“Ai” nên đứng ra "gom" vàng trong dân?
Chủ trương “gom” vàng từ dân đang được rất nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường vàng bớt nóng ở thời điểm này. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp kỹ thuật của cơ quan quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng nên đề Ngân hàng thương mại (NHMTCP) đứng ra huy động hơn là để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tham gia công việc kinh doanh.
Có lãi là dân sẽ gửi
Tính toán của NHNN cho thấy, số lượng vàng được người dân cất trữ khoảng tư 300-500 tấn tương đương 40-50 tỷ USD. Đây là một nguồn lực đáng kể nhưng lại không được sử dụng để tạo ra của cải vật chất, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, mà chạy quanh giữa những kênh đầu tư tài chính.
Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Nhà nước sử dụng vàng gửi của dân để kinh doanh và can thiệp vào thị trường, tăng dự trữ là điều rất tốt. Khi gửi vàng vào ngân hàng, quyền lợi của người dân không bị giảm sút, không bị ảnh hưởng trong khi Nhà nước sử dụng hoàn toàn được số vốn đó.
Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, đây là một chủ trương đúng đắn, cùng với việc quản lý vàng chặt chẽ bằng một Nghị định sẽ bảo đảm được tối đa quyền lợi của người dân, bình ổn được thị trường.
Tuy nhiên, ông Kiêm cũng cho rằng, vấn đề vẫn nằm ở chỗ NHNN làm thế nào để khiến nhiều người dân tự nguyện đem vàng của mình “gửi gắm” cơ quan này mà không nơm nớp lo sợ bị trượt giá so với thị trường bên ngoài.
“Theo tôi, lãi suất chính là vấn đề mấu chốt, nếu NHNN tính toán với mức lãi suất phù hợp chắc chắn người dân không dại gì cất giữ trong két sắt của mình vừa không an toàn, vừa không thể có lãi suất phát sinh, tất cả lời lãi họ chỉ trông chờ giá lên xuống của thị trường”, ông Kiêm nhận định.
Nguyên một cán bộ của NHNN bày tỏ, việc tính toán lãi suất với vàng cũng nên thận trọng và kỹ càng, bởi vàng không giống như một phương tiện thanh toán giản đơn như tiền đồng Việt Nam, hay đôla Mỹ, mà còn là phương tiện tích trữ quốc gia nên có tính đặc thù riêng là phụ thuộc tình hình của thế giới.
“Nếu như ở nước ngoài người ta gửi vàng hay một số tài sản giá trị tại các ngân hàng họ đều phải mất phí, nhưng tại Việt Nam lại ngược lại, ngoài nhiều khoản chi phí ngân hàng huy động đều phải trả thì nay lại tính cả lãi cho vàng khi thu gom được, đó cũng là đặc thù riêng của chúng ta”.
Vị này cũng cho biết thêm, gửi vàng vào ngân hàng quyền lợi của người dân không bị giảm sút, không bị ảnh hưởng trong khi Nhà nước sử dụng hoàn toàn được số vốn đó. Và tất nhiên khi giá vàng tăng, NHNN giữ vàng có lời và người dân gửi vàng cũng có lời vì lãi suất trả cho dân là theo phần trăm.
“Ngoài việc tính toán lãi suất hàng tháng, khoản chênh lệch khi giá vàng lên cao cũng cần minh bạch rõ ràng sẽ khiến người dân yên tâm hơn với phương án gửi vàng trong các ngân hàng”, nhân vật này nói.
Nên để Ngân hàng TMCP “gom”
Dự kiến NHNN sẽ thông qua hệ thống đại lý của mình là các tổ chức tín dụng để “gom” vàng. Tuy nhiên cơ quan này cũng chưa khẳng định cụ thể các biện pháp kỹ thuật để xử lý đầu vào của vàng. Nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc để ngân hàng thương mại đứng ra huy động là phù hợp trong bối cảnh này.
Bởi theo ông Kiêm, Ngân hàng Thương mại đảm đương tốt việc này vì các cơ sở vật chất hiện có là của đơn vị kinh doanh nên có vốn, có nguồn nhân lực và việc tính toán lỗ lãi sẽ “sát sườn” hơn là để NHNN tham gia khi chỉ với vai trò là một cơ quan quản lý.
“Vấn đề vẫn là sự minh bạch, rõ ràng và chặt chẽ hơn trong cách quản lý thu gom sẽ hạn chế được việc lạm dụng nguồn vốn như thời gian trước đây, thêm nữa việc trả vàng khi người dân có nhu cầu thì hệ thống ngân hàng cũng nên đáp ứng bằng cách thông qua chứng chỉ”, ông Kiêm cho hay.
Đồng tính với ý kiến trên, vị nguyên cán bộ NHNN cũng thẳng thắn: tốt nhất nên thành lập một quĩ vàng thay thế cho người giữ, cấp chứng chỉ để khi cần có thể qui ra vàng. Khi có chứng chỉ, người dân có đầy đủ tư cách pháp lý để thực hiện mọi hoạt động giao dịch vàng trên thị trường như: mua bán, trao đổi, thế chấp. NHNN phải đảm bảo bất cứ lúc nào người dân muốn rút vàng đều có vàng, nếu như vậy người dân sẽ rất an tâm.
Ở một khía cạnh khác, ông Đỗ Minh Phú, Tổng giám đốc công ty vàng bạc đá quý DOJI cho rằng: Để sử dụng nguồn vàng huy động có hiệu quả thì NHNN nên có công cụ phòng ngừa rủi ro. Cả doanh nghiệp hay ngân hàng nếu không chạy theo lợi nhuận chỉ cần ký quỹ 10% giá trị của vàng cũng như lệnh mua-bán được tiếp nhận thì sẽ tránh được rủi ro như thua lỗ của người dân thời gian qua./.
Hà Vĩnh
tổ quốc



Xem bài viết: “Ai” nên đứng ra "gom" vàng trong dân?