Thị trường ngày 09/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán

(Vietstock) – Mặc dù xu hướng phục hồi của VN-Index vẫn đang phát đi tín hiệu tích cực, nhưng rủi ro T+ cũng đang được gia tăng do chỉ số đang dần tiếp cận các ngưỡng kháng cự cao hơn.
Động lực mua đuổi giá suy yếu dần
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Nhịp tăng sau khoảng thời gian đầu giờ 08/09, cùng với việc thị trường tăng mạnh nhưng khối lượng không đột biến hôm qua (07/09) cho thấy lực cung không mạnh. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì đủ mạnh một lần nữa xác nhận khả năng tăng mạnh liên tục chưa thể trở lại. Quy luật này ngày càng được củng cố sẽ chi phối cách thức thị trường vận hành.
Với các diễn biến hiện tại, khả năng tăng đáng kể của phiên giao dịch cuối tuần không cao. Khi giá đã tăng mạnh so với đáy, dao động với biên độ lớn sẽ không tốt cho đà tăng bởi động lực cho việc mua đuổi giá sẽ bị suy yếu.
Từ quan điểm rủi ro và lợi nhuận, BSI cho rằng chiến thuật mua khi điều chỉnh và bán khi tăng mạnh vẫn tối ưu với các tín hiệu hiện tại.
Rủi ro điều chỉnh gia tăng
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Đà tăng của VN-Index đã mang đến tín hiệu khá tích cực với việc chỉ số đã bứt phá qua khỏi ngưỡng kháng cự tại mức đỉnh cũ 450 điểm. Xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường tiếp tục được củng cố và đang được hỗ trợ khá tốt bởi tín hiệu lãi suất cho vay có thể giảm trong thời gian tới. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ chuyển từ tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán. Tâm lý đầu tư được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, do đà tăng của thị trường diễn ra trong thời gian ngắn, dòng tiền vào thị trường vẫn chưa thực sự mạnh mẽ trong khi nguồn cung tích lũy khá dồi dào sẽ tiếp tục gây áp lực điều chỉnh lên vận động của thị trường.
Theo FPTS, mặc dù xu hướng phục hồi của VN-Index vẫn đang phát đi tín hiệu tích cực, nhưng rủi ro T+ cũng đang được gia tăng do chỉ số đang dần tiếp cận các ngưỡng kháng cự cao hơn.
Ngoài ra, tín hiệu suy yếu của VN-Index về cuối phiên giao dịch ngày 08/09 cũng cho thấy áp lực bán ra tại các mức giá cao là khá lớn. Do đó, rủi ro của một đợt điều chỉnh kế tiếp cần được đặc biệt chú ý đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn.
Tiềm ẩn khả năng biến động khó lường
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Kết thức phiên giao dịch ngày 08/90, sắc xanh tiếp tục bao thị trường chứng khoán Việt Nam trên cả hai sàn giao dịch. Thế nhưng áp lực bán chốt lãi an toàn về nửa cuối phiên đã làm cho sàn Hà Nội chỉ có được một mức tăng yếu, trong khi đó sàn HOSE vẫn có được đà tăng khá mạnh trong phiên tăng thứ 10 liên tiếp của mình dưới sự trợ giúp đáng kể của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhìn chung bầu không khí giao dịch trên hai sàn khá sôi động và hào hứng, hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp với tốc độ khớp lệnh nhanh. Tính thanh khoản của hai sàn theo đó cũng đồng loạt ghi nhận mức tăng khá.
Mặc dù, thị trường chứng khoán đang có những diễn biến khá tích cực, nhưng theo VCBS phiên giao dịch ngày 09/09 tiềm ẩn khả năng biến động mạnh và khó lường.
Áp lực cung chốt lãi, yếu tố cản trở khả năng tiếp tục tăng điểm của thị trường, đã xuất hiện vào nửa cuối phiên giao dịch ngày 08/09 và hoàn toàn có thể sẽ còn tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình khi phiên giao dịch cuối tuần cũng là phiên T+4 của lượng lớn cổ phiếu từ phiên giao dịch đầu tuần đã về đến tài khoản của các nhà đầu tư, theo đó các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Cổ phiếu đầu cơ mất dần tính hấp dẫn
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Thị trường trải qua một phiên giao dịch nghiêng về chiều hướng phân phối với khối lượng tương đối lớn. Diễn biến trong phiên cho thấy, lượng đặt mua có phần dè dặt hơn đối với nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ trên sàn Hà Nội và có một phần dòng tiền đã chuyển hướng sang các mã cổ phiếu bluechips mang tính cơ bản trên sàn HOSE. Chính diễn biến này đã khiến đà tăng của cả 2 sàn yếu dần khi áp lực chốt lời tăng mạnh về cuối phiên trên HNX, kéo theo hoạt động bán ra trên HOSE.
Tương tự như nhịp điều chỉnh trước, khi nhóm cổ phiếu đầu cơ mất đi tính hấp dẫn đối với dòng tiền và dòng tiền phải chuyển hướng sang các nhóm cổ phiếu khác thì cũng là lúc thị trường cần phải trải qua một đợt điều chỉnh.
BVS cũng cho rằng, những thông tin tích cực về những biện pháp cụ thể nhằm kéo mặt bằng lãi suất xuống, sau khi được công bố, cũng đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến giá cổ phiếu trong nhịp tăng điểm vừa qua.
Xét cả 2 yếu tố, BVS cho biết để có thể duy trì đà tăng điểm ngắn hạn, thị trường sẽ phải trải qua một nhịp điều chỉnh sâu và sau đó cần được hỗ trợ thêm bởi những tín hiệu tích cực rõ nét hơn nữa trên phương diện kinh tế vĩ mô.
Nên duy trì trạng thái mua vào
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Những diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy đã có đủ điều kiện cho việc ổn định tỷ giá và hạ mặt bằng lãi suất.
Việc NHNN ra Chỉ thị 02 cũng là một biện pháp mạnh thể hiện sự quyết tâm trong các giải pháp hạ lãi suất.
Một mặt khác, trong ngắn hạn, khi lãi suất huy động nhanh chóng giảm và thực âm so với lạm phát, dòng tiền trong dân có thể sẽ hướng sang các kênh đầu tư khác, trong đó có thị trường chứng khoán và đó cũng là một yếu tố tích cực từ phía dòng tiền chảy vào thị trường.
Nếu không có các yếu tố đột biến tác động tới CPI trong các tháng tới thì có khả năng diễn biến thị trường tiền tệ và vĩ mô sẽ theo chiều hướng tích cực và ổn định từ nay đến cuối năm.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì trạng thái mua vào, và nên ưu tiên các mã có kết quả kinh doanh khả quan và tiềm năng lợi nhuận trong những tháng cuối năm.
Viết Vinh tổng hợp



Xem bài viết: Thị trường ngày 09/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán