Vietstock Weekly 19 - 23/09: Chốt lời để mua lại?
(Vietstock) – Dường như chu kỳ tăng điểm của TTCK Việt Nam đang rút ngắn đáng kể. Cùng với hoạt động giao dịch trong phiên, có lẽ chiến thuật đầu cơ ngắn hạn sẽ trở thành một trào lưu trong năm nay.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TUẦN QUA
Kinh tế thế giới
Mỹ: Kế hoạch tạo việc làm trị giá 447 tỷ USD của Tổng thống Barack Obama nhận được sự ủng hộ của Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chuyên gia kinh tế. Theo phân tích, kế hoạch này sẽ cộng thêm 2% vào tăng trưởng GDP năm 2012 và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp bớt 1% ở Mỹ.
Trong khi kế hoạch kích thích việc làm vẫn chưa được thông qua thì số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn đang liên tục tăng lên. Theo thống kê, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua tăng thêm 4,000 lên 419,500.
Điểm sáng tích cực là sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 0.2% trong tháng 8, khả quan hơn dự báo không thay đổi của các nhà kinh tế và đánh dấu tháng gia tăng thứ 4 liên tiếp. Ngoài ra, thâm hụt tài khoản vãng lai giảm xuống còn 3.1% GDP trong quý 2, so với con số 3.2% GDP hồi quý 1.
Châu Âu: Vòng xoáy khủng hoảng nợ công đang dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước nội vi và gây hoang mang đến thị trường tài chính toàn cầu. Hiện Ý có thể được xem là nạn nhân tiếp theo trong sự càn quét của vòng xoáy này.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel, đang lo ngại về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp và “hiệu ứng domino” của nó đến sức khỏe yếu kém của các nền kinh tế trong khu vực. Mặc dù mọi công cụ sẽ được sử dụng để ngăn chặn điều này, nhưng Thủ tướng Đức vẫn để ngỏ khả năng phá sản của Hy Lạp khi cần phải ngăn chặn mọi diễn biến không kiểm soát nổi trong khối đồng tiền chung châu Âu.
Mối quan ngại này không chỉ nằm ở châu Âu, mà Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ.
Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính châu Âu (EFC) hối thúc các bộ trưởng tài chính củng cố nguồn vốn của các ngân hàng, đồng thời cảnh báo khủng hoảng nợ đang tác động xấu đến hệ thống ngân hàng và có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng mới.
Trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng mới này, 5 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố sẽ cung cấp thêm các khoản vay kỳ hạn 3 tháng bằng USD cho các ngân hàng thương mại, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng do cuộc khủng hoảng nợ hiện nay tại châu Âu. Thị trường tài chính thế giới hiện đang phản ứng tích cực với diễn biến mới này.
Châu Á: Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào lên đến 3,000 tỷ USD, Trung Quốc hiện được xem là nhân tố tích cực, có khả năng xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn những điều kiện có lợi để ra tay “cứu giúp”, mà cụ thể là việc kêu gọi sự công nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc sớm hơn vài năm so với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nếu điều này được thông qua, Trung Quốc sẽ có cơ hội tiến nhanh vào thị trường khá màu mỡ châu Âu mà không còn bị phân biệt đối xử như hiện nay. Có thể nói, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang mang lại nhiều cơ hội hơn cho nền kinh tế Trung Quốc như khả năng hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường các nước phát triển và đa dạng hóa được nguồn dự trữ khổng lồ bằng USD trong bối cảnh đồng USD đang trên đà mất giá như hiện nay.
“Sức mạnh nằm trong tay kẻ lắm tiền” có thể được xem là hình ảnh minh họa sống động cho nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh không thể cứu mọi quốc gia và các nước phải tự cứu mình thông qua các biện pháp cái tổ. Hiện Trung Quốc đang xem xét các điều kiện để mua trái phiếu Ý, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực eurozone.
Kinh tế trong nước
“Làm căng” trần lãi suất huy động: Phép thử của NHNN?
Lãi suất huy động linh hoạt được xem là công cụ cạnh tranh chính giữa các NHTM trong thời gian dài. Trong điều kiện thiếu vốn như những tháng đầu năm đến nay, lãi suất huy động này ở nhiều ngân hang đã bị đẩy lên mức cao ngất ngưỡng để “giành giật” dòng vốn khiêm tốn từ dân cư, cũng như giữ vững thị phần.
NHNN từ lâu đã khẳng định sẽ tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động 14%/năm, điểm mới là cơ quan này gần đây đã thể hiện các chế tài kiểm soát rất chặt chẽ.
Có lẽ hơn ai hết NHNN hiểu rằng đây chỉ là bước đi dạo đầu nhằm thăm dò phản ứng của thị trường tài chính, cũng như sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Thực tế, “phép thử” của NHNN đã khá hiệu nghiệm khi những yếu kém hệ thống đã được thể hiện rõ nét.
(1) Vẫn có các NHTM vượt rào, bất chấp những nỗ lực bình ổn của NHNN. Lãi suất liên ngân hàng tăng cao hơn lãi suất huy động từ dân cư càng cho thấy sự bức thiết về nhu cầu thanh khoản ở nhiều ngân hàng.
(2) Hình thức lách luật khá tinh vi đã xảy ra, khi nhiều NHTM áp dụng mức lãi suất trần huy động 14%/năm cho tất cả các loại tiền gửi kỳ hạn và không kỳ hạn. Lý do cho hành động này có thể là để giữ thị phần, nhưng quan trọng hơn vẫn là vấn đề thanh khoản.
(3) Có thông tin cho thấy dòng tiền từ kênh tiết kiệm chảy ra khỏi hệ thống và tìm đến các kênh đầu tư khác. Có thể lý giải là niềm tin vào đồng nội tệ bị sụt giảm hoặc cú sốc tâm lý khi chuyển từ mức lợi nhuân cao ngất ngưỡng sang mức lợi nhuận thấp hơn. Ngoài ra, sự hấp dẫn của TTCK và kênh đầu tư vàng cũng là một yếu tố quan trọng.
Tuần trước, chúng tôi có đề cập đến những biến động trên thị trường liên ngân hang cũng như mức độ tiếp cận rộng rãi khoản vay lãi suất 17 – 19% như là những dấu hiệu cho một sự ổn định trên thị trường tiền tệ. Mọi việc nay có vẻ tốt hơn tí chút, nhưng xem ra sẽ phải cần một thời gian nữa kỳ vọng này mới đến.
Vàng: Dấu hiệu đầu cơ tăng cao
Quyết định cho nhập khẩu vàng của NHNN đã phần nào hạ nhiệt được sức nóng đầu cơ trên thị trường vàng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, những biến động của vàng thế giới và tâm lý e ngại (bao gồm cả yếu tố niềm tin vào tiền đồng) đã đẩy hoạt động đầu cơ trên thị trường này tăng mạnh. Hiện chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước đã ở xung quanh mức 2 triệu đồng/lượng. Hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng đang tạo áp lực nhất định lên tỷ giá tiền đồng, khi trong tuần đã có lúc tỷ giá USD/VND đã vượt 21,000.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thị trường đã quay đầu giảm điểm sau hai tuần liên tục bứt phá mạnh mẽ. VN-Index có tuần giảm 0.61% đứng tại 457.11 điểm, HNX-Index giảm 2.47% xuống mức 74.88 điểm, trong khi đó chỉ số VS 100 giảm mạnh 4.03%.
Diễn biến đáng chú ý trong tuần
(1) Trong các chỉ số VS-Market Cap chỉ VS-Mid Cap giảm điểm mạnh 3.2%, còn các chỉ số còn lại đều cải thiện nhẹ khi VS-Large Cap tăng 0.14%, VS-Small Cap tăng 0.09% và VS-Micro Cap tăng 0.04%.
(2) Giao dịch gia tăng mạnh mẽ trong những phiên giao dịch đầu tuần đã đẩy lượng khối lượng giao dịch hai sàn tăng mạnh trên HOSE và HNX, lần lượt ở mức 27.3% và 12.1%. Càng về cuối tuần, khối lượng khớp lệnh đã dần sụt giảm, dù vẫn giữ ở mức khá tốt so với trước đây.

(3) Khối ngoại bán ròng ồ ạt trong trọn tuần với tổng giá trị 692 tỷ đồng, bao gồm bán ròng 696 tỷ đồng trên HOSE nhưng lại mua ròng nhẹ 4 tỷ đồng trên HNX.
(4) Giao dịch khối ngoại gia tăng đột biến trên HOSE. Tổng giá trị mua đạt 1,066 tỷ đồng; trong khi tổng giá trị bán lên tới 1,762 tỷ đồng và chiếm đến hơn 30% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong tuần.
• Một số cổ phiếu được mua - bán mạnh là do sự thay đổi cơ cấu cổ phiếu, cụ thể quỹ Deutsche Bank – FTSE Vietnam Index X-Trackers mua vào thêm MSN, IJC, trong khi bán ra FPT, HSG. Có thông tin Van Eck Global – Market Vectors Vietnam cũng bán ra FPTHSG. FTSE sẽ thêm vào chỉ số FTSE Vietnam All-Share Index cổ phiếu PNJ, trong khi sẽ loại bỏ các cổ phiếu AGR, MPC, CTD, LSS, SBS, CSM, HQC; tuy vậy chúng tôi chưa nghe nói đến việc chỉ số này được các quỹ ETF sử dụng cho việc đầu tư theo chỉ số.
• Trong tuần, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC với tổng giá trị 190 tỷ đồng, tiếp theo là FPT với 179 tỷ đồng. Trong khi đó, họ mua ròng mạnh nhất MSNPNJ với tổng giá trị lần lượt 53.9 tỷ và 53.4 tỷ đồng.
(5) Hầu hết các mã được khối ngoại giao dịch nhiều trong tuần đều có thể dự đoán trước được (và Vietstock đã đề cập đều này). Vì vậy, trên thị trường đã xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư trong nước mua bán đu theo các giao dịch của khối ngoại.
(6) Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với 18/24 ngành. Các ngành nóng như Bất động sản, Chứng khoán, Chứng chỉ quỹ, Ngân hàng đều giảm điểm mạnh lần lượt ở mức 6.12%, 5.23%, 5.32% và 4.07%. Trong khi đó, BVH tăng điểm mạnh liên tục trong tuần đã kéo chỉ số Bảo hiểm tăng mạnh 12.18%.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 19/09 – 23/09/2011
BVHMSN tăng trần liên tục trong tuần giúp chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ; trong khi VS 100 cho thấy xu hướng thực sự của thị trường là giảm mạnh, khi chỉ số này đã mất tới 4.03%.
Điểm nhấn của thị trường trong tuần là giao dịch bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Phiên cuối tuần, tính tổng cộng cả trái phiếu, là phiên bán ròng mạnh mẽ thứ hai kể từ đầu năm đến nay của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, thống kê cho thấy tổng giá trị bán trong tuần của khối ngoại đã chiếm đến hơn 30% tổng giá trị giao dịch trên HOSE. Hoạt động bán mạnh mẽ nhắm vào các mã bluechips và ảnh hưởng mạnh đã đẩy tâm lý trên HOSE đi vào bi quan, đặc biệt là trong phiên cuối tuần.
Việc bán ra mạnh mẽ và dứt khoát của khối ngoại khi thị trường tăng điểm đang làm dấy lên lo ngại về việc nhóm này đang tái cấu trúc danh mục đầu tư nhằm thoái vốn. Việc thoái vốn của các quỹ đóng ở Việt Nam không phải là chủ đề mới, và điều này rõ ràng là có ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Với triển vọng vĩ mô trong nước và thế giới chưa hoàn toàn sáng sủa, việc huy động thêm vốn đang trở nên rất chông gai, nếu không muốn nói là không thể. Các quỹ đầu tư hiện chỉ có thể gia tăng tái cơ cấu danh mục để cải thiện hiệu quả. Cũng cần để ý thêm là các quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang bị giao dịch chiết khấu rất cao (trung bình các quỹ của VinaCapital bị chiết khấu trung bình đến 43%).
Điểm thú vị trong tuần là chúng tôi nhận thấy việc giao dịch trong phiên đã xuất hiện dày đặc hơn, đặc biệt là trên HNX. Một trong những lý do để bên bán đẩy mạnh thoát hàng là thông tin giá điện trong vài tháng tới có thể tăng mạnh. Chúng tôi đã nghe giới đầu tư bàn tán thông tin này trong tuần trước, nhưng không hiểu sao lại tiếp tục xuất hiện lại trong tuần này.
Công bằng mà nói, thị trường đã tăng nóng trong thời gian qua và hoạt động chốt lời trước một vài thông tin tiêu cực (được nhắc lại) cũng không có gì là bất ngờ. Có lẽ nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng giá khó hơn là giảm giá, và việc chốt lời để canh mua lại không phải là có lý.
Với trạng thái này, khối lượng giao dịch có khả năng sẽ tiếp tục sụt giảm trong các phiên đầu tuần sau, trước khi giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn như cuối tháng 7 và kích thích dòng tiền trở lại.
Chúng tôi cũng nhận thấy dường như chu kỳ tăng điểm của TTCK Việt Nam đang rút ngắn đáng kể. Cùng với hoạt động giao dịch trong phiên, có lẽ chiến thuật đầu cơ ngắn hạn sẽ trở thành một trào lưu trong năm nay.
Tuần giao dịch tới, thông tin CPI tháng 9 sẽ được công bố. Chúng tôi đang nghe giới đầu tư thảo luận con số 0.7 – 0.8%, và nếu như vậy thì nhận định CPI đã tạo đỉnh có khả năng trở thành hiện thực. CPI sẽ khó sụt giảm mạnh, nhưng nếu như vậy thì cũng đã phát đi tín hiệu dịu trở lại.
CPI sẽ là thông tin quan trọng để NHNN có hành động mạnh mẽ hơn trên thị trường tiền tệ (hơn là biện pháp hành chính hiện tại) để kéo giảm lãi suất. Các biện pháp trên thị trường mở và tái cấp vốn sẽ là hành động mà giới đầu tư đang kỳ vọng NHNN sẽ thực hiện.s
Thông tin về cuộc họp của FED bàn về các giải pháp kích thích kinh tế Mỹ cũng là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu. Và nếu các biện pháp kích thích được thông qua thì rõ ràng sự phục hồi tiếp tục của thị trường chứng khoán thế giới là hoàn toàn có thể xảy ra.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Có thể phá vỡ trở lại SMA 300. Giá trị hiện nay của SMA 300 là 455.77, điều này có ý nghĩa là ngưỡng này chỉ còn cách VN-Index không đầy 2 điểm (giá trị hiện tại của VN-Index là 457.11 điểm). Đây là một khoảng cách rất dễ bị thu hẹp trong vài phiên tới nếu như thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh như trong các phiên vừa qua.
Chỉ số ADX bắt đầu đi ngang và có dấu hiệu tạo đỉnh. Hai đường +DI và –DI đang dịch chuyển về gần nhau với tốc độ rất nhanh và có thể sẽ có tín hiệu bán mạnh nếu tốc độ này duy trì trong những phiên đầu tuần.
VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ của SMA 300 tại vùng 455 – 457 điểm. Nếu vùng này bị phá vỡ, một đợt điều chỉnh mới trong ngắn hạn sẽ bắt đầu.

HNX-Index – Phân kỳ giá xuống đã hoàn thành. Mẫu hình nến Engulfing Bear đã báo hiệu khá chính xác sự hoàn thành của phân kỳ giá xuống %BBs. Tín hiệu này rất có thể sẽ kéo theo một sự điều chỉnh vào đầu tuần sau.
Khối lượng giảm trung bình 10 triệu đơn vị/phiên trong 2 phiên vừa qua cho thấy sự hưng phấn của giới đầu tư phần nào đã hạ nhiệt. Mặt khác, trung bình khối lượng 20 ngày đang ở mức 45 triệu đơn vị/phiên. Nếu tiếp tục sụt giảm với tốc độ như hiện nay, tín hiệu bán của volume system cũng sẽ xuất hiện.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Như chúng tôi đã từng đề cập, sự suy giảm liên tục của chỉ số này đe dọa sự thành công của Double Bottom. Với phiên giảm mạnh ngày 16/09/2011 (-2.24%), VS 100 đã dịch chuyển xuống bên dưới đường trendline của mẫu hình và có thể là dấu hiệu báo trước cho sự không thành công này.
Nếu giá tiếp tục giảm trong những phiên tới thì việc “cut loss” và thoát ra khỏi thị trường là cần thiết.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 16/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.16, tức số mã tăng giá bằng 0.16 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.06, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá chỉ bằng 0.06 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.25 lần và VS-U/D HNX bằng 0.11 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.35.
Những tín hiệu này cho thấy có khả năng trong vài phiên tới thị trường sẽ tiếp tục có rung lắc mạnh.

IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 12/09 – 16/09/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 19 - 23/09: Chốt lời để mua lại?