Ai hưởng lợi từ chính sách lãi suất siêu thấp của Fed?
(Vietstock) – Giữa tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0-0.25% đến cuối năm 2014, đánh dấu lần đầu tiên Fed đưa ra một dự báo khá xa như vậy. Các thị trường tài chính bày tỏ sự vui mừng trước triển vọng dòng tiền rẻ trong vòng 3 năm tới, vậy điều này có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới?
* Fed cân nhắc kích thích kinh tế, cam kết giữ nguyên lãi suất đến cuối 2014

Thứ nhất, động thái này cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ thực sự rất xấu. Một bài báo trên Business Spectator từng cho rằng rất có khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trở lại trong năm nay. Xuất khẩu đang trên đà sụt giảm, chi tiêu cơ bản dần suy yếu và người tiêu dùng Mỹ - đối tượng chiếm tới 70% nền kinh tế - vẫn chưa sẵn sàng chi tiêu. Hay nói cách khác, nền kinh tế vẫn còn rất yếu kém.
Lãi suất cần duy trì ở mức thấp để khôi phục chi tiêu và đầu tư. Điều này cũng có nghĩa là động cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước kia còn lâu mới có thể trở về mức bình thường.
Thứ hai, đồng USD có thể vẫn còn yếu do lãi suất thấp. Thêm vào đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cũng nêu rõ rằng Fed sẽ xem xét các biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết. Việc nới lỏng tiền tệ sẽ gia tăng nguồn cung USD, qua đó khiến đồng bạc xanh tiếp tục mất giá.
Lý do duy nhất có thể giúp đồng USD tăng giá trong thời điểm hiện tại chính là nỗi lo sợ mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn với đồng EUR, điều mà các nhà phân tích cho rằng sẽ trở nên căng thẳng hơn trong năm nay. Tuy nhiên, nếu nỗi lo sợ về nguy cơ sụp đổ của Eurozone bắt đầu rút lui, dòng vốn đổ vào nơi trú ẩn an toàn là đồng USD sẽ sụt giảm và mọi việc sẽ trở lại quỹ đạo bình thường.
Thứ ba, hoạt động ‘carry trade’ đồng USD sẽ phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, nhà đầu tư sẽ vay mượn các đồng tiền như đồng USD và đồng JPY với lãi suất cực thấp và đầu tư vào các quỹ chuyên về các tài sản có lợi suất cao chẳng hạn như cổ phiếu hoặc tiền tệ của thị trường mới nổi. Với việc Fed cam kết giữ lãi suất thấp đến cuối năm 2014, nhà đầu tư sẽ tăng cường tham gia vào hoạt động ‘carry trade’ và đổ tiền vào các tài sản rủi ro hơn.
Thứ tư, các thị trường hàng hóa và tiền tệ (đặc biệt là tại châu Á) có thể chứng kiến đà tăng mạnh khi nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các tài sản có lợi suất cao với niềm tin rằng lãi suất của Mỹ còn đứng ở mức thấp trong một thời gian dài. Trên thực tế, giá của một số loại hàng hóa đã tăng vọt sau thông báo của Fed. Giá dầu Brent vượt ngưỡng 110 USD/thùng trong khi giá vàng vọt lên 1,734 USD/oz nhờ sự suy yếu của đồng USD.
Các đồng tiền của châu Á, sau đà giảm giá mạnh trong năm 2011, cũng được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng USD và tâm lý ưa thích rủi ro của nhà đầu tư. Chẳng hạn như đồng rupi của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong hai tháng rưỡi sau khi lao dốc hơn 15% trong năm 2011, chủ yếu dựa trên kỳ vọng rằng nền kinh tế có thể bắt đầu phục hồi trong năm nay và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các biện pháp nới lỏng định lượng của Mỹ chắc chắn sẽ khiến giá trị của các đồng tiền châu Á tăng cao, trong đó có đồng rupi của Ấn Độ.
Phước Phạm



Xem bài viết: Ai hưởng lợi từ chính sách lãi suất siêu thấp của Fed?