Nợ vay doanh nghiệp niêm yết gấp hàng chục lần lợi nhuận
(Vietstock) - Theo báo cáo tài chính quý 3/2011 của 686 doanh nghiệp niêm yết được cập nhật đến ngày 16/11, tổng nợ toàn thị trường lên tới 438,631 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận 9 tháng chỉ bằng 31,067 tỷ đồng.
Doanh nghiệp “tiếng tăm” - nợ vay cao
Lọt vào top 10 doanh nghiệp có nợ vay cao nhất tính đến 30/09 đều là những “gương mặt” quen thuộc và có “tiếng tăm” trên thị trường như PVS, HAG, VCG, HT1, MSN, PVD, HPG, PPC… đến các đại gia VIC, FPT, HAG
Top 10 doanh nghiệp có nợ vay cao nhất đến 30/09

Nguồn: VietstockFinance * BCTC chưa hợp nhất

Với mức nợ 24,622 tỷ đồng, CTCP Vincom (HOSE: VIC) là “con nợ” đứng đầu danh sách các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, vay và nợ ngắn hạn của VIC “vọt” mạnh từ 294 tỷ đồng hồi đầu năm lên tới 1,177.8 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là khoản vay chuyển đổi 40 triệu USD của Credit Suisse có giá trị 825 tỷ đồng với thời hạn 11 tháng và lãi suất 6%/năm.
Nối gót đại gia trên, Tổng CTCP DV Kỹ thuật Dầu Khí Việt Nam (HNX: PVS) cũng có mức nợ tới 16,756 tỷ đồng, trong đó vay và nợ ngắn hạn tăng gần gấp đôi hồi đầu năm, lên mức 2,966 tỷ đồng nhờ nguồn từ PVF.
Mặc dù Tổng CTCP XNK & Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG) vẫn lọt vào top các doanh nghiệp có nợ vay cao với 12,533 tỷ đồng, nhưng so với con số cuối năm 2010 là 26,169 tỷ đồng (giảm hơn gấp đôi) thì đây là điều đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, VCG cho biết vẫn đang thiếu vốn trầm trọng và đang có ý định huy động tiếp từ cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng. Bởi trong những tháng cuối năm và 2012, tổng nhu cầu vốn giải ngân cho các dự án đầu tư của công ty lên hơn 2,703 tỷ đồng. Như vậy cổ đông VCG sẽ còn đau đầu với bài toán đồng ý phương án tăng vốn hay không khi cổ phiếu bị pha loãng và thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc.
Đáng chú ý trong danh sách này, CTCP Xi Măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (DER) tới 6.68 lần và chi phí lãi vay chiếm gần 596 tỷ đồng nhưng 9 tháng qua lại không có một đồng lãi nào. So với thời điểm 31/12/2010, nợ của HT1 tăng 9% lên mức 10,964 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ ngắn hạn gồm 949 tỷ đồng từ ngân hàng; 407 tỷ đồng từ các tổ chức và cá nhân khác; vay dài hạn đến hạn trả là 236 tỷ đồng. Đa số các khoản vay được thế chấp bằng dự án trạm nghiền Q.9, xi măng Bình Phước, Hà Tiên 2.2, trạm nghiền Long An. Riêng khoản vay 2,355.8 tỷ đồng từ Ngân hàng Societe Generale được Bộ Tài chính bảo lãnh để tài trợ gói thiết bị số 1 dự án xi măng Bình Phước.
Nếu nói về tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thì CTCP Sông Đà Thăng Long (HNX: STL) đứng đầu bảng khi tỷ lệ này lên đến 21.81 lần, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp (1,600 tỷ đồng), vay ngân hàng và các đối tượng khác như Sông Đà Nha Trang, BĐS Thăng Long và cá nhân với lãi suất không quá 1.2 lần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, tính đến 30/09/2011 thì lượng tiền của doanh nghiệp này chỉ có 50 tỷ đồng (giảm 72% so với hồi đầu năm), và tỷ lệ chi phí lãi vay trên lợi nhuận sau thuế là 2.36 lần.
Top 10 doanh nghiệp có tỷ lệ Nợ/VCSH cao nhất

Nguồn: VietstockFinance * BCTC hợp nhất

Bên cạnh đó, có khá nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao ngất ngưởng như VMD (20.89 lần), S27 (18.02 lần), TLT (17.62 lần), DDM (14.86 lần)…
Trong khi các doanh nghiệp khác đang cố gắng “ghìm cương” nợ vay thì đến hết tháng 9, con số này của CTCP Xi Măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) lại tăng thêm 10% so với cuối năm 2010 khi chiếm 5,185 tỷ đồng. Vì thế, dù lợi nhuận gộp 9 tháng đạt 612 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay và các chi phí khác đã “ngốn” hết nỗ lực của công ty khi lỗ gần 4 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của BCC cũng thuộc hàng đáng lo ngại với 5.15 lần. Chủ nợ của BCC chủ yếu là Vietinbank, trong đó có 2,628 tỷ đồng là ngoại tệ dài hạn.
Đại gia KBC chỉ mới công bố BCTC riêng công ty mẹ nhưng cũng đáng để lưu ý với mức lỗ 119 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1.38 lần.
Liệu bức tranh nợ vay các doanh nghiệp này sẽ như thế nào khi chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm, là đến hạn “chốt sổ” của ngân hàng?.
Tình hình nợ vay của doanh nghiệp niêm yết qua các ngành
Bất động sản dường như là “quán quân” ngành về nợ vay. Theo thống kê tính đến ngày 16/11 của Vietstock, 196 doanh nghiệp bất động sản, xây dựng niêm yết trên cả hai sàn có tổng số nợ lên đến 181,927 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 115,300 tỷ đồng.
Đó là chưa kể hiện các doanh nghiệp ngành bất động sản còn ứ đọng hơn 71,154 tỷ đồng hàng tồn kho. 9 tháng đầu năm, ngành bất động sản niêm yết chỉ đạt vỏn vẹn 6,355 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (bình quân lợi nhuận 1 doanh nghiệp là 32 tỷ đồng). Một con số quá khập khiễng so với vốn chủ sở hữu họ phải bỏ ra 100,164 tỷ đồng và số tiền đi vay nợ thuộc hàng “khủng” nêu trên.
Tổng nợ vay của các DNNY theo ngành tại ngày 30/09/2011

Nguồn: VietstockFinance

Cũng đáng được điểm danh và nhận được sự quan tâm rất nhiều của nhà đầu tư trong thời gian qua là ngành chứng khoán. Trong 17,931 tỷ đồng tổng nợ phải trả thì nợ ngắn hạn đã chiếm gần hết với 15,076 tỷ đồng. Cũng “may” là số nợ này chưa vượt qua con số tổng vốn chủ sở hữu 21,067 tỷ đồng. Nhưng khi “bù qua sớt lại” giữa các doanh nghiệp lãi và lỗ thì chỉ duy nhất tổng lợi nhuận sau thuế của ngành chứng khoán là phát sinh âm 779 tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp này lỗ cũng là điều dễ hiểu bởi thị trường chứng khoán năm qua luôn trong tình trạng lình xình, thanh khoản kém, vốn đầu tư bị phân tán tới các kênh khác như vàng, hàng hóa… Theo các chuyên gia, nếu tình trạng này kéo dài thì không chỉ bất động sản mà chứng khoán cũng đành phải “xuôi theo chiều gió”.
Đối với ngành khai khoáng, do tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan nên Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp phép các dự án khác. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, sản lượng xuất khẩu khoáng sản từ đầu năm giảm đáng kể do chính sách hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng và mức thuế suất xuất khẩu than tăng từ 5% lên 20% cũng làm ngành này lao đao khi lợi nhuận 9 tháng ở mức 1,789 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn đã chiếm 56% tổng nợ.
Năm qua, ngành vận tải cũng gặp không ít khó khăn khi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đặc biệt là vận tải biển dù đã bước vào giai đoạn phục hồi nhưng chỉ mang tính “mùa vụ”. Trong khi đó, doanh nghiệp luôn trong tình trạng thu không đủ bù chi khi chi phí đầu vào tăng như nhiên liệu, dầu nhờn, vật liệu… Ngoài ra, các doanh nghiệp này lại phải cộng thêm chi phí lãi vay và biến động tỷ giá nên tổng lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn với 536 tỷ đồng. Mặc dù nợ ngắn hạn chỉ chiếm 33% (8,406 tỷ đồng) nhưng bức tranh ngành vận tải biển 9 tháng đầu năm chỉ thấy … bán tàu để trả nợ.
Với tổng số 438,631 tỷ đồng tiền nợ, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chỉ thu về 31,067 tỷ đồng lợi nhuận. Đặc biệt là con số 48,000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm cũng đáng để các doanh nghiệp hiện thời lưu tâm. Như trong một phát biểu gần đây, ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến cáo, khi xây dựng kế hoạch 2012, các doanh nghiệp cần tiết kiệm, hạn chế sử dụng vốn vay và đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư mới… vì theo dự báo triển vọng kinh tế năm tới vẫn còn nhiều khó khăn.
Tính riêng trong quý 3, nhóm ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp dẫn đầu các chỉ số như ROE, ROA và EPS. Trong khi đó nhóm ngành Thuê và cho thuê khá “thảm” với EPS âm 6,617 đồng và các chỉ tiêu khác cũng đồng cảnh ngộ.
Các chỉ số ngành quý 3/2011

Nguồn: VietstockFinance

Minh An



Xem bài viết: Nợ vay doanh nghiệp niêm yết gấp hàng chục lần lợi nhuận