Nổ tín dụng OTC: Tiền chiếm đoạt có thể lên đến 5.000 tỷ đồng

Theo xác định ban đầu của các cơ quan điều tra, các bị can đã chiếm đoạt từ các tổ chức tài chính cũng như cá nhân lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Ngày 7-10, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an - cho biết đã bắt giữ Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978), nguyên trưởng phòng giao dịch VietinBank Điện Biên Phủ (TPHCM), để điều tra về các hoạt động lừa đảo tài chính, đây chính là nhân vật N. được đề cập trong bài viết “Rúng động nghi án lừa đảo”.
Tiếp theo vào ngày 12-10, nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Các cơ quan điều tra bước đầu xác định ông Tuấn cùng với bà Như đã dùng danh nghĩa VietinBank Nhà Bè ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức tài chính và yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để chiếm đoạt.
Theo một số nguồn tin, nạn nhân của cặp đôi này bao gồm các doanh nghiệp thương mại, bất động sản, dệt may… Ban đầu bà Như “bắt mối” với các doanh nghiệp và tạo uy tín qua một số giao dịch làm ăn. Sau đó bà Như đề nghị các doanh nghiệp nạn nhân của mình chuyển tiền về các ngân hàng thương mại nơi mình làm việc để được hưởng lãi suất hấp dẫn và một số ưu đãi khác.
Tuy nhiên điểm “lắt léo” ở đây là thay vì mở tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp lại ký hợp hợp đồng ủy thác đầu tư vốn nguyên tắc và doanh nghiệp bị lừa gửi tiền vào tài khoản của một doanh nghiệp khác do bà Như chỉ định. Phần tiền lãi, tiền gốc nếu doanh nghiệp muốn nhận sẽ lại nhận từ một ngân hàng khác cũng do bà Như chỉ định. Cách thức này được bà Như giải thích là để hợp thức hóa việc trả lãi cao.
Để thực hiện những chiêu lừa này, bà Như đã thiết lập một số công ty “sân sau” cho mình. Ông Tuấn còn kết hợp với bà Như làm giả hợp đồng tiền gửi để thế chấp cho các ngân hàng để vay tiền.
Theo một số người môi giới OTC, bà Như còn sử dụng Hùng Mỹ Phương - thường gọi là Phương “đen” - để huy động vốn từ một số NĐT, môi giới với lãi suất 5-7%/tháng dưới danh nghĩa cho vay đáo hạn ngân hàng. Nhưng thực ra là Như lấy tiền người sau trả cho người trước.
Theo xác định ban đầu của các cơ quan điều tra, các bị can đã chiếm đoạt từ các tổ chức tài chính cũng như cá nhân lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng. Vụ án đang được mở rộng điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo của nhóm Huỳnh Thị Huyền Như và những cá nhân, tổ chức có liên quan.
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH



Xem bài viết: Nổ tín dụng OTC: Tiền chiếm đoạt có thể lên đến 5.000 tỷ đồng