Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: Đủ điều kiện giảm lãi suất từ tháng 9
CPI tháng tám tăng chậm, các ngân hàng bắt đầu dư dả vốn và cho nhau vay với lãi suất thấp hơn trước... là tiền đề để lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh xuống 17-19% từ tháng 9, theo nhận định của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM.
- Ngân hàng Nhà nước vừa công bố gói giải pháp tiền tệ trong đó quyết tâm đưa lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19% từ giữa tháng 9. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
- Lãi suất cho vay đang ở mức quá cao (phổ biến 20%-22% một năm, thậm chí 23%-25% mỗi năm cho phi sản xuất), nhiều doanh nghiệp không dám vay bởi lợi nhuận làm ra không bù nổi lãi suất… Vì vậy, doanh nghiêp, người đi vay đều muốn tìm được lãi suất thấp để kinh doanh hiệu quả nhằm tạo ra công ăn việc làm. Do đó, kéo giảm lãi suất là một việc cần làm. Nhưng để thực hiện mục tiêu này một cách trọn vẹn thì Chính phủ phải kiên định với mục tiêu trung và dài hạn. Trước mắt là phải kiềm chế cho được lạm phát và cắt được cú sốc về lạm phát hiện nay.
Thực tế, các tiền đề để giảm lãi suất cũng đã có. Cụ thể, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 22% xuống còn quanh 12%, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng tám đã có tốc độ tăng thấp nhất từ đầu năm. Điều này cho thấy Nghị quyết thứ 11 của Chính phủ sau 6 tháng đã đi vào cuộc sống, cho người dân một niềm tin rằng lạm phát của Việt Nam trong tương lai sẽ được kiềm chế ở mức hợp lý. Cho nên, việc giảm lãi suất như quyết tâm của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là có cơ sở.
- Nhưng so sánh với cùng kỳ năm ngoái, CPI vẫn ở mức quá cao. Giảm lãi suất có thể ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát. Xin cho biết quan điểm của ông?
- Lạm phát đang có chiều hướng ổn định và chính sách thắt chặt tiền tệ đã kéo dài hơn 6 tháng, lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế đã được hút về, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó giảm lãi suất cho vay giúp giảm gánh nặng chi phí lãi vay của doanh nghiệp mà không gây nên lạm phát trở lại.
Hơn nữa, từ 1/9, lượng tín dụng sẽ được cung ra thị trường nhiều hơn khi số tiền mà các nhà băng được phép cho doanh nghiệp, dân cư vay sẽ không còn bị giới hạn bởi tỷ lệ 80% vốn huy động.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cũng được chú trọng. Các công cụ tái cấp vốn và thị trường mở sẽ được áp dụng một cách linh hoạt hơn, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ. Các giải pháp này đảm bảo các ngân hàng thương mại không phải huy động vốn bằng mọi giá trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức kinh tế) nhằm đảm bảo thanh khoản.
Hiện nay, chúng ta vẫn còn dư địa cung tiền rất lớn. Nếu Ngân hàng trung ương cung tiền ra cho các ngân hàng để giải quyết vấn đề thanh khoản, lãi suất sẽ giảm. Bảy tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ mới 7,57%. Vì vậy, dư địa tín dụng và cung tiền những tháng còn lại của năm 2011 khá lớn. Tổng phương tiện thanh toán cho các tháng cuối năm cũng còn gần tới 300.000 tỷ đồng… Lượng cung tiền này giúp nguồn vốn cung ứng cho các doanh nghiệp dồi dào hơn.
Ngoài ra, nếu các ngân hàng thực thi một cách nghiêm túc, các quy định về lãi suất của ngân hàng trung ương thì đầu vào 14%, cộng với các chi phí khác, đầu ra 17% cho kinh doanh sản xuất là hợp lý. Còn các khoản vay khác như tiêu dùng thì sẽ ở mức cao hơn nhằm kiềm hãm tăng chỉ số giá tiêu dùng.
- Nhưng nếu duy trì lãi suất tiền gửi 14% một năm sẽ thiệt thòi cho người gửi tiền, nhất là khi lạm phát còn cao và giá vàng lại đang sốt như hiện nay?
- Giá vàng trên thế giới hiện nay đang bị làm giá rất nghiêm trọng, tăng giảm trong biên độ cả trăm USD mỗi ngày. Và sự đổ xô vào vàng là một sự rủi ro rất lớn. Thời gian vừa qua, đã có nhiều người dân kéo nhau đi mua vàng giá 49 triệu, nhưng lại phải cắn răng bán 45 triệu. Nói chung, đây là một lĩnh vực đầy rủi ro. Do đó, người dân Việt Nam không thể so sánh vàng với việc gửi tiền tiết kiệm.
Về lý thuyết, lãi suất là cái giá cả của quyền sử dụng vốn, là cái chi phí của người đi vay trả cho người cho vay sau một thời gian sử dụng. Và đã gọi là giá cả thì nó phải chịu sự chi phối bởi quy luật cung cầu về vốn trên thị trường. Nếu như khả năng tăng được lượng cung vốn trên thị trường thì lãi suất sẽ theo hướng giảm dần.
Việc giảm lãi suất đầu vào về mức 14% mỗi năm như định hướng của Ngân hàng Nhà nước phụ thuộc nhiều vào lạm phát. Thông thường lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát thì mới thu hút được người ta gửi tiền vào ngân hàng. Vấn đề ở đây là lạm phát nào? Một số người so sánh lãi suất huy động với lạm phát quá khứ, trong khi theo thông lệ quốc tế lãi suất thực dương được tính trên cơ sở lãi suất trừ đi lạm phát kỳ vọng.
Giả sử tại thời điểm tháng 8/2011, một khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng cho quảng thời gian đến tháng 8/2012. Nếu lạm phát trong vòng một năm, tới tháng 8/2012 ở mức dưới hai con số (khoảng 9%) như mục tiêu Chính phủ đề ra và quyết tâm thực hiện, thì lãi suất tiết kiệm 14% mỗi năm đảm bảo cho khách hàng trên có lời và lãi suất đó là thực dương 5%. Và trong trường hợp này định hướng lãi suất đầu vào của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp.
Nhưng ngược lại, nếu lạm phát diễn biến không như mong muốn của Chính Phủ. Đến tháng 8/2012 lên đến 15% thì tiền gửi của khách hàng trên đã bị âm 1%.
Chúng ta phải thừa nhận một thực tế là, người gửi tiền luôn muốn nhận được lãi suất thực tế dương so với lạm phát kỳ vọng. Như vậy, Chính phủ phải tạo ra được niềm tin cho người dân. (Chỉ có năm 2009, lạm phát mục tiêu là 7,5-8% nhưng cuối năm lãi suất thực tế chỉ 6,5%).
Do đó, khi xây dựng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước phải dựa vào lãi suất kỳ vọng hay lãi suất mục tiêu và phải có một quyết tâm lớn để thực hiện cho bằng được lạm phát mục tiêu này. Khi đó, Việt Nam mới có thể ổn định lãi suất trong một thời gian dài và giúp cho doanh nghiệp hoạch định được các khoản đầu tư của mình.
- Với quy định trần lai suất huy động tối đa 14% đã có từ lâu nhưng hầu hết các ngân hàng thương mại đều 'vượt rào'. Vậy thời gian tới, theo ông Ngân hàng Nhà nước lấy gì để bảo đảm là những ngân hàng đã quen "vượt rào" sẽ chịu tuân thủ?
- Bênh cạnh việc mạnh dạn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ, đây là lúc mà Ngân hàng Nhà nước cần phải làm nghiêm mình và sẵn sàng xử lý mạnh các ngân hàng thương mại vi phạm. Có thể sáp nhập, giải thể nếu thấy cần thiết. Bởi hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự minh bạch rất lớn. Do đây là nơi giữ một lượng tiền rất lớn của nhân dân nên không thể chấp nhận sự vi phạm trong hệ thống.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, trước mắt tập trung thanh tra các nhà băng có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm của các ngân hàng nhằm đảm bảo việc thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có hiệu quả trên cơ sở đồng thuận.
Lệ Chi
Vnexpress



Xem bài viết: Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: Đủ điều kiện giảm lãi suất từ tháng 9