Đến hết tháng 6, hạ trần lãi suất là điều không tưởng
Chiều 11-1, trao đổi với báo giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh việc hạ trần lãi suất từ nay đến hết tháng 6 là điều không tưởng.
Nhiệm vụ chính trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012 là việc xử lý thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Tập trung xử lý thanh khoản
Lạm phát đã có chiều hướng giảm trong sáu tháng qua cũng là nền tảng tính đến giảm lãi suất. Thế nhưng theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, lạm phát là cơ sở để xem xét giảm lãi suất, nhưng điều hành lãi suất không phải theo lạm phát mà điều hành thanh khoản, tức là cơ cấu lại nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.

Ông Bình cũng thẳng thắn cho rằng trong năm nay, vấn đề đặt ra là thanh khoản, từ thanh khoản lại đặt ra vấn đề lãi suất. Nếu như thanh khoản tốt, tiền lại nhiều như trước đây thì làm gì có chuyện thiếu thanh khoản và lãi suất lại xuống ầm ầm... Tất cả kịch bản diễn ra trong hệ thống ngân hàng hôm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lường đoán từ tháng 6-2011.
Đến giai đoạn này, một số ngân hàng thiếu thanh khoản. Đây là vấn đề lớn của nền kinh tế VN. Vì sao lại như vậy? Ông Bình lý giải: “Trong một thời gian rất dài, chúng ta huy động vốn toàn là ngắn hạn mà lại cho vay trung và dài hạn. Có ai đi gửi tiền 1 năm hay 5 năm không? Nói thật, kể cả tôi, nếu có đi gửi thì cũng là 1 tháng, cùng lắm thì lên tới 3 tháng”.
Theo quy định của NHNN, ngân hàng thương mại được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỉ lệ như năm 2010 là 40%. Song theo ông Bình, việc tuân thủ tỉ lệ đó là rất yếu, cá biệt có ngân hàng thương mại đến 100%. Tuy nhiên, NHNN chưa xử lý gì chuyện này. Làm cho một mặt dư nợ tăng lên, tỉ trọng cho vay trung và dài hạn có thể cao hơn, do vậy rất rủi ro về thanh khoản. Đến nay chúng ta thắt chặt tiền tệ thì chuyện thiếu thanh khoản xảy ra là điều tất yếu.
Có ý kiến cho rằng NHNN nên bơm tiền ra. Tuy nhiên theo ông Bình, nếu không thay đổi tập quán mà trước giờ vẫn làm thì bơm bao nhiêu cho đủ. Rồi tích tụ vốn và lại lâm vào tình trạng như hiện nay. Muốn vậy phải thay đổi tập quán hiện nay. Tỉ lệ nào để cho vay trung và dài hạn, tỉ lệ nào là vốn lưu động phải phù hợp. Muốn vậy phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Do vậy, nhiệm vụ năm 2012 của ngành ngân hàng chủ yếu là tập trung tái cấu trúc ngay những tổ chức tín dụng yếu kém. Khi đó, NHNN mới bơm vốn ra sẽ duy trì được tăng trưởng kinh tế. Tiền đưa ra không phải để lấp vào chỗ làm ăn không đúng trước đây.
Chưa thể hạ lãi suất
Còn về vấn đề hạ lãi suất, ông Bình cho rằng không thể nói là làm ngay được. Khó nhất trong điều hành của NHNN trong năm nay là hạ lãi suất. Nếu bình thường, tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới có điều kiện hạ lãi suất. Thế nhưng ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì làm sao hạ lãi suất được.
Do thanh khoản vẫn còn là vấn đề nên quy định trần lãi suất nhất định để đảm bảo hệ thống ngân hàng huy động mức lãi suất nhất định để có thể cho vay ra nền kinh tế vẫn chấp nhận được. Lãi suất thấp thì người dân không gửi, trong khi đó cầu về tiền thì lại luôn luôn cao. Như thế làm cho thị trường vốn không phát triển được.
Mục tiêu tái cấu trúc là làm thị trường tiền tệ trở về với đúng nghĩa của nó. Nếu làm được thì nhất định không có trần lãi suất, không có chuyện thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Thực tiễn từ nay đến hết tháng 6, việc bỏ trần lãi suất là điều không tưởng. Thế nhưng mức biến động của nó như thế nào thì cũng nên đặt ra.
Dưới góc độ điều hành chính sách tiền tệ, người đứng đầu NHNN cảm nhận năm nay bà con không tưng bừng phấn khởi, doanh nghiệp không thưởng tết hoành tráng như một số năm trước mà thiết thực hơn.
“Sau tết sẽ tổ chức quyết liệt hơn vấn đề thanh khoản hay là tạo vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chứ không đi vào chi tiêu. Diễn biến chỉ số giá như thế nào, nếu thấp thì mới hạ trần lãi suất” - thống đốc khẳng định.
Lê Thanh
tuổi trẻ



Xem bài viết: Đến hết tháng 6, hạ trần lãi suất là điều không tưởng