Lời 'sấm' cho các ngân hàng thương mại
Trong bối cảnh dư thừa vốn, nếu ngân hàng vẫn còn làm cao với "thượng đế" thì e rằng, đến một lúc nào đó, mối quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng có thể ứng với lời sấm "Trạng chết, chúa cũng băng hà".
Động thái khác thường của Ngân hàng nhà nước
Chưa đầy hai tuần kể từ ngày 26/8/2011, khi Ngân hàng nhà nước họp thăm dò ý kiến 12 ngân hàng lớn tại Hà Nội, đến nay tình hình đã thay đổi đến chóng mặt (ít ra cũng trong con mắt giới ngân hàng). Trước đó, tính chất "thăm dò" từ cuộc họp trên đã không làm cho nhiều người tin tưởng vào khả năng kéo giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19% như tuyên bố của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Khả năng này lại càng khó hiện thực hơn nữa với quá trình nhiều ngân hàng liên tục vi phạm trần lãi suất huy động 14% từ mấy tháng qua mà không bị xử lý gì.
Bởi thế, khi xuất hiện thông tin về một số "anh cả" như Eximbank (EIB), Techcombank, BIDV... hạ lãi suất cho vay xuống đúng khu vực 17-19%, thậm chí BIDV còn tiên phong trong việc chốt mức lãi suất cho vay thấp nhất - 15% và kể cả công khai việc cho vay đối với chứng khoán và bất động sản, một làn không khí ngạc nhiên lan truyền trong giới kinh doanh và xã hội.
Cuộc họp tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước với tất cả các ngân hàng trên toàn quốc vào ngày 7/9/2011 cũng gần tương tự như cuộc họp trước đó: không công bố những giải pháp, biện pháp cụ thể về hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên về tính chất thì lại khác hẳn: đây là cuộc họp không còn mang tính thăm dò nữa, mà nhằm quán triệt để thực hiện.
Cùng lúc, Chỉ thị 02 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành, nhấn mạnh đến việc xử lý vi phạm đối với những ngân hàng, tổ chức tín dụng huy động vượt lãi suất 14%, đã tạo nên một sự khác lạ về tố chất dứt khoát trong công tác chế tài. Sự nhấn mạnh trên cũng đề cập đến cả những chi nhánh ngân hàng nước ngoài - khu vực từng được xem là "lãnh địa riêng" khó có thể xâm phạm.
Mức lãi suất cho vay cao ngất ngưởng đã chính thức bị giã từ

Ngay trong ngày 7/9, Chỉ thị 02 đã có tác dụng. Không khí chào mời lãi suất thỏa thuận với khách hàng xẹp hẳn tại các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhỏ. Một số khách hàng có số tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên, vốn đã quen được ưu ái với mức lãi suất tiết kiệm 18-19%, nay "năn nỉ" ngân hàng với mức 16-16,5% nhưng cũng không thể nhận được cái gật đầu dễ dãi như trước.
Có thể nhận ra một sự khác thường trong biến động lãi suất lần này, khi hành vi chế tài của Ngân hàng Nhà nước đã hoàn toàn khác thường so với nhiều lần khác trong quá khứ, cũng như đã tạo nên mắt xích cuối cùng để hoàn chỉnh chính sách kéo giảm lãi suất.
"Lời sấm" cho ngân hàng thương mại
Tất nhiên, với vùng lãi suất cho vay 17-19%, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, dù có thể tiếp cận được vốn vay mà trước đây gần như không thể. Sự khó khăn ấy sẽ được đo đếm bởi khả năng tạo lãi bao nhiêu phần trăm trong năm của doanh nghiệp để có thể bù đắp được chi phí lãi vay.
Nhìn lại, với mức lãi suất cho vay 25-27% như hồi tháng 5-6/2011, doanh nghiệp dù có lãi đến 30%/năm cũng chỉ vừa đủ bù đắp chi phí lãi vay, nói cách khác là chỉ đủ sống cầm hơi. Nhưng lại không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tạo nên tỷ suất lợi nhuận 30-50%/năm, ngược lại có đến 30% số doanh nghiệp cận kề cái chết cho dù được hưởng lãi suất cho vay chỉ 14-15%.
Bối cảnh hiện nay khác hẳn với thời kỳ nền kinh tế vận hành ổn định. Vào giai đoạn này, nền kinh tế vẫn còn trong tình trạng đình lạm (đình trệ + lạm phát), vẫn chưa có cơ sở chắc chắn để xác định lạm phát đã đạt đỉnh trong năm hay chưa, còn với nhiều doanh nghiệp thì thực sự đã lún sâu trong suy thoái.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp sẽ chỉ được cải thiện cơ bản nếu lãi suất cho vay được kéo giảm hơn nữa về vùng 10-11%. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, đó là một chỉ tiêu có vẻ như quá viễn tưởng.
Một mức lãi suất cho vay có thể mang tính dung hòa hơn là vùng 14-15%. Muốn tạo được vùng lãi sất cho vay này, ngân hàng lại phải tiếp tục hạ lãi suất huy động hơn nữa - chỉ còn 11-12%/năm. Liệu khả năng này có thể thực hiện được không?
Với ngân hàng, điều họ quan tâm lớn nhất không phải là giá trị tuyệt đối của lãi suất cho vay, mà là biên độ giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Nếu như trong 8 tháng đầu năm 2011, biên độ này phổ biến là 4-5% và đã mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng, bất chấp tình cảnh oằn lưng trả lãi của doanh nghiệp, nếu sắp tới biên độ đó có giảm về 3% thì cũng không phải là chuyện gì quá đáng.
Trong tình hình mới, cán cân quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều. Từ vài tháng nay, một số ngân hàng đã phải lo tính đến việc làm sao giảm thiểu tình trạng ứ đọng vốn trong ngân hàng của họ. Nguồn vốn này một phần do huy động từ dân cư, phần khác đến từ kênh tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Sắp tới đây, nguồn vốn đó còn trở nên đồ sộ hơn, khi thông qua một số phương tiện thanh toán, kể cả các ngân hàng nhỏ cũng có thể nhận được 10.000-15.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất chỉ khoảng 14%.
Trong bối cảnh dư thừa vốn, nếu ngân hàng vẫn còn làm cao với "thượng đế" thì e rằng đến một lúc nào đó mối quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng có thể ứng với lời sấm "Trạng chết, chúa cũng băng hà". Mà muốn đẩy mạnh cho vay, ngân hàng chỉ còn cách giảm lãi suất, thậm chí nếu cần thiết sẽ phải khuyến mại theo đủ cách như các doanh nghiệp bất động sản ôm căn hộ cao cấp đã và đang làm.
Chỉ cách đây đúng nửa tháng, lời sấm trên vẫn còn là sự đồn đoán mơ hồ. Nhưng ngay tại thời điểm này, sự xác nghiệm của xu thế giảm lãi suất đã biến lời sấm ấy thành một mệnh lệnh sinh tồn không thể né tránh và cũng chẳng thể thoái thác đối với giới chủ ngân hàng. Mức lãi suất cho vay cao ngất ngưởng đã chính thức bị giã từ.
Dĩ nhiên với sự hiện thực hóa về giảm lãi suất, giới ngân hàng sẽ có nhiều âu lo về lợi nhuận - gần như chắc chắn sẽ bị giảm sút của họ. Thế nhưng xét ở góc dộ khác, điều này lại mang đến một hình ảnh chan hòa hơn, cũng là giúp cho ngân hàng có được sự cảm thông hơn hẳn với giới doanh nghiệp. Bởi trong 8 tháng đầu năm 2011, trong khi đa số các ngân hàng đều ung dung hưởng lợi hàng chục ngàn tỷ đồng thì có đến ít nhất phân nửa số doanh nghiệp chết dở sống dở.
Vì thế, bài toán công bằng xã hội nên được tính đến: lợi nhuận ngân hàng giảm bớt đôi chút (chỉ là đôi chút), còn doanh nghiệp cũng dần thoát khỏi cái chết lâm sàng; khi độ giảm lợi nhuận ngân hàng và doanh số của doanh nghiệp gặp nhau tại một trung điểm nào đó, vào lúc đó xã hội và nhà nước mới không quá yêu cầu các ngân hàng phải hy sinh thêm nữa.
Trường Sơn
Diễn đàn kinh tế VIỆT NAM



Xem bài viết: Lời 'sấm' cho các ngân hàng thương mại