Góc nhìn ngày 14/02: Ngừng giải ngân để tránh rủi ro
(Vietstock) – Sau hai phiên lao dốc, các công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá bi quan đối với thị trường trong ngắn hạn. Hầu hết đều khuyến nghị nhà đầu tư ngừng giải ngân để tránh rủi ro.

Giải ngân sẽ khá rủi ro
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thống kê trên cả 2 sàn cho thấy trong phiên hôm nay khối lượng đặt bán lớn gấp khoảng 1.5 lần khối lượng đặt mua. Khối lượng đặt mua giảm cũng giảm sút mạnh, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trung bình của tuần trước, cho thấy sự đảo ngược tâm lý rất nhanh từ bên mua kể từ khi thị trường đảo chiều. Dòng tiền đổ vào thị trường mang tính đầu cơ cao và thiếu bền vững phản ánh sự thiếu tin tưởng của nhà đầu tư vào thị trường. Điều này cũng dễ hiểu khi bối cảnh vĩ mô chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Về mặt kỹ thuật, nếu thị trường tiếp tục giảm mạnh trong phiên tới, hai chỉ số sẽ tiến tới ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn và nhiều khả năng sẽ có phản ứng bật trở lại. Tuy nhiên, nếu không có thêm thông tin tích cực hỗ trợ, chúng tôi không loại trừ khả năng thị trường có thể giảm sâu hơn sau đó. Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc giải ngân sẽ là khá rủi ro so với lợi nhuận kỳ vọng.
Khả năng mất điểm vẫn tiếp tục
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): VN-Index tiếp tục bị bán mạnh ngay sau khi mở cửa trong phiên giao dịch hôm qua. Đây là phiên giảm điểm thứ hai và là phiên giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng.
Trong các phiên tới, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục mất điểm và có thể quay về vùng hỗ trợ 375-380.
Nếu thị trường đã chuyển sang xu hướng tăng ngắn hạn, sóng giảm hiện tại có thể chỉ mang tính điều chỉnh. Chúng tôi muốn thấy mức giảm của VN-Index sẽ yếu dần khi chỉ số này tiến gần vùng 375-380. Khối lượng giao dịch nếu giảm dần cũng sẽ củng cố giả thiết trên.
Ở chiều ngược lại, nếu VN-Index giảm đi kèm khối lượng giao dịch tăng, xu hướng giảm sẽ được củng cố. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi diễn biến thị trường trong các phiên tới để xác định điểm mua thích hợp.
Tương tự VN-Index, không có nỗ lực đáng kể nào của bên mua trong suốt phiên giao dịch hôm qua. Mức giảm mạnh cùng khối lượng giao dịch sụt giảm cho thấy lực cầu yếu.
Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục mất điểm. Vùng hỗ trợ 59-61 có thể hãm đà giảm của chỉ số này.
Trong ngắn hạn, HNX-Index có thể dao động trong vùng hẹp 59-65. Nếu xuyên thủng 59-61, HNX-Index có thể tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ tiếp theo ở 54-55. Ở chiều ngược lại, nếu vượt qua 64-65, HNX-Index nhiều khả năng tiếp tục hồi phục về vùng 70-72.
Chốt lời các mã đã điều chỉnh quá mức
Công ty Chứng khoán Woori CBV: Phiên giao dịch ngày 13/02/2012 đóng cửa với mức giá giảm mạnh ở cả 2 sàn, sau phiên cuối tuần khớp lệnh với thanh khoản cao. Đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đã kết thúc và chuyển sang trạng thái điều chỉnh sâu ở một số phiên sắp tới.
Ngưỡng kháng cự trước mắt nằm trong khoảng 390-395 điểm đối với VN-Index, và nếu như giá có tín hiệu hồi phục từ ngưỡng này thì có thể xem xét tham gia giải ngân trở lại. Theo quan điểm của CBV là tiếp tục chốt những mã đã điều chỉnh quá mức cho phép, chỉ giữ lại những mã còn đà tăng.
Áp lực giảm sẽ thu hẹp
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Trong phiên giao dịch đầu tuần, áp lực điều chỉnh tiếp tục được thể hiện và đè nặng lên thị trường chứng khoán Việt Nam, HNX và VN-Index đều bị sắc đỏ chi phối từ đầu đến cuối phiên, đóng cửa hai chỉ số đều ghi nhận phiên đi xuống thứ hai liên tiếp với mức giảm rất mạnh.
Diễn biến cũng như bầu không khí giao dịch khá u ám và tiêu cực khi mà cung chốt lời luôn chiếm thế chủ động, áp đảo hoàn toàn so với cầu yếu và co cụm ở vùng giá thấp. Các nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng cũng như e dè với lo ngại khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục điều chỉnh giảm.
Hiện tượng này cũng không quá bất ngờ khi thị trường đã trải qua một đợt hồi phục kéo dài khoảng 1 tháng, trong khi đó các thông tin hỗ trợ mạnh từ phía kinh tế vĩ mô trong nước lại thiếu vắng nên sẽ rất khó thuyết phục dòng tiền nóng một lần nữa đổ mạnh và thị trường.
Ngoài ra, trong bối cảnh còn khoảng 1 tuần nữa thì các thông tin về tình hình lạm phát trong tháng 2 sẽ được công bố thì tâm lý chờ đợi trong thận trọng chiếm ưu thế hơn cũng là hợp lý.
Do đó chúng tôi cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai (14/02) nhiều khả năng thị trường vẫn chịu áp lực giảm điểm nhưng đà giảm cũng sẽ được thu hẹp hơn và cùng với đó là những diễn biến giằng co một cách lình xình, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngắn hạn hay lướt sóng, chưa nên vội vã dò đáy lúc này và nên ưu tiên duy trì một tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục.
Khả năng giảm sâu trong ngắn hạn
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Với việc một lần nữa phá vỡ ngưỡng 400 điểm, diễn biến của VN-Index cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang trở nên bất ổn do chưa tìm được điểm tựa cần thiết để duy trì kỳ vọng vào xu hướng tăng điểm bền vững của thị trường.
Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy áp lực bán liên tục gia tăng và duy trì ở mức cao bởi người cầm cổ không còn giữ được sự bình tĩnh cần thiết mà bán ra quyết liệt hơn. Trong khi đó, sức cầu trở nên suy yếu và thận trọng trước những e ngại rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Cung - cầu trên thị trường trở nên chênh lệch cùng việc nhóm cổ phiếu lớn đồng loạt mất điểm đã khiến VN-Index không thể phục hồi mà giảm một mạch từ đầu đến cuối phiên. Thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể. Qua đó, tín hiệu không mấy tích cực về diễn biến thị trường đã phát đi cho khả năng giảm sâu của VN-Index trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, nhịp điều chỉnh diễn ra sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp vừa qua của VN-Index có thể được coi như phép thử tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh thông tin hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế vĩ mô vẫn chưa xuất hiện. Với những cổ phiếu đã tăng nóng trong đợt tăng vừa qua có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực cao từ lượng bán chốt lời. Trong khi đó, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2011 và có mức tăng chưa nhiều có thể là mục tiêu của những nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng hồi phục của thị trường trong trung và dài hạn.
FPTS cho rằng các phiên giảm tiếp theo sẽ đóng vai trò làm giảm áp lực bán và đồng thời giúp nhà đầu tư chọn lọc cổ phiếu và cơ cấu lại danh mục trong khi chờ đợi những tín hiệu tiếp theo từ xu hướng thị trường và vĩ mô.
Viết Vinh (tổng hợp)



Xem bài viết: Góc nhìn ngày 14/02: Ngừng giải ngân để tránh rủi ro