Bất động sản hạ giá bán để chạy thuế?
Lao Động số 210 Ngày 18/09/2009 Cập nhật: 12:09 PM, 18/09/2009
Thị trường BĐS được dự báo sẽ trầm lắng do tác động thuế thu nhập cá nhân. (LĐ) - Đúng như dự báo, sau khi có thông tin về việc áp dụng thuế suất 25% đối với lợi nhuận có được từ việc chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua bán bất động sản, thị trường đã có những phản ứng tức thì.
Giá nhà đất tại TPHCM tiếp tục sụt giảm, xuất hiện hiện tượng muốn bán nhanh để chạy thuế.
Hạ giá bán chạy thuế?

Làn sóng bán nhà đất để chạy đua né thuế thu nhập cá nhân đánh vào lợi nhuận có được từ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua bán BĐS đang thực sự bùng nổ. Tại các văn phòng môi giới mua bán nhà đất trong khu đô thị mới Nam Sài Gòn, đã xuất hiện các quảng cáo mang đậm chất thời sự của thị trường BĐS.

Chẳng hạn như mẩu quảng cáo sau đây "Bán một lô đất trong dự án Him Lam - Kênh Tẻ, quận 7, giá 43 triệu đồng/m2, chỉ bán giá này trong vòng 1 tuần"; "Dự án Thái Sơn 1, quận 7, lô J, H, K giá rẻ không tưởng 14 -16 triệu đồng/m2...".

Theo anh Lâm Hoàng - chủ một văn phòng môi giới giao dịch: "Chưa bao giờ thị trường BĐS lại lên "cơn sốt" chạy hàng như hiện nay. Đa số khách hàng xác định thà bán rẻ hơn mặt bằng giá thị trường một tý còn đỡ hơn bán chậm, đúng giá nhưng phải đóng thuế 25%".

Anh Hoàng đưa ra một ví dụ để minh họa: "Một nền đất diện tích 90m2 trong dự án Him Lam - Kênh Tẻ, trước đây góp vốn 8 triệu đồng/m2, nay giá thị trường khoảng 43 triệu. Như vậy, trên lý thuyết người bán phải chịu một khoản thuế là 756 triệu đồng".

Anh Hoàng nhận định: "Theo tôi, nếu làm theo cách này sẽ thiệt rất nhiều cho những nhà đầu tư đang nắm giữ đất hiện nay. Bởi, các nền đất trong dự án này ít nhất phải qua tay hàng chục nhà đầu tư khác nhau. Mỗi người "ăn" mỗi ít. Nếu bây giờ cứ căn theo giá gốc và giá ngọn để đánh thuế thì không ai có thể chịu nổi.

Cách đánh thuế hợp lý nhất trong trường hợp này nên xác định thuộc dạng không xác định được giá bán giá mua, cho người nộp thuế được chọn phương thức đóng thuế 2% tổng giá trị hợp đồng (khoảng gần 80 triệu đồng đối với trường hợp minh họa ở trên). Như vậy, sẽ nhẹ gánh và công bằng hơn.

Còn nếu ngành thuế vẫn cứ làm theo cách xác định được giá gốc và giá ngọn, trừ ra thành lợi nhuận thì chắc chẳng ai chịu thấu". Nhận định về giá cả BĐS trong những ngày qua, anh Hoàng cho biết: "Không khí bán chạy thuế ồ ạt đã đẩy giá nhà đất mỗi ngày lùi một ít, chỉ trong mấy ngày mà giá đã giảm thấy rõ".

Thông tư "đè" luật?

Khi được hỏi liệu với việc đánh thuế lợi nhuận có được từ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua bán BĐS với thuế suất 25%, hầu hết các Cty môi giới mua bán BĐS đều cho rằng, điều này sẽ tác động mạnh mẽ lên thị trường. Bên cạnh đó, tất cả đều cho rằng, đánh thuế như vậy là không thuyết phục, không hợp lý.

Một luồng dư luận chủ đạo hiện nay vẫn cho rằng việc áp thuế suất 25% là sự áp đặt của Bộ Tài chính. Các Cty kinh doanh BĐS dẫn lại Luật Kinh doanh BĐS quy định, đối với căn hộ chung cư, chủ đầu tư chỉ được bán khi nào hoàn thành phần móng.

Đối với dự án kinh doanh hạ tầng (phân lô bán nền) chủ đầu tư chỉ được bán khi đã làm xong hạ tầng. Luật đã xác định rõ điều kiện chuyển nhượng BĐS. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự cho phép cá nhân, doanh nghiệp được hợp tác đầu tư.

Đối với những hợp đồng góp vốn vào các dự án kinh doanh BĐS, nếu thời điểm góp vốn diễn ra trước thời điểm doanh nghiệp được phép bán BĐS thì phải xác định đó là các hợp đồng đầu tư tài chính.

Đối với loại hình này cần phải đánh thuế theo thuế suất của hoạt động đầu tư tài chính. Ngược lại, nếu Bộ Tài chính vẫn cứ cho rằng, lợi nhuận có được từ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn trong những dự án mà thời điểm góp vốn diễn ra trước khi được phép mua bán BĐS, như vậy, chẳng khác nào Bộ Tài chính mặc nhiên công nhận việc mua bán BĐS trên giấy.

Điều này đồng nghĩa với việc giữa Luật Kinh doanh BĐS và thông tư 161 tréo ngoe nhau. Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS là văn bản pháp quy cao hơn, vì vậy cần phải áp dụng Luật Kinh doanh BĐS để xem xét, chứ không thể áp thông tư 161 đè lên Luật Kinh doanh BĐS.

Ngọc Huân