Vietstock Daily 29/09: Tâm lý e ngại rủi ro đang dâng cao

(Vietstock) – Tâm lý e ngại rủi ro của dòng tiền đầu cơ đang thể hiện khá rõ trên HNX.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 29/09/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index giảm 0.8% về mức 433.97 điểm, trong khi HNX-Index đi tăng nhẹ lần lượt 0.34% đứng tại 73.58 điểm, và VS 100 tăng nhẹ 0.34%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh bất ngờ tăng nhẹ 6.6% trên HOSE và giảm mạnh 17.7% trên HNX so với phiên giao dịch hôm qua.
Khối ngoại tiếp tục có phiên bán ròng mạnh với tổng giá tri 103.8 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng nhẹ gần 3 tỷ đồng trên HNX. Đáng chú ý là họ bắt đầu chốt lời IJC và vẫn đang đều đặn thoát khỏi VIC cùng nhiều bluechips khác.

Triển vọng thị trường: Nhóm Large Cap sụt giảm mạnh 1.64% đã kéo chỉ số VN-Index đi ngược với xu hướng tăng nhẹ của HNX-Index và VS 100.
Cổ phiếu Xây dựng có phiên tăng điểm khá mạnh 1.12% với lực cầu vẫn tập trung mạnh vào TDC và ”họ” dầu khí (nhưng thực chất là xây dựng). Trong khi đó, VCB tăng trần với dư mua khá lớn sau thông tin phát hành thêm cổ phần với mức giá khá cao cho đối tác chiến lược. Hiệu ứng này đã giúp kéo cổ phiếu ngành Ngân hàng tăng 0.81%.
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán gần như đi ngang khi giảm nhẹ 0.07%. Đáng chú ý là ngoài KLSSSI vẫn còn duy trì lực cầu, cổ phiếu các CTCK hạng vừa và nhỏ đã bị tháo hàng rất mạnh, đặc biệt là trên HNX. Trong khi đó, Bất động sản giảm đến 0.93%, bất chấp một số cổ phiếu như HQC, PVL... vẫn đang thu hút dòng tiền đầu cơ.
Thị trường bật tăng khá mạnh vào đầu phiên trước hàng loạt yếu tố cộng hưởng mà chúng tôi đã nhắc đến trong báo cáo hôm qua. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy tâm lý ngại rủi ro đã trở nên phổ biến hơn, khi mà áp lực xả hàng để giữ tiền mặt không ngừng gia tăng và khiến thị trường chỉ tăng không đáng kể.
Cần để ý rằng lực cầu trên HOSE trong phiên hôm nay áp đảo so với bên bán, với chênh lệch lên đến 23.5 triệu đơn vị; nhưng lượng đặt giá thấp chiếm phần lớn và không thể tạo hiệu ứng cộng hưởng tăng điểm mạnh mẽ lên chỉ số ngay cả ở thời điểm thị trường tràn ngập sắc xanh.
Trên HNX, mặc dù chỉ số chung tăng điểm nhưng lực bán đang tỏ ra lấn lướt, và như chúng tôi đề cập ở trên, tâm lý e ngại rủi ro của dòng tiền đầu cơ đang thể hiện khá rõ trên sàn này.
Với hàng loạt phiên bán ròng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, khối ngoại vẫn đang thể hiện quyết tâm duy trì tiền mặt (Dragon Capital có lẽ đang chuyển hướng sang cho vay khi thông tin công bố chính thức cho thấy họ chính là người mua 600 tỷ đồng trái phiếu của HCM). Chúng tôi nhận thấy điều này không chỉ đang diễn ra ở Việt Nam mà còn ở các nước khác, trong bối cảnh các thị trường tài chính chưa đi vào giai đoạn ổn định (nếu không muốn nói là có độ rủi ro cao). Chứng khoán châu Âu hôm nay đã nhanh chóng quay về “mặt đất” sau phiên hứng khởi quá đà vào hôm qua.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm 2012. Mặc dù chưa được NHNN công bố nhưng đã có đề xuất tăng trưởng tín dụng cho năm sau chỉ nằm trong khoảng 15%-17%.
Mô hình Định lượng Kỹ thuật của chúng tôi tiếp tục đưa ra khuyến nghị nâng tỷ lệ cổ phiếu trên cả hai sàn, hàm ý rằng cơ hội mua vào có thể xuất hiện trở lại trong tương lai gần (dù sẽ cần chờ đợi thêm các tín hiệu khẳng định). Đây có lẽ là chiến lược trading phù hợp lúc này, vì thị trường cần phải giảm liên tục vài phiên mới có thể kích thích dòng tiền đầu cơ (vốn đang ngại rủi ro) trở lại mạnh mẽ.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Tiếp tục giằng co mạnh. Mặc dù tăng khá mạnh ngay từ đầu phiên nhưng VN-Index tiếp tục điều chỉnh trong suốt phiên giao dịch khi áp lực từ các ngưỡng kháng cự bên trên vẫn rất lớn.
Khối lượng mặc dù tăng nhẹ trở lại nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình chứ chưa thực sự bứt phá. Cụ thể là khối lượng khớp lệnh ngày 28/09/2011 chỉ bằng khoảng 75% nếu so với mức trung bình 20 phiên gần nhất.
Mẫu hình nến engulfing bear xuất hiện cũng cho thấy khả năng hồi phục trở lại đang bị thách thức đáng kể.

HNX-Index – Bài test quan trọng. Giá vẫn đang tiếp tục quá trình đi ngang bên trên đường trendline chống đỡ ngắn hạn và SMA 100. Tuy nhiên, sự trồi sụt thất thường của thanh khoản khiến cho nguy cơ phá vỡ cùng lúc cả hai ngưỡng chống đỡ này ngày càng nâng cao.
Các chỉ số dao động (momentum) như Stochastic Oscillator, Relative Strength Index... đều đã điều chỉnh mạnh nhưng vẫn chưa tới vùng oversold. Vì vậy, khả năng rơi tiếp là vẫn có thể.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng nhẹ (+0.34%) trong phiên giao dịch ngày 28/09/2011, VS 100 tiếp tục duy trì ở vùng khá nhạy cảm.
Chúng tôi thực sự lo ngại nếu VS 100 không bứt phá trong vài phiên tới. Nó cho thấy động lực tăng trưởng đang ngày càng yếu đi và khả năng thất bại của Double Bottom đang trở nên gần hơn.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 28/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 1.8, tức số mã tăng giá bằng 1.8 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 2.89, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 2.89 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 1.22 lần và VS-U/D HNX bằng 0.98 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.95.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Thời điểm quan trọng sắp đến. Khoảng cách giữa DJIA và SMA 50 đã bắt đầu thu hẹp đáng kể sau phiên bứt phá ngày 27/09/2011. Điều này hứa hẹn cho một breakpoint chiến lược có thể xuất hiện.
Những cây nến xanh, dài xuất hiện trong những phiên giao dịch gần đây cho thấy động lực tăng trưởng của thị trường Mỹ đang được cải thiện rõ rệt. Khả năng trong vài phiên tới thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tích cực nhờ vào sự vững chắc của Fibo Retracement 261.8%.
Dài hạn – Ngày càng tích cực. Phân kỳ giá lên (bullish divergence) không chỉ xuất hiện trên Swing Trd 2 mà còn ở cả trên Rahul Mohindar Osc. Điều này sẽ giúp hình thành lực đẩy để giá tiếp tục quá trình hồi phục.
Khối lượng cũng duy trì ở mức khá tốt nên triển vọng tăng trưởng đang được nâng cao.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 28/09/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 29/09: Tâm lý e ngại rủi ro đang dâng cao