Năm 2012: Điện, xăng dầu lại đòi tăng giá
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không được tính vào giá bán đối với các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành.
* "Ngành công thương phải tìm hướng ra cho DN"
Phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương 2012 vào ngày 3-1 tại Hà Nội, thay vì giải trình, báo cáo các vấn đề về tình hình kinh doanh lỗ, lãi thì đại diện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) lại báo cáo thành tích và kiến nghị điều chỉnh giá điện, xăng dầu trong năm 2012.
Nhiều kiến nghị điều chỉnh giá
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, trần tình: Năm 2011, tác động giá cả tưởng chừng bình ổn nhưng đây là năm có diễn biến giá xăng dầu bất thường nhất. Dù giá dầu thô thấp hơn nhưng sản phẩm nhập khẩu lại cao nhất từ trước đến nay. So với năm 2008, giá dầu diesel tăng 40%, giá xăng tăng 17%.
Ông Bảo cho rằng năm 2011 là năm đầu tiên điều chỉnh giá xăng dầu ít nhất, đáng ra phải có hơn 11 lần điều chỉnh mới đáp ứng được giá thị trường thì thực tế mới chỉ tăng, giảm ba lần. Tổng doanh thu kinh doanh năm 2011 của Petrolimex là 177.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 24.000 tỉ đồng, lỗ 2.500 tỉ đồng, riêng lỗ do chênh lệch tỉ giá 1.500 tỉ đồng. Tuy vậy lợi nhuận trước thuế lại chưa được đơn vị này công bố vì một số lý do khác.
Từ đó, ông Bảo cho biết năm 2012, giá dầu ước 97 USD/thùng, tương đương năm 2011 nhưng áp lực giá sẽ tiếp tục tăng. Về kinh doanh, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính cho phép hạch toán theo toàn ngành bởi từ trước đến nay việc hoạch toán giữa công ty mẹ-con theo nguyên tắc độc lập nhưng đặc thù xăng dầu lại theo hệ thống nên cần sửa đổi để hạch toán đồng nhất toàn tập đoàn. Đại diện Petrolimex cũng kiến nghị cho phép DN có quyền quyết định về mức giá định kỳ trên cơ sở giá cơ bản của Bộ Tài chính, nếu vượt quá giá cơ bản thì Bộ Tài chính sẽ can thiệp.
Còn ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, cho biết năm 2011 đơn vị này đã hoàn thành kế hoạch cung ứng điện và đầu tư hơn 63.000 tỉ đồng cho các nguồn điện mới, hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo hơn 400 tỉ đồng. Ông Thanh cũng đề nghị năm 2012 sẽ áp dụng điều chỉnh giá điện để mời gọi đầu tư. Tuy vậy, chi tiết quan trọng được dư luận quan tâm thời gian qua về thu nhập bình quân của nhân viên công ty mẹ EVN 13,7 triệu đồng/tháng mà Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây lại không được ông Thanh đề cập đến.
6-1: trực tuyến công khai chuyện lỗ lãi
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương trong năm 2012 và những năm tiếp theo phải bảo đảm cung ứng điện, than, xăng dầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong đó, ngành điện tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, giá điện không được bán thấp hơn giá thành hợp lý.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm: Cũng giống như điện, mặt hàng xăng dầu phải bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường. Trong ngày 6-1, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ đối thoại trực tuyến với người dân về chuyện kinh doanh của hai mặt hàng này. “Tôi yêu cầu anh Hoàng phải công khai minh bạch giá điện, xăng dầu, tình hình kinh doanh lỗ lãi ra sao nhưng chắc chắn không được tính vào giá bán đối với các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành” - Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện chức năng chủ sở hữu DNNN. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, các bộ, ngành liên quan cần có phương án khắc phục, xử lý DN thua lỗ kéo dài, đồng thời xử lý nghiêm, kiểm điểm trách nhiệm nếu để xảy ra thua lỗ.
Thu nhập bình quân: Không “bèo”!
Theo báo cáo của Bộ Công Thương thì thu nhập bình quân hằng tháng của các DNNN thuộc bộ này quản lý trong năm 2010 và 2011 lần lượt như sau: Nhân viên Tập đoàn Điện lực VN là 8,3 triệu đồng và 8,6 triệu đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản VN là 7,5 triệu đồng và 7,7 triệu đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN là 15,1 triệu đồng và 16,2 triệu đồng; Tổng Công ty Bia - Rượu -Nước giải khát Sài Gòn là 9,8 triệu đồng. Còn lại các DNNN, đơn vị sự nghiệp nhà nước khác có mức thu nhập dao động 3-6 triệu đồng/tháng.

Trà Phương
PHÁP LUẬT TPHCM



Xem bài viết: Năm 2012: Điện, xăng dầu lại đòi tăng giá