Sức ép công khai CTCK không an toàn tài chính
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, theo số liệu các CTCK báo về thì hiện có 11 CTCK vi phạm chỉ tiêu an toàn tài chính, trong đó có 4 công ty rơi vào tình trạng cảnh báo đặc biệt.
Chế tài xử lý các CTCK vi phạm chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) chưa được áp dụng, trong khi nguy cơ giải thể của nhiều CTCK là có thực. Đó là một rủi ro lớn cho cả cổ đông lẫn khách hàng của các đơn vị này.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo UBCK cho biết, dù Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định về tỷ lệ ATTC và các biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu ATTC có hiệu lực từ tháng 4/2011, nhưng phải 1 năm sau đó, những chế tài áp dụng đối với các CTCK không đáp ứng đủ các chỉ tiêu ATTC mới có hiệu lực. Quy định hiện tại chỉ buộc CTCK thực hiện chế độ báo cáo.
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, theo số liệu các CTCK báo về thì hiện có 11 CTCK vi phạm chỉ tiêu ATTC (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%), trong đó có 4 công ty rơi vào tình trạng cảnh báo đặc biệt (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%). Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, đây là con số CTCK tự tính toán và báo cáo, không ngoại trừ trường hợp có CTCK tính toán không đúng quy định. Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, một số CTCK bằng cách hạch toán không đúng bản chất của tài sản - nguồn vốn đó, ví dụ gần đến ngày báo cáo có thể lập lại hợp đồng vay - cho vay vốn để thành khoản vay - cho vay dưới 90 ngày, dù thực tế đó có thể là nợ quá hạn, thậm chí đẩy nhiều khoản mục sang tài khoản ngoại bảng, khoanh vùng một số khoản nghĩa vụ tài chính đang tranh chấp…
Trên thực tế, có CTCK dù đang vướng vào tình trạng pháp lý với khoản nợ tiềm tàng lớn như trường hợp của CTCK Hà Thành, nhưng chỉ tiêu ATTC vẫn "đẹp" với lý do là Công ty đang có tranh chấp, chưa có phán quyết cuối cùng về việc xác định được nghĩa vụ tài chính của cá nhân ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT hay của Công ty, nên khoản nợ được tạm thời tách riêng. Một số CTCK khác dù đang vướng kiện cáo với bên thứ 3 trong việc xác định nghĩa vụ tài chính ở hợp đồng ba bên hỗ trợ tài chính cho NĐT, nhưng để ngoại bảng, không tính vào chỉ tiêu ATTC nên báo cáo chỉ tiêu ATTC vẫn an toàn.
"Về bản chất, Thông tư 226 giống như một công cụ để CTCK tự 'khám bệnh' cho mình, để từ đó có hướng điều chỉnh cho phù hợp, nên nếu CTCK cố tình không khai báo đúng hoặc không tuân thủ thì UBCK khó giám sát và thiệt thòi trước hết là cho chính các cổ đông của công ty đó", ông Sơn cho biết. Quy định hiện nay không bắt buộc CTCK nói chung phải công khai tình trạng ATTC của mình, CTCK chỉ phải công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo soát xét 6 tháng, nên sức ép buộc công bố thông tin về ATTC nên đến từ các cổ đông của chính CTCK đó.
"Rất nhiều CTCK đã là công ty đại chúng, nên cổ đông hãy yêu cầu công ty mình đầu tư phải minh bạch chỉ tiêu ATTC. Đây sẽ là động lực giúp CTCK khỏe mạnh hơn và cũng để tránh tình trạng cổ đông bị động khi CTCK mình đầu tư vào bất ngờ giải thể hoặc phá sản", ông Sơn nói.
Trên thực tế, minh bạch sức khỏe các CTCK không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi của chính các cổ đông, mà còn là công cụ quan trọng để các NĐT trên thị trường xem xét "chọn mặt gửi vàng" khi mở tài khoản. Đơn cử, việc khách hàng tại CTCK SME không rút được tiền ngay khi có yêu cầu đã xảy ra. Dù Chủ tịch HĐQT SME lên tiếng khẳng định đó chỉ là sơ suất nghiệp vụ, chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về tình trạng minh bạch tài khoản tiền gửi khách hàng tại đây. Nếu CTCK không sử dụng tiền của NĐT thì tiền phải nằm ở ngân hàng, không liên quan đến tình hình tài chính của CTCK và vì thế, NĐT có thể rút khoản tiền này bất kỳ lúc nào.
Yêu cầu CTCK tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT đã được UBCK đưa ra từ lâu, nhưng thực hiện đến đâu vẫn chưa có một báo cáo rõ ràng. Trong khi đó, nếu đọc BCTC 6 tháng đầu năm của CTCK sẽ thấy, tại nhiều CTCK, số dư tiền gửi NĐT không được tách bạch trong cả BCTC lẫn thuyết minh BCTC.
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, bên cạnh những CTCK có tiềm lực tài chính mạnh, có thể cầm cự trước khó khăn, thì nhiều CTCK có quy mô vốn nhỏ đang đứng trước nguy cơ giải thể. Một phép tính đơn giản, chi phí hoạt động tối thiểu của CTCK khoảng 500 triệu đồng/tháng, tức một năm khoảng 6 tỷ đồng. Sau 3 năm hoạt động, doanh thu gần như không có, nhiều công ty vốn điều lệ 35 tỷ đồng hiện chỉ còn vốn chủ chưa tới 10 tỷ đồng, tức là chỉ đủ duy trì tình trạng hoạt động tối thiểu trong khoảng 1 năm nữa, nếu TTCK không tăng mạnh trở lại. Đây là những CTCK đang ở tình trạng "chết lâm sàng", nhưng chưa có cơ chế để UBCK buộc phải giải thể. Ở những CTCK này, cơ chế giám sát không tốt sẽ rất khó để biết được tài sản NĐT có bị ảnh hưởng hay không, nếu một ngày CTCK tuyên bố ngừng hoạt động.
Ở vai trò khách hàng, NĐT thường không quan tâm đến tình trạng tài chính của CTCK ra sao, mà quan trọng nhất là khả năng an toàn tài sản của họ đang được CTCK quản lý. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, CTCK ngừng hoạt động thì ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của NĐT nếu công ty lạm dụng tiền gửi của khách hàng?
Trong bối cảnh khó khăn mọi bề của CTCK, nguy cơ giải thể các đơn vị có tiềm lực tài chính và quản trị rủi ro kém đang hiển hiện. Trong khi chưa có cơ chế giám sát 100% các CTCK nhằm bảo đảm an toàn tài sản của NĐT, thì việc minh bạch chỉ tiêu ATTC là điều nên làm. NĐT và các cổ đông của CTCK cần lên tiếng, khuyến khích DN công khai tình hình tài chính để hoạt động minh bạch và giảm bớt rủi ro cho tất cả các bên.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Sức ép công khai CTCK không an toàn tài chính