“Lách” trần lãi suất qua vàng
Khi NHNN xử lý mạnh tay một số NHTM vượt trần lãi suất huy động 14%/năm, tưởng chừng lãi suất huy động trở lại trật tự. Tuy nhiên, có một thực tế là đã phát sinh cửa lách mới bằng việc mua bán vàng của các NHTM.
Chiêu hợp đồng kỳ hạn
Gần đây một trong nhóm 5 NHTM được bán vàng huy động ra thị trường đã thực hiện chiêu lách lãi suất huy động tiền gửi VNĐ thông qua việc mua bán vàng cho dân. Cách lách mới này đang được các NHTM khác bắt đầu học hỏi.
Thí dụ, khách hàng A. đem 1 tỷ đồng đến NH B., NH B. sẽ bán 23 lượng vàng giá 43,5 triệu đồng/lượng (tương đương 1 tỷ đồng), sau đó NH B. sẽ ký với khách hàng A. một hợp đồng mua lại số vàng đó có kỳ hạn 1 tháng với giá 44 triệu đồng/lượng. Tính ra, khách hàng A. sẽ có 1 tỷ đồng tiền gốc và 14 triệu đồng tiền lãi, tương đương lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ lên đến 17%/năm, cao hơn 3%/năm so với trần lãi suất huy động 14%/năm.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ.

Thật ra trước đây vào thời điểm trần lãi suất bị siết mạnh, dòng vốn tiền đồng bị sụt giảm do dân rút tiền mua vàng. Các NHTM đưa ra chính sách mua vàng theo giá ưu đãi với điều kiện khách hàng gửi tiết kiệm tiền đồng có được từ bán vàng tại NH. Đây cũng là một hình thức lách trần lãi suất huy động VNĐ.
Tuy nhiên, hình thức này chỉ giới hạn áp dụng với khách hàng có vàng bán cho NH gửi tiền đồng. Còn bây giờ các NHTM “biến tấu” mở rộng áp dụng cả với khách hàng đem tiền đồng đến NH. Để tránh bị NHNN “soi” cũng như các NHTM khác “gài bẫy”, hình thức này chỉ áp dụng giới hạn với những khách hàng thân thiết, khách hàng tiền gửi truyền thống của NH.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các NHTM có được phép mua vàng kỳ hạn của dân không. Th.S Phan Thanh Hải, chuyên gia ngoại hối, cho biết NHNN chỉ cấm các NHTM thực hiện hợp đồng quyền chọn mua bán vàng (option) chứ không cấm thực hiện hợp đồng mua bán vàng kỳ hạn (forward).
Theo đó, khách hàng đến NH giao dịch chiều mua kỳ hạn khi kỳ vọng giá vàng trong tương lai sẽ tăng, hoặc bán kỳ hạn cho NH khi kỳ vọng giá vàng sẽ xuống. Đây cũng là một hình thức đầu cơ vàng của dân trước nay khi sàn vàng bị đóng cửa. Tuy nhiên, khi trần lãi suất huy động bị siết lại sẽ là cửa cho các NH sử dụng sản phẩm này để lách.
Một lãnh đạo NH cổ phần cho biết thực tế đã có NHTM tố việc lách này cho NHNN, nhưng khi thanh tra NHNN không phát hiện được chứng cứ nên không xử lý được.
Bán, mua, gửi: lợi cả 3 đường
Nhiều bạn đọc mua vàng phản ảnh với ĐTTC rằng khi họ mua vàng từ 5 lượng trở lên tại một số NHTM trong nhóm G5+1 thì bị yêu cầu phải gửi lại NH. Yêu cầu trên được các NH lý giải rằng nếu gửi lại số vàng mới mua, khách hàng có thể hưởng lãi suất cao, an toàn, hoặc có thể bán lại cho chính NH số vàng đó và gửi tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn ngắn, chờ cơ hội giá vàng thích hợp mua lại.
Cũng có NH lý giải kiểu khác như khách hàng mua vàng số lượng lớn chứng tỏ mục tiêu đầu cơ, do vậy để hạn chế tình trạng này NH yêu cầu gửi lại.
Anh Hồ Mỹ Hưng, ngụ ở quận 12, TPHCM, cho biết cách đây 2 tuần có mua 5 lượng vàng tại NH X. với giá 45 triệu đồng/lượng, nhân viên NH yêu cầu anh gửi chứng chỉ vàng kỳ hạn 1 tháng, khi giá vàng có xu hướng tăng anh đến xin rút nhưng NH không cho rút trước hạn. Cuối tuần anh Hưng cầm sổ chứng chỉ vàng đó đến chi nhánh NH này ở Vũng Tàu thì rút được nhưng bị tính phí rút trước hạn.
Theo một chuyên gia NH, quy định NHNN hiện nay chỉ cho các NHTM bán không quá 40% lượng vàng huy động tồn quỹ. Do vậy, một NHTM bán vàng nhưng nếu yêu cầu khách hàng gửi vàng lại, nghĩa là lượng vàng huy động tại NHTM đó tăng lên và “room” được phép bán vàng ra của NH này cũng tăng thêm.
Hơn nữa, khuyến khích khách hàng gửi vàng các NH sẽ có nguồn vàng huy động đảm bảo khả năng thanh khoản vàng lẫn thanh khoản tiền đồng khi thế chấp vàng vay tiền đồng tại NH bạn.
Gần đây, khi giá vàng lao dốc, tình trạng người xếp hàng mua vàng tại SJC rất đông thay vì mua tại các NHTM được phép bán vàng. Do vậy một lãnh đạo NH cổ phần đã bày tỏ lo ngại liệu nhóm 5 NHTM được phép bán vàng có bán vàng cho dân hay không?
Bởi lẽ các NHTM này không treo băng rôn thông báo bán vàng và không phải người dân nào cũng biết 5 NHTM được bán vàng để đến mua. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia nhận định vì mục tiêu lợi nhuận, sẽ không loại trừ việc các NHTM trên không bán vàng cho dân mà bán vàng cho các tiệm vàng “đầu nậu” ngoài thị trường tự do để kiếm lợi cao hơn.
Đó là lý do vì sao trên thị trường xuất hiện mỗi nơi niêm yết mỗi giá, người dân không thể chờ đợi mua vàng ở SJC đành phải ra các tiệm vàng nhỏ lẻ mua vàng giá cao hơn giá bình ổn.
Thanh Thiên
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH



Xem bài viết: “Lách” trần lãi suất qua vàng