Chưa đàm phán được giá điện: DN lúng túng, cổ đông bức xúc
Trong khi các doanh nghiệp ngành điện khác như CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC)… đã được phê duyệt giá điện năm 2010, thì giá điện của CTCP Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) vẫn đang bỏ ngỏ.
Nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư sản xuất điện vì cho rằng giá điện sẽ được điều chỉnh tăng

Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng vì không hạch toán được kết quả kinh doanh năm 2010, cũng như lập kế hoạch kinh doanh năm 2011. Vì thế, VSH cũng không thể tổ chức ĐHCĐ năm 2011, khiến cổ đông bức xúc.
Trên thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và VSH đã nhiều lần ngồi với nhau để thống nhất về giá điện, thế nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết, do cả hai bên chưa thể thỏa thuận chốt được giá cuối cùng. Theo lãnh đạo VSH, giá điện EVN đưa ra là chưa hợp lý (thấp).
Từ năm 2010 trở về trước, hợp đồng mua bán điện giữa EVN với các doanh nghiệp sản xuất điện là loại hợp đồng thương mại được đàm phán giữa hai bên trên cơ sở giá thành sản xuất và mức lợi nhuận biên. Tuy nhiên, ngày 14/12/2010, Bộ Công thương ban hành Thông tư 41/2010/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, thì cách tính giá điện đã có sự điều chỉnh. Điều 10 của Thông tư 41 quy định, giá đặc thù do hai bên thỏa thuận trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện gồm giá cố định đặc thù bình quân và giá biến đổi đặc thù năm cơ sở. Hiện VSH đang làm việc với Bộ Công thương để các bên cùng ngồi lại thỏa thuận, nhằm đi đến quyết định cuối cùng về giá điện có tính khả thi nhất.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, sở dĩ TBC được phê duyệt giá điện năm 2010 là do TBC đã được EVN cho gia hạn hợp đồng giá điện từ năm 2009. Như vậy, giá điện của TBC trong năm 2010 vẫn là 530 đồng/kWh, trong khi VSH thì đang tạm tính giá điện 2010 bằng 90% giá điện bình quân của năm 2009, tương đương với 506,7 đồng/KWh.
Đại diện VSH cho rằng, lý do EVN chỉ chấp nhận gia hạn hợp đồng giá điện cho TBC, mà chưa gia hạn cho VSH là do sản lượng điện của VSH cao hơn nhiều so với TBC. Do vậy, khả năng EVN cho VSH gia hạn hợp đồng giá điện là khó, chưa nói đến việc EVN sẽ tăng giá mua điện. Hơn nữa, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2011, EVN lỗ 3.500 tỷ đồng. Vì điều này, VSH rất thận trọng trong việc tạm tính giá điện năm 2010 và 2 quý đầu năm 2011.
Một cổ đông lớn của VSH cho hay, EVN tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt thêm 15,32% từ ngày 1/3/2011. Theo đó, giá bán điện bình quân mới là 1.242 đồng/Kwh (chưa bao gồm VAT), tăng 165 đồng/Kwh, nhưng lại không tăng giá điện đầu vào cho doanh nghiệp là điều vô lý. Cổ đông này lo ngại, EVN có lợi thế độc quyền trong phân phối điện nên khả năng tăng giá là rất khó. Chỉ khi nào Việt Nam tái cơ cấu ngành điện, không còn độc quyền và có người điều tiết thì mới giải quyết được cơ chế mua bán điện giữa EVN và các doanh nghiệp sản xuất điện.
Liên quan đến vấn đề này, EVN cho biết, giữa EVN với một số doanh nghiệp cung cấp điện chưa thể thống nhất được với nhau về giá điện là do các doanh nghiệp sản xuất yêu cầu một mức giá cao hơn năm trước. Trong khi đó, EVN không chấp nhận vì đang bị lỗ và bị giới hạn bởi một mức giá khi đàm phán theo quy định của Bộ Công thương. Ngoài ra, EVN cũng phải so sánh mức tương quan giá mua điện của các doanh nghiệp khác.
Lãnh đạo VSH cho rằng, nếu giá bán điện không tăng thì việc tích lũy tài chính để xây dựng các dự án Thượng KonTum và Vĩnh Sơn 2 - 3 của Công ty sẽ gặp nhiều khó khăn về vốn đối ứng 30% để vay ngân hàng. Chưa kể vì điều này, VSH lo ngại nhà đầu tư "quay lưng" lại với cổ phiếu của Công ty.
Sự chậm trễ trong việc đàm phán giá điện của VSH đang là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư, bởi giá điện tăng - giảm đều ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty. Trong trường hợp giá đàm phán thấp hơn cả giá tạm tính thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị giảm, tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Làm thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên là điều không dễ, câu trả lời đang nằm ở quyết định của EVN.
Hoàng Anh
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Chưa đàm phán được giá điện: DN lúng túng, cổ đông bức xúc