'Bắt bệnh' thời kỳ khó khăn dai dẳng của kinh tế Việt Nam
Dù muốn hay không, ta cũng phải thừa nhận rằng, những khó khăn kinh tế đang thấy hiện nay vừa giống, vừa không giống những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cái không giống nhất chính là tính dai dẳng, không thể dứt điểm và để lại những vết sẹo lâu lành hơn. Hẳn phải có những lý do hết sức đặc biệt…

Đầu tiên, có thể thấy rằng, mặc dù cơ cấu kinh tế của quả đất đã thay đổi cực kỳ mau lẹ kể từ năm 2008, nhưng lại hầu như không thay đổi gì ở Việt Nam. Điều đó khiến sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp suy yếu cực nhanh, không tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng nữa, và cuộc chiến chuyển thành giành giật nguồn lực nội địa. Điều này đã có một số tác giả báo trước từ trước khi VN gia nhập WTO đầu 2007, nhưng có lẽ không mấy ai quan tâm. Nói chung, chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ.
Thứ hai, cỗ máy kinh tế theo công suất, thiết kếvà hình dáng lúc trước, đã tới công suất biên tối đa. Cỗ máy ấy bao gồm cả hệ thống sản xuất gây ô nhiễm, tiêu hao năng lượng hoang phí, tiêu hao sức người hoang phí, tiêu hao tài chính hoang phí, tiêu hao thời gian hoang phí. Nó loang từ mía đường, sang chế biến hải sản, sang may mặc, rồi cả dịch vụ ngân hàng, du lịch, chứng khoán và tới chỗ sâu thẳm nhất của “sự thịnh vượng Việt Nam” – Bất Động Sản.
Có thể hình dung 2 yếu tố vừa rồi cộng lại thì tương đương như thảm họa biến đổi khí hậu đang đe dọa trái đất vậy.
Thứ ba, sự liên thông ghê gớm nhờ tác dụng len lỏi của luồng tín dụng, và đan xen rủi ro do sở hữu chéo nhờ tính phổ biến tăng lên của tài sản tài chính: nợ và vốn góp cổ phần. Trong mớ nợ tính hết Q3.2011 của riêng 560 công ty niêm yết thì tổng là 13 tỷ $, nhưng có tới 5.77 tỷ $ là nợ ngắn hạn (trên 44% chứ đâu có ít). Nếu như nợ dài hạn về cơ bản dễ quản lý hơn, do có lịch trình và sự bắt buộc khá cứng nhắc về phép tính nguồn thu tương lai, thì nợ ngắn hạn lại “uyển chuyển” và “đa dạng” hơn. Chết là ở chỗ này. Linh hoạt thì buộc phải hy sinh nguyên tắc, chẳng có cách nào khác cả (trừ ngụy biện bằng lưỡi không xương, còn cơ bản là thế).
Trong đó, nợ đổ vào chứng khoán, hay cho vay lại, để hình thành tài sản được niêm yết, và một khoảng không gian khác nằm ở dạng cho vay chính vào hệ thống tài chính… sẽ giúp khắc họa nên một bức tranh cực kỳ khó hiểu. Không phải vô cớ mà chính cơ quan quản lý và giám sát cũng kêu trời.
Ở yếu tố thứ 3 này, phải nói thẳng thắn rằng tỷ lệ nợ xấu chỉ là thông số rất kém tính cảnh báo, chỉ xuất hiện sau khi mọi thứ đã xảy ra rồi. Nguyên nhân của tính xơ cứng hệ thống, động cơ chính sách xã hội và chính sách công ty, năng lực cỗ máy điều hành và giới hạn sức sáng tạo sản phẩm-dịch vụ của thị trường là những nguyên nhân tối thượng thì không mấy khi mang ra mổ xẻ. Không chạm được những vấn đề, việc sờ mó nợ xấu chẳng qua là thứ bắt cóc bỏ đĩa. Còn như cóc to bỏ đĩa con là vụ tăng cho nhanh vốn cổ phần và tổng tài sản để nợ xấu bé lại, thì còn thú vị hơn nữa.
Thứ tư, các yếu tố vĩ mô và vi mô đang bị tách biệt một cách khá phi lý, và tồn tại khoảng cách rât lớn giữa ý chí chủ quan của hệ thống vĩ mô, và cư xử thị trường ở cấu trúc vi mô. Lấy một ví dụ như ép buộc lãi suất. Không ai muốn lãi suất cao bóp nghẹt nền kinh tế, nhưng tiền gửi tuân theo quy luật lãi suất dương. Mọi sự xê dịch khỏi quy luật này chỉ có thể nhất thời – hiểu theo nghĩa không bao giờ được kéo dài quá một chu kỳ kinh doanh, xét tương đối ở VN ta là 1 năm. Nó đã vi phạm điều này hơn 1 năm rồi. Khi lệch xa lâu ngày quá, sẽ hình thành một dạng tâm lý mới, phương thức thích ứng mới trong đó có bóng dáng rất lớn (tỷ trọng nữa) của nền kinh tế phi chính thức; mà ta vẫn hay gọi là nền kinh tế ngầm.
Trước kia, lúc chớm có vấn đề, tôi có đọc một nghiên cứu ước lượng quy mô này cỡ 20% nền kinh tế thực. Có thể hình dung hiện nay nó rơi vào khoảng 30% cũng không ngoa. Điều này càng đúng khi xu hướng nắm giữ và sử dụng tiền mặt ở VN cực cao, khá bền với thời gian, ít nhạy cảm với chính sách.
Điều này có ngụ ý gì? Khi nền kinh tế ngầm cỡ trên 15% nền kinh tế và lại vào đà gia tăng ảnh hưởng, thì cơ bản các cấu trúc chính sách bị vô hiệu hóa gần như ngay lập tức khi ra đời. Lý do: Quá trình tháo gỡ bế tắc thanh khoản ngân hàng – lấy làm ví dụ – cần đột phá ở giá vốn cho tiền gửi hay tiền vay trước tiên vấp phải arbitrage về thời gian. Khi hệ thống banking kém, arbitrage tồn tại càng lâu, và càng lớn. Hệ thống ngầm sẽ trám khoảng trống ấy cực nhanh, và hàng ngàn người vì lợi ích cá nhân, sẽ giúp đẩy áp lực vốn bị o ép ấy sang khu vực phi chính thức một phần đáng kể. Một ví dụ là sự méo mó dẫn đến bắt bớt hàng loạt cán bộ ngân hàng do vi phạm sử dụng nguồn kích cầu năm 2009. Chúng ta có cơ sở học thuật (bằng chứng thống kê kiểm định) để tin rằng những quá trình như thế không bao giờ dừng lại cả, dù có suy giảm chút ít lúc tình hình ổn định.
Như vậy, thị trường bước vào một vòng xoáy khá nghiệt ngã, không hề giống những gì đã xảy ra ở giai đoạn trước 2006.
Đó cũng là cơ sở của việc một số nhà kinh tế đang kêu gọi Đổi Mới Phiên Bản 2 ở Việt Nam. Có điều, rất nhiều người đang không đề cập tới cái lõi quan trọng bậc nhất của quá trình này, thực ra là quá trình kép: Khởi nghiệp/Tái khởi nghiệp và Năng lực thúc đẩy sáng tạo mới.
Thực tế ở VN cho thấy (cả những nơi khác nữa, Mỹ, Pháp, Nhật, TQ, Hàn Quốc…) đám cưới lặng lẽ của chàng Khởi Nghiệp và nàng Sáng Tạo đã sinh con đẻ cháu ra những thế hệ rất kháu khỉnh. Thiếu thế hệ này, thì sự bù đắp cho 60.000 DN bị chết trong trận bão năm 2011 (trên tổng số 550.000 doanh nghiệp) rất khó khăn về lượng, và có lẽ còn nhợt nhạt hơn về phẩm.
Và, điểm cuối cùng này mới là khó khăn cốt lõi.
TS Vương Quân Hoàng
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: 'Bắt bệnh' thời kỳ khó khăn dai dẳng của kinh tế Việt Nam