Thị trường ngày 20/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán

(Vietstock) – Chưa có tín hiệu cho thấy khả năng phục hồi của thị trường trong ngắn hạn trong khi thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp, nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn vốn và không nên vội vàng dò đáy trong giai đoạn này.
Nên giải ngân dưới 400 điểm
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thị trường đồng loạt giảm điểm với thanh khoản thiết lập đáy mới so với mức đáy của năm 2009. Tuy vậy, quan sát diễn biến phiên hôm nay có thể tạm yên tâm rằng tâm trạng nhà đầu tư chưa bi quan quá mức. VN-Index giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ một số cổ phiếu trụ cột hơn là trên toàn diện thị trường. Biên độ dao động giá khá hẹp cho thấy bên mua mặc dù không sẵn sàng mua giá cao hơn giá tham chiếu, song bên bán cũng không lo ngại đến mức phải bán tháo. Nhà đầu tư nước ngoài trở lại vị thế mua ròng nhờ đóng góp từ giao dịch cổ phiếu FPT.
Nhà đầu tư vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi một số kết quả kinh tế vĩ mô tháng 7/2011, khả năng sẽ được công bố vào những phiên cuối tuần. Chúng tôi kỳ vọng sau khi các thông tin chờ đợi được công bố, điểm số thị trường sẽ được cải thiện tích cực. Tuy nhiên, giá vàng sau một thời gian ổn định, đang bắt đầu sôi động trở lại và liên tục tăng mạnh. Sự hấp dẫn trở lại của vàng có thể sẽ cản trở dòng tiền đầu tư dành cho TTCK. Do vậy, khó có thể kỳ vọng sự cải thiện thanh khoản thị trường trong ngắn hạn.
Với quan điểm thận trọng, vùng điểm thích hợp nhất để nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân là dưới 400 điểm đối với VN-Index và dưới 70 điểm đối với HNX-Index.
Tình trạng khó khăn vẫn còn
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Diễn biến giao dịch cho thấy nhà đầu tư đang chán nản trước xu thế của thị trường. Phần lớn các cổ phiếu giảm hoặc đứng giá với thanh khoản ở mức rất thấp. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, VIC, HAGBVH giảm mạnh đẩy VN-Index lùi sâu. Trước bối cảnh ảm đạm đó xuất hiện một vài tín hiệu tích cực khi một số bluechips như FPT, CTG, EIB tăng nhẹ. Khối ngoại mua ròng 14 tỷ đồng, tuy nhiên trong đó giá trị mua ròng FPT đã lên tới 27 tỷ đồng.
Về thông tin vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại một số địa phương dần được tiết lộ. CPI tháng 7/2011 tại Vĩnh Long tăng 0.93%, tại Yên Bái lại tăng tới 1.51%. CPI tháng 7 tăng mạnh do giá lượng thực, thực phẩm có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tại Miền Bắc giá lương thực, thực phẩm tiếp tục nóng lên hàng ngày do bị thương lái Trung Quốc thu mua ráo riết và nguồn cung bị co hẹp. Sắp tới, CPI tại Hà Nội và TpHCM được công bố sẽ làm lộ diện mức lạm phát cả nước. Hiện tại, các con số dự báo đều cho rằng CPI cả nước sẽ tăng không dưới 1% và có thể cao hơn mức tăng của tháng 6.
Theo ACBS, thị trường vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ, bắt đáy trong giai đoạn này vẫn hết sức rủi ro dù giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng rất thấp. Kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi xuất hiện một tín hiệu rõ ràng hơn không phải là một chiến lược tồi.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo RSI, MFI … của VN-Index bị suy yếu và chưa có dấu hiệu sớm phục hồi.
Xu hướng giảm là chủ đạo
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Thị trường vẫn đang duy trì xu hướng giảm dần kể từ đầu tháng 6. Theo số liệu thống kê, với mức đóng cửa tại 410.12 điểm ngày 19/07 thì VN-Index đã sụt giảm gần 62% kể từ mức đỉnh 450 điểm ngày 02/06.
Diễn biến thị trường trong phiên này vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những phiên giao dịch trước đó. Thiếu thông tin hỗ trợ khiến cho nhà đầu tư chưa dám tham gia thị trường, giao dịch sụt giảm, dòng vốn đầu cơ tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát và chờ đợi.
Mặt khác, tình hình giá vàng trong nước và thế giới tăng khá mạnh cũng góp phần khiến tâm lý đầu tư thêm bất an. Trong khi đó, dự báo CPI tháng 7 mang màu sắc u ám trước những những diến biến giá cả đang trở nên phức tạp hơn. Do đó, nhiều khả năng xu hướng giảm điểm sẽ là chủ đạo trong những phiên giao dịch tiếp theo.
Chưa có tín hiệu cho thấy khả năng phục hồi của thị trường trong ngắn hạn trong khi thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp, nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn vốn và không nên vội vàng dò đáy trong giai đoạn này.
Thị trường tiếp tục giảm
CTCP Chứng khoán Công nghiệp (ISC): Khả năng tăng điểm tạo sóng ngắn hạn của thị trường trong đợt này khó xảy ra như trong giai đoạn tháng 5 do chứng khoán giảm dần theo dạng trôi và không có lực cầu hỗ trợ cụ thể. Nhà đầu tư nên thận trọng hơn trong quan sát thị trường và tránh tình trạng bắt đáy.
Ngày công bố CPI tháng 7 đang gần kề, với dự báo tăng từ 1.5%-2%, khả năng giảm dần lãi suất rất khó xảy ra cho đến thời điểm cuối năm. Dòng tiền vào chứng khoản vẫn rất mờ mịt và chưa có xu hướng mới nào trong giai đoạn này. Thị trường ngày 20/07 có thể tiếp tục giảm.
VN-Index kiểm chứng ngưỡng 406
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã kéo chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh. Tính riêng mã cổ phiếu MSN (giảm sàn) và VIC đã khiến chỉ số VN-Index giảm gần 3 điểm. VN-Index tiếp tục dao động với khối lượng giao dịch liên tục tạo thành các đỉnh thấp dần (lower low). Trong vài phiên sắp tới, VN-Index sẽ kiểm chứng (test) ngưỡng hỗ trợ 406 điểm tương ứng với fibonacci 61.8%.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giữ giá khá tốt. Mã STB chạm ngưỡng kháng cự mạnh tại giá 14 (fibonacci 61.8%) và có dấu hiệu điều chỉnh. Tuy nhiên, STB vẫn đang trong xu thế tăng, và nhà đầu tư có thể mua vào khi cổ phiếu này về hỗ trợ tại giá 12.5 – 13.1. Ngoài ra, FPT cũng là một mã đáng chú ý khi khối ngoại đã mua ròng 9 phiên liên tiếp và mua với lượng khá lớn trong 3 phiên gần đây. Về mặt kỹ thuật, FPT đã phá vỡ xu thế giảm dài hạn và đang có chiều hướng đi lên.
Nỗi lo lạm phát tháng 7 và khối lượng giao dịch của các doanh nghiệp niêm yết vẫn là vấn đề khiến dòng tiền chưa tham gia mạnh mẽ vào thị trường. Tuy nhiên, các mã cổ phiếu ngành ngân hàng với mức giá hợp lý vẫn đang được mua gom khá mạnh nhờ khối lượng giao dịch tương đối khả quan trong bối cảnh hiện tại. Thị trường có thể tiếp tục dao động với thanh khoản thấp cho tới khi con số chính thức về CPI tháng 7 được công bố. Khi đó, VN-Index mới có thể có xu hướng rõ ràng.
Viết Vinh tổng hợp



Xem bài viết: Thị trường ngày 20/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán