phiếu khác.
Không có gì ngạc nhiên khi MBB, EIB, STB tiếp tục vươn lên dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên HOSE với lần lượt 11.6, 4.1 và 3.2 triệu đơn vị. Khối ngoại hôm nay lại bán thêm hơn 21 triệu cổ phiếu STB qua giao dịch thỏa thuận và càng khiến cho diễn biến thâu tóm tại ngân hàng này thêm “ly kỳ”.
Trong khi đó, trên HNX giao dịch mạnh vẫn tập trung vào HBB, SHB với 10.4 và 5.8 triệu đơn vị; tiếp theo là PVX, VND, KLSACB.
Giao dịch tích cực và sự tập trung của dòng tiền đã giúp ngành Ngân hàng có mức tăng 2.91%, chỉ sau nhóm ngành Bảo hiểm với mức tăng 4.47% (chủ yếu nhờ đà tăng của BVH).
Các ngành nóng kết thúc phiên trái chiều khi Chứng khoán, Xây dựng theo bước Ngân hàng tăng lần lượt 2.2% và 0.86%; trong khi Bất động sản giảm nhẹ 0.71%.
Như đã đề cập, mặc dù chỉ số thị trường tăng điểm nhưng giao dịch trong một vài phiên gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khó khăn. Ngoài lý do chốt lời, hôm nay đã xuất hiện thêm thông tin mong muốn tăng giá xăng.
Dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu Ngân hàng là rất mạnh, và rất đúng lúc như thường thấy trong thời gian gần đây. Trong đó, rõ ràng chúng ta không thể không nhắc đến dòng vốn ngoại.
Thống kê của Vietstock cho thấy, nhà đầu tư đang tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu từ đầu năm Nhâm Thìn đến nay, với tổng giá trị mua ròng đã đạt 1,784 tỷ đồng (gần 85 triệu USD, một con số không nhỏ trong vòng 1 tháng). Phiên hôm nay, nếu loại trừ hoạt động bán ra tại STB thì khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng thứ 24 liên tiếp.
Dragon Capital cho rằng họ có thể huy động thành công thêm quỹ mới Indochina Opportunities Fund với số vốn dự kiến 50 - 100 triệu USD để đầu tư chủ yếu vào doanh nghiệp Việt Nam. Những phát biểu như thế này là rất phổ biến trên các phương tiện truyền thông trong vài năm qua. Tuy vậy, mức độ tự tin trong lần này dường như đang cao hơn, trước bối cảnh vĩ mô trong nước ngày tích cực. Có vẻ như nhiều quỹ đầu tư đang nhắm đến kế hoạch cổ phần hóa các DNNN quy mô lớn được khởi động trở lại trong thời gian ngắn sắp tới.
Trong khi đó, chúng tôi tiếp tục nhận thấy tín hiệu rất khả quan trên thị trường trái phiếu sơ cấp, khi Trái phiếu Kho bạc Nhà nước đấu thầu ngày 01/03 lại có lãi suất trúng thầu thấp hơn. Cụ thể, lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 2 năm, 3 năm lần lượt là 11.2% và 10.97%; và ở các kỳ hạn 5 năm, 10 năm là 11.2% và 10.7%. Đáng lưu ý hơn, tổng số tiền đăng ký đấu thầu đều ở mức 2 – 3 lần khối lượng gọi thầu ở kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm (Chỉ riêng ở kỳ hạn 10 năm có tổng số tiền đăng ký đấu thầu xấp xỉ khối lượng gọi thầu).
Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng các tín hiệu tích cực này sẽ là động lực để dòng tiền ở lại trên thị trường.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Tình trạng giằng co sẽ kéo dài. Giới phân tích kỹ thuật đang bắt đầu chú ý đến một tín hiệu đang xuất hiện khá phổ biến là phân kỳ giá xuống giữa các nhóm chỉ số (Directional Movement, Stochastic Oscillator, MACD Histogram...) với VN-Index.
Phân kỳ trên không hẳn dự báo một đợt thoái lùi mạnh và sâu sắp đến nhưng ít nhất nó cũng cho thấy tình trạng giằng co sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa chứ chưa thể bứt phá ngay được.
Khối lượng cũng đang khiến cho một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư lo ngại vì nếu tính đến phiên ngày 01/03/2012 thì thanh khoản đã giảm liên tục 2 phiên. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong phiên cuối tuần thì sự lo ngại về một đợt điều chỉnh ngắn hạn sẽ tăng lên.
Vì vậy, cần tiếp tục thận trọng quan sát các tín hiệu từ thị trường trong những phiên tới.

HNX-Index – Thanh khoản sụt giảm liên tục. Mặc dù chỉ số HNX-Index không có nhiều biến động lớn nhưng thanh khoản đang sụt giảm với tốc độ khá nhanh. Từ mức trên 132 triệu đơn vị trong phiên ngày 28/02/2012 xuống còn gần 63 triệu đơn vị phiên 01/03/2012. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường.
Ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% (tương đương vùng 69 – 71 điểm) sẽ tiếp tục là vùng cản chính trong ngắn hạn của HNX-Index. Nếu giá không vượt qua được ngưỡng này trong những phiên tới thì nên thận trọng trong ngắn hạn.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng nhẹ (+1.18%) trong phiên giao dịch ngày 01/03/2012, VS 100 tiếp tục đà tăng trưởng trở lại sau vài phiên giảm mạnh.
Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh cho thấy lực cầu đã không còn mạnh như giai đoạn trước và nhà đầu tư đã phần nào thận trọng hơn.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 01/03/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 1.37, tức số mã tăng giá bằng 1.37 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 3.27, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 3.27 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 1.76 lần và VS-U/D HNX bằng 4.43 lần.
SMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 0.38, đây là mức thấp của chỉ số này nên khả năng tăng trưởng trong thời gian tới là vẫn còn nhưng không quá lớn.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Vẫn chưa vượt qua Fibonacci Retracement 161.8%. Liên tục giằng co trong nhiều phiên giao dịch gần đây, DJIA vẫn không thể vượt qua được Fibonacci Retracement 161.8% và đã thoái lùi khá mạnh trong phiên ngày 29/02/2012.
Điều này cho thấy giá đã đuối sức sau một chu kỳ phục hồi kéo dài và có thể sẽ có điều chỉnh mạnh trong thời gian tới khi mà nhóm chỉ số dao động (momentum) đều đang đi khá sâu vào vùng overbought.
Dài hạn – Sắp test lại SMA 50. Sự thoái lùi của DJIA khiến cho chỉ số này có thể sẽ test lại SMA 50 trong vài tuần tới. Đây là một cơ hội để giới phân tích kiểm chứng lại tính chắc chắn của các đường MA dài hạn.
Tín hiệu bán của RMO Trade Mode gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong 1 – 2 phiên tới. Điều này không thực sự đáng ngại nếu DJIA tiếp tục duy trì trên các MA lớn.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 01/03/2012

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Daily 02/03: Dòng tiền ở lại?