Vietstock Daily 29/02: Dòng tiền mới giúp thiết lập mặt bằng giá cao hơn
Xu hướng chốt lời vẫn còn, nhưng chúng tôi kỳ vọng một vài phiên giao dịch tương tự có thể giúp thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 29/02/2012
Sắc đỏ bao trùm thị trường khi VN-Index giảm 1.44% xuống 422.22 điểm, trong khi HNX-Index giảm mạnh 2.99% về 67.09 điểm. VS 100 và VN 30 giảm lần lượt là 1.22% và 1.02%, dừng tại 66.04 điểm và 480.89 điểm.
VS-Mid Cap giảm mạnh nhất 3.08%; tiếp theo là VS-Micro Cap giảm 1.46%, VS-Small Cap giảm 1.36% và VS-Large Cap giảm 0.89%.
Thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục tăng vọt trên cả hai sàn khi tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh lần lượt tăng 37.48% trên HOSE, tăng 86.09% trên HNX so với phiên giao dịch hôm qua.
Khối ngoại trở lại mua ròng mạnh trên cả hai sàn, với khối lượng mua ròng đến 5.8 triệu cổ phiếu (tương đương 114.5 tỷ đồng) trên HOSE, và 2.2 triệu cổ phiếu (tương đương 30 tỷ đồng) trên HNX.
Trên HOSE, họ gom mạnh nhất các mã ngân hàng như STB với hơn 39.8 tỷ đồng, VCB với 32 tỷ đồng, MBB với 13.7 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh GMD với 7.1 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại bất ngờ thu gom mạnh nhất PGS với hơn 10.8 tỷ đồng, trong khi bán ròng mạnh VND với hơn 1.3 tỷ đồng.

Không quá khó để có thể tiên đoán về phiên điều chỉnh hôm nay. Nguyên nhân chính vẫn là do áp lức chốt lời từ lượng cổ phiếu “khủng” tuần trước về tài khoản – hầu hết đều đã lời từ 15-20%.
Áp lực gia tăng mạnh sau 10h đã “ép” lệnh đặt bán hàng loạt, đặc biệt là ở các mã tăng giá nhiều trước đó. Cổ phiếu càng thu hút nhiều dòng tiền đầu cơ thì càng giảm mạnh. Lần đầu tiên trong vài tuần qua, tổng lượng cung đã vượt quá sức cầu.
Mặc dù lệnh mua có phần e dè vào cuối phiên, nhưng điều đáng chú ý là thị trường đã có phiên giao dịch với khối lượng “khủng”. Cụ thể, đây là phiên có khối lượng giao dịch khớp lệnh lớn nhất từ hơn một năm trở lại đây (từ sau ngày 15/12/2010) trên HOSE, và lớn nhất từ trước đến nay trên HNX. Nếu loại trừ hơn 40 triệu đơn vị khớp lệnh ở HBB, thì khối lượng trên HNX vẫn lớn nhất trong suốt tháng 2/2012.
Trong một phiên mà sự sụt giảm của thị trường là hoàn toàn có thể đoán trước được, chúng tôi cho rằng đây là một minh chứng cho thấy dòng tiền vẫn đang vào thị trường.
Có thể nhận thấy động thái của khối ngoại được lặp lại trong phiên hôm nay. Giao dịch của khối ngoại tỏ ra chậm rãi khi thị trường có dấu hiệu tiếp tục tăng trưởng vào đầu phiên. Tuy vậy, khi thị trường có phần bán tháo sau đó, lực mua từ nhà đầu tư nước ngoài đã lập tức trở lại.
Hàng loạt tổ chức nước ngoài đã có những nhận định tích cực về triển vọng kinh tế và chứng khoán Việt Nam trong năm 2012.
Gần đây, hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng kinh tế Việt Nam mặc dù vẫn còn những bất cập, nhưng đang đi vào ổn định khi lạm phát hạ nhiệt và cán cân thương mại được cải thiện.
Có thông tin cho thấy, Moody’s cũng đang làm việc về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Với các tín hiệu hiện tại, rất có thể Việt Nam sẽ có cải thiện trong định mức tín nhiệm do hãng này thực hiện.
HBB tiếp tục là tâm điểm thị trường khi khớp lệnh kỷ lục với hơn 40 triệu cổ phiếu. Hoạt động bán ra chốt lời là quá rõ ràng và phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch chung của toàn thị trường. Lực mua gom hàng cũng không phải là nhỏ, thể hiện qua thống kê áp đảo lệnh của bên mua. Động thái giao dịch tại mã này trong vài phiên tới sẽ tiếp tục là chỉ dấu quan trọng cho HNX.
Trong khi đó, STB và cổ phiếu “họ hàng” SBS tiếp tục gây ngạc nhiên khi lại có phiên đóng cửa tăng trần.
Chỉ số nhóm Ngân hàng đi ngược xu thế thị trường với mức tăng 0.57%. Ở chiều ngược lại, nhóm ngành Khai khoáng dẫn đầu danh sách giảm điểm với mức giảm 4.62%, tiếp theo là Chứng khoán (-4.35%), Xây dựng (-3.85%)…
Chỉ báo PTKT đã cho tín hiệu cẩn trọng hơn, và nhiều khả năng tiếp tục có điều chỉnh ngắn hạn. Xu hướng chốt lời vẫn còn, nhưng chúng tôi kỳ vọng một vài phiên giao dịch tương tự như hôm nay có thể giúp thiết lập một mặt bằng giá mới.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Giằng co mạnh. Xu hướng dài hạn của VN-Index đã khá rõ ràng khi chỉ số này lần lượt phá vỡ hầu hết các đường MA quan trọng trong dài hạn. Những đường này sẽ hỗ trợ cho giá trong trường hợp giảm sâu (nếu có).
Nhiều khả năng trong vài phiên tới, hiện tượng rung lắc và giằng co mạnh sẽ tiếp diễn khi mà nhóm chỉ số dao động (momentum) đã lên đến mức gần như cực đại. Khi tín hiệu bán của nhóm này xuất hiện trong vùng overbought thì khả năng sẽ có điều chỉnh ngắn hạn.
MACD Histogram vẫn hầu như đi ngang và có thể sẽ hoàn thành đoạn phân kỳ thứ 2 sớm hơn dự kiến. Vì vậy, cần tiếp tục thận trọng và ngừng mua nếu thị trường điều chỉnh và khối lượng giảm dần.

HNX-Index – MACD sắp chạm mức đỉnh cũ. Chỉ số MACD tăng trưởng liên tục trong thời gian qua và đã đạt đến vùng đỉnh cũ (trên 2.0). Hiện tượng đảo chiều và cho tín hiệu bán mạnh thường hay xuất hiện trong vùng này. Điều này có thể khiến cho sự thận trọng trở lại trong vài phiên tới.
Nếu HNX-Index tiếp tục điều chỉnh trong những phiên tới thì sẽ test lại đường SMA 100. Đây vốn là một ngưỡng kỹ thuật rất có ý nghĩa đối với giá nên sự biến động xung quanh ngưỡng này sẽ quyết định xu hướng trung hạn của thị trường trong thời gian tới.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Giảm mạnh (-1.22%) trong phiên giao dịch ngày 28/02/2012, VS 100 chững lại đà tăng trưởng mạnh đã có từ trước đó.
Sự đột biến quá lớn của khối lượng giao dịch báo hiệu đỉnh có vẻ như đã xuất hiện. Nếu khối lượng sụt giảm trong những phiên giao dịch tới thì nhiều khả năng việc bán ra chốt lời là cần thiết.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 28/02/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.35, tức số mã tăng giá bằng 0.35 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.29, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.29 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.45 lần và VS-U/D HNX bằng 1.51 lần.
SMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 0.31, đây là mức thấp của chỉ số này nên khả năng tăng trưởng trong thời gian tới là vẫn còn nhưng không thực sự lớn như trước.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Không vượt nổi Fibonacci Retracement 161.8%. Dù đã mất đến hơn 2 tuần nhưng DJIA vẫn không thể vượt qua được ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng 12,950 – 13,100 điểm). Đây là tín hiệu khá xấu đối với thị trường Mỹ khi mà thanh khoản đang giảm dần.
Các chỉ số như RSI, Ultimate Osc... đều đang nằm khá sâu trong vùng overbought. Nếu tình trạng này còn tiếp tục thì sức ép điều chỉnh sẽ ngày càng lớn.
Dài hạn – Các đường MA dài hạn sẽ hỗ trợ cho giá. RMO Trade Mode sắp cho tín hiệu bán mạnh vì khoảng cách giữ hai đường Swing Trd2 và Swing Trd3 đã gần như bằng 0.
Tuy nhiên, các đường MA dài hạn như SMA 50, SMA 100, SMA 200... đang tạo thành vùng đệm chống đỡ bên dưới DJIA. Nếu trong thời gian tới giá sụt giảm thì nhiều khả năng sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt từ vùng này.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 28/02/2012




Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
finfonet



Xem bài viết: Vietstock Daily 29/02: Dòng tiền mới giúp thiết lập mặt bằng giá cao hơn