Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 08/11
(Vietstock) – Chưa có những chuyển biến rõ nét về khả năng kìm hãm đà giảm, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong giao dịch, và không cần phải vội vã bắt đáy thị trường dù có thể có vài tín hiệu ”gây nhiễu”.

I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 08/11/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index giảm nhẹ không đáng kể 0.01% đứng tại 410.52 điểm, trong khi HNX-Index tiếp tục sụt giảm mạnh 1.44% về mức 65.02 điểm, phá vỡ mức đáy thấp nhất trong lịch sử của chỉ số này. VS 100 giảm 0.8% về 57.79 điểm.
Thị trường tiếp tục được nâng đỡ bởi nhóm vốn hóa lớn khi VS-Large Cap tăng 0.69%; trong khi VS-Mid Cap sụt giảm mạnh 1.79%, VS-Small Cap giảm 0.97% và VS-Micro Cap giảm 0.88%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh bất ngờ tăng vọt lên 18.6% trên HOSE và tăng 7.4% trên HNX so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Khối ngoại có phiên mua ròng thứ 10 liên tiếp trên HOSE với giá trị 19.1 tỷ đồng. Họ mua mạnh FPTMSN, trong khi bán ra hàng loạt cổ phiếu bất động sản. Trên HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ với giá trị gần 2.3 tỷ đồng.

Triển vọng thị trường: Thị trường chìm trong sắc đỏ nhưng VN-Index vẫn đi ngang nhờ vào lực đỡ của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã bluechips như MSN, VNM, VPL. Trái ngược với chỉ số VN-Index bị bóp méo trên HOSE, HNX-Index tiếp tục lao dốc và đã chính thức thủng đáy lịch sử 65.63 điểm trong phiên giao dịch hôm nay.
Trong một phiên trống vắng các thông tin, thị trường bị chi phối đáng kể bởi tâm lý bi quan vào cuối tuần trước và các diễn biến ngày càng phức tạp như “mớ bòng bong” của tình hình tại châu Âu.
Khối lượng khớp lệnh dù duy trì ở mức thấp nhưng có cải thiện chút ít chứng tỏ đã xuất hiện lực cầu dò đáy. Không có gì ngạc nhiên khi lực cầu chỉ xuất hiện nhiều ở mức dưới giá tham chiếu.
Các nhóm ngành đầu cơ như Bất động sản, Chứng khoán tiếp tục có một phiên giảm điểm mạnh, trong khi đó đáng chú ý là Ngân hàng chỉ giảm nhẹ nhờ STB duy trì mức tăng kịch trần vào cuối phiên. Hiện đang có nhiều quan điểm xung quanh mục đích của việc mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ tại STB, nhưng rõ ràng phiên hôm nay đã xuất hiện lực cầu “đu theo” khá lớn. Cần để ý rằng khối lượng tự do chuyển nhượng ở mã này là rất lớn nên sẽ cần nhiều điều kiện hơn ở những mã khác để giá có thể tăng mạnh, ví dụ như sự cộng hưởng của thị trường. Không lâu trước đây, hàng loạt cổ đông nội bộ đăng ký mua vào nhưng đà tăng chỉ duy trì được một số phiên.
MBB tiếp tục có phiên giao dịch không tích cực khi đóng cửa giảm sàn với hơn 1.1 triệu đơn vị được sang tay. Trong khi đó, các cổ phiếu đầu cơ là ITA, IJCVND, KLS, PVX lần lượt tiếp tục đứng đầu mức giao dịch trên HOSE và HNX.
Chưa có những chuyển biến rõ nét về khả năng kìm hãm đà giảm, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong giao dịch, và không cần phải vội vã bắt đáy thị trường dù có thể có vài tín hiệu ”gây nhiễu”.
Phân tích kỹ thuật: HNX-Index – Đáy cũ đã thủng. Điều khiến cho nhiều người băn khoăn nhất tại thời điểm hiện nay là liệu có nên bắt đáy khi mà đáy cũ đã bị thủng hoàn toàn? Đây rõ ràng là điều khó trả lời khi mà lo ngại của giới phân tích kỹ thuật về sức ép của SMA 20, SMA 100 cũng như sự dịch chuyển đi xuống và tín hiệu bán mạnh của MACD đã trở thành hiện thực.
Tín hiệu bán của RMO Trade Mode đã báo hiệu khá chính xác sự điều chỉnh mạnh của HNX-Index. Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 07/11/2011 là khối lượng đã tăng nhẹ trở lại. Điềunày chứng tỏ sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường vẫn khá cao và sự hoảng loạn không xảy ra.
Nếu thanh khoản tiếp tục cải thiện từ từ trong những phiên tới, việc thăm dò bắt đáy là có thể xem xét.

VN-Index – Vẫn chưa hồi phục. Trong 2 phiên giao dịch gần đây liên tục xuất hiện mẫu hình nến Hammer ngược. Sự xuất hiện này chứng tỏ một thực tế là động lực tăng trưởng của VN-Index đang rất yếu. Đây là dạng mẫu hình có xác suất thành công khá cao ở thị trường Việt Nam nên cần hết sức chú ý.
Khả năng lấp đầy runaway gap xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 02/11/2011 (tương đương vùng 410 – 415 điểm) đang ở mức rất thấp khi khối lượng không hề có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Stochastic Oscillator, Relative Strength Index... vẫn đang trong xu hướng lao dốc khá mạnh. Nếu như thanh khoản không thể duy trì trên 30 triệu đơn vị/phiên trong những phiên kế tiếp thì việc bắt đáy sớm vẫn chưa nên thực hiện.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục điều chỉnh mạnh (-0.8%) trong phiên giao dịch ngày 07/11/2011, VS 100 tiếp tục gây lo ngại về khả năng thủng vùng đáy cũ. Khối lượng có gia tăng nhưng không đủ để tạo nên một sự đột biến lớn.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 07/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.52, tức số mã tăng giá bằng 0.52 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.17, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.17 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.32 lần và VS-U/D HNX bằng 0.03 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 4.45.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục dịch chuyển xuống vùng thấp (dưới 0.3). Nếu chỉ số này tiếp tục duy trì mức hiện nay hoặc thấp hơn thêm vài phiên nữa thì khả năng đảo chiều sẽ xuất hiện.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Liệu đã an toàn? Thị trường Mỹ đang bước vào giai đoạn biến động phức tạp và khiến cho giới phân tích kỹ thuật có nhiều nhận định trái chiều.
Điều này bắt nguồn từ việc DJIA đang đi vào vùng hội tụ của khá nhiều ngưỡng kháng cự, hỗ trợ mạnh. Bên cạnh đó, các chỉ số dao động đều đã cho tín hiệu bán trong vùng overbought nên khả năng thoái lùi vẫn rất lớn.
Dài hạn – Sự thận trọng vẫn còn. RMO Trade Mode tiếp tục cho tín hiệu bi quan khi mà Swing Trd 2 tiếp tục đi xuống và thu hẹp khoảng cách với Swing Trd 3. Điều này cho thấy tín hiệu bán sẽ xuất hiện trong thời gian tới nếu DJIA không tiếp tục bứt phá.
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng khả năng cho tín hiệu bán vẫn rất lớn do những phân kỳ giá xuống (bearish divergence) đang hình thành.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 07/11/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 08/11