Công ty Chứng khoán 'còi': Làm gì để tồn tại?
Các công ty chứng khoán nhỏ có cách nào để tồn tại trong điều kiện chứng khoán khó khăn. Thử làm vài phép tính về tài chính để xác định khả năng tồn tại (có lãi) của CTCK.

Tình hình kinh tế vĩ của Việt Nam trong những năm vừa qua đều trong tình trạng kém ổn định. TTCK Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ bởi tình hình chung này. Bên cạnh đó, sự yếu kém trong công tác quản lý thị trường và tính bất cập của các giải pháp phát triển thị trường cũng góp phần làm cho quá trình lao dốc diễn ra kéo dài.
Trong tình hình hiện nay, việc tái cơ cấu lại các CTCK đang đặt ra là một vấn đề cấp thiết. Do đó, việc xem xét và đánh giá khả năng tồn tại (có lãi) về mặt tài chính của CTCK được đặt ra hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu.
Ở đây, tôi đưa ra phân tích trường hợp điển hình đối với các CTCK có vốn chủ sở hữu từ 135 tỷ trở xuống, CBNV 50 người và có trụ sở ở Hà Nội và 1 chi nhánh ở TP.HCM hoặc ngược lại. Các khía cạnh phân tích dựa trên tính toán về doanh thu và chi phí điển hình phổ biến của các công ty chứng khoán chung theo tình hình báo cáo trong những năm vừa qua.
Về doanh thu: Các CTCK hiện có các nguồn thu theo ngành nghề kinh doanh gồm: Môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư chứng khoán và các khoản doanh thu khác (dịch vụ tài chính).
1. Doanh thu từ hoạt động môi giới: Với quy mô giao dịch của TTCK hiện tại cả HSX và HNX hiện nay đều dưới 500 tỷ đồng/phiên. Nếu mức phí giao dịch bình quân là 0,2% thì tổng phí giao dịch một phiên của toàn thị trường khoảng 4 tỷ đồng, tương đương với tổng doanh thu môi giới cả năm của toàn thị khoảng 1.000 tỷ đồng (số phiên GD trong năm khoảng 250 phiên).
Với tổng doanh thu môi giới này, việc đầu tiên là 10 CTCK lớn nhất sẽ lấy mất tỷ trọng khoảng 50% về thị phần (500 tỷ đồng), 95 CTCK còn lại sẽ phải chia nhau miếng bánh 500 tỷ với mức bình quân 5 tỷ đồng/CTCK/năm (tương đương với 420 triệu đồng/tháng). Mức doanh thu môi giới này không nhiều CTCK đạt được.
2. Doanh thu từ hoạt động tự doanh: Đa phần các CTCK hiện tại đều đã đầu tư vốn vào chứng khoán mà TTCK liên tục suy giảm như hiện nay thì không thể có doanh thu mà còn phải trích dự phòng đưa vào chi phí.
3. Doanh thu từ hoạt động tư vấn đầu tư: Với việc TTCK liên tục suy giảm thì hoạt động tư vấn của các CTCK hầu như bị tê liệt. Khi TTCK tăng trưởng, CTCK thu được doanh thu từ tư vấn niêm yết, tư vấn IPO, tư vấn tái cơ cấu (tăng vốn, cổ đông chiến lược, cơ cấu cổ đông...). Với tình trạng hiện tại, CTCK chỉ có thể thu được doanh thu từ hoạt động tư vấn tối đa ở mức 5 tỷ đồng/năm thông qua các hợp đồng kéo dài với các khách hàng truyền thống và một số đối tác "ruột" của Công ty.
4. Doanh thu khác: Với nguồn vốn 135 tỷ, sau khi trừ đi các chi phí mua sắm TSCĐ, các khoản chi bằng tiền khác (tiền nộp quỹ hỗ trợ thanh toán, các khoản đặt cọc thuê trụ sở...) dự trù tối thiểu khoảng 10 tỷ đồng thì nguồn vốn khả dụng còn lại là 125 tỷ đồng. Với việc các CTCK đều đã triển khai tự doanh (dự trù đều đã sử dụng ½ vốn để đầu tư) thì mức vốn còn lại để triển khai hoạt động margin và dịch vụ tài chính chỉ còn tối đa 70 tỷ đồng. Với mức vốn này, nếu triển khai hiệu quả tối ưu, CTCK có thể thu được 2%/tháng, tương đương 16,8 tỷ đồng/năm (1,4 tỷ đồng/tháng).
Với việc phân tách doanh thu của CTCK ở mức tối ưu nêu trên, tổng doanh thu CTCK thu được một năm: 5 tỷ đồng môi giới + 5 tỷ đồng tư vấn + 16,8 tỷ đồng doanh thu khác = 26,8 tỷ đồng (2,23 tỷ/tháng)
Mức doanh thu này chỉ thực hiện được với mức vận hành tối ưu các hoạt động và đối với các CTCK có tiềm lực về khách hàng và có cơ chế quản lý-kiểm soát hoạt động tốt.
Về chi phí: Các chi phí lớn, chủ yếu của CTCK bao gồm:
1. Chi phí thuê trụ sở: Chỉ với một trụ sở và một chi nhánh, thông thường mức chi tối thiểu và khoảng 400 triệu đồng/tháng với diện tích trụ sở 400 m2, chi nhánh 150 m2 (Bình quân giá thuê hiện nay vào khoảng 33-35 USD/m2/tháng). Tổng chi phí thuê trụ sở hàng năm CTCK mất 4,8 tỷ đồng.
2. Chi phí lương CBNV: Với mức tối thiểu tại trụ sở và chi nhánh tổng số là 50 CBNV, mức chi bình quân lương hàng năm mặt bằng chung hiện nay là 9 triệu đồng/CBNV/tháng thì tổng chi phí lương của CTCK là 5,4 tỷ đồng/năm (tính cả tháng lương thứ 13).
3. Các chi phí thiết yếu khác: 3,84 tỷ đồng
- Chi phí khấu hao TSCĐ: mức tối thiểu 200 triệu đồng/tháng tương đương 2,4 tỷ đồng/năm;
- Chi phí thành viên, phí đường truyền GD, viễn thông: tối thiểu 30 triệu đồng/tháng, tương đương 360 triệu đồng/năm;
- Điện, nước, điện thoại: 30 triệu đồng tháng/tháng, tương đương 360 triệu đồng/năm;
- VPP, chi phí khác cho nhân viên: 40 triệu đồng/tháng, tương đương 480 triệu đồng/năm;
- Chi phí bằng tiền khác: đi lại, phí, lệ phí, chuyển tiền, tiếp khách... tối thiểu 20 triệu đồng/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm;
Tổng các khoản chi phí tối thiểu một năm của CTCK là 14,04 tỷ đồng, tương đương 1,17 tỷ đồng/tháng.
Kết quả kinh doanh ròng:

Nếu CTCK với quy mô vốn 135 tỷ đồng và triển khai các hoạt động kinh doanh ở mức tối ưu về doanh thu và tiết kiệm chi phí tối đa, có định hướng kinh doanh và quản trị tốt mới đạt được mức sinh lời hàng năm trên VCSH là 7,1%/năm, bằng một nửa so với phương án gửi tiền ngân hàng. Đây là sức ép rất lớn đối với cổ đông cũng như HĐQT, Ban điều hành. Bên cạnh đó, CTCK phải gánh chịu một số rủi ro làm suy giảm mạnh doanh thu cũng như làm tăng chi phí như:
- Chứng khoán tự doanh giảm giá: Nếu việc tự doanh của CTCK với giá trị 55 tỷ đồng, với việc danh mục tự doanh giảm giá (trích dự phòng rủi ro) 20%/vốn đầu tư (11 tỷ đồng) thì Kết quả kinh doanh đã là số âm. Trong khi, đa phần các CTCK đều có tình trạng trích DPRR từ 30-50% giá trị danh mục đầu tư tự doanh;
- Mất vốn do hợp tác kinh doanh (margin): Với việc cho vay bằng vốn của CTCK giá trị 70 tỷ đồng (chưa kể các CTCK còn đi vay của ngân hàng, các tổ chức, các nhân khác để cho vay lại nhà đầu tư), chỉ cần một hai khách hàng lớn bị cháy tài khoản và lơ là trong công tác quản lý rủi ro, CTCK đã phải đối mặt với những món mất vốn không thu được vài tỷ đồng. Nếu CTCK đi vay để cho vay với giá trị lớn hơn nhiều thì việc để rủi ro cháy tài khoản của nhà đầu tư từ 30-50 tỷ đồng cũng là chuyện bình thường.
- Chi phí gia tăng: Rất ít CTCK có kinh nghiệm quản lý chi phí, đặc biệt là những thời điểm khó khăn, CTCK vẫn phải đầu tư để đổi mới công nghệ, tuyển dụng người có năng lực để vận hành và chờ cơ hội khi TTCK phục hồi có nền tảng để tăng trưởng và phát triển. Do vậy, mức chi phí của hầu hết CTCK hiện nay đều không dưới 1,5 tỷ đồng/tháng (18 tỷ đồng/năm).
Qua đây, có thể thấy, khả năng đẩy mạnh và nâng cao nguồn thu của CTCK là rất hạn chế trong khi luôn phải duy trì một mức chi phí cứng (cố định) từ 14-15 tỷ đồng/năm mà không có cơ hội cắt giảm trong thời kỳ khủng hoảng là một thách thức lớn đối với hoạt động kinh doanh của CTCK hiện nay. Bên cạnh đó, các rủi ro lỗ vốn hoặc gia tăng chi phí luôn cận kề và không có phương án khắc phục làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của CTCK. Chính vì vậy, trong thời gian 6 tháng tới, có thể dự đoán về tương lai của các CTCK nhỏ là không mấy khả quan và sẽ có khoảng 40-50% CTCK sẽ phải giải thể, sáp nhận hoặc thậm chí phá sản.
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: Công ty Chứng khoán 'còi': Làm gì để tồn tại?