Vietstock Weekly 11 – 15/07: Thị trường tiếp tục “uể oải”
(Vietstock) – Việc lựa chọn các chính sách đang tỏ ra khó khăn khi phải dung hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và sự ổn định dài hạn. Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán khó thoát khỏi cảnh giao dịch lình xình và uể oải.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Có nhiều thông tin vĩ mô trong tuần cho thấy NHNN đang có định hướng kéo giảm lãi suất một cách quyết liệt, trong khi áp lực lạm phát vẫn còn hiện diện và biến động khá phức tạp.
NHNN đang định hướng kéo giảm lãi suất
Với tinh thần “linh hoạt” trong chính sách tiền tệ, ngày 04/07, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất đối với các khoản vay trên thị trường mở (OMO) từ 15% xuống 14%.
Với việc giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở, các ngân hàng thương mại sẽ có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tạo cơ sở kéo giảm lãi suất trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra ở đây là với động thái này, NHNN đang phát đi tín hiệu nới rộng chính sách tiền tệ?
NHNN đã có thông tin nhằm “trấn an” đây không phải là một tín hiệu chính sách nới lỏng. Có lẽ cơ quan này đang cố gắng kiểm soát kỳ vọng lạm phát trong những tháng cuối năm. Chúng tôi thì vẫn cho rằng NHNN đang và sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ ở “mức độ nhẹ”. Tuy vậy, với diễn biến phức tạp của tình hình lạm phát, NHNN sẽ tiếp tục “linh hoạt” và không có gì bất ngờ nếu các công cụ trên thị trường mở sẽ được sử dụng.
Lãi suất huy động trong tuần qua đã có dấu hiệu giảm dần, nhưng lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao. Các ngân hàng thương mai đang cẩn trọng “nhìn trước, ngó sau” các động tĩnh của nhau và chờ đợi nên mặt bằng lãi suất cho vay chưa có chuyển biến nào đáng kể.
Một động thái quan trọng trong tuần là NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo ngay lãi suất huy động và cho vay. Sẽ khó để có thể thu thập được số liệu chính xác trên thực tế, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây là bước đầu tiên để NHNN ban hành các biện pháp quyết liệt để kéo giảm lãi suất, kể cả bằng biện pháp hành chính.
Song song với tín hiệu hạ lãi suất, thị trường trái phiếu cũng đang có những tín hiệu tích cực. Sự tham gia của các nhà đầu tư vào thị trường cùng với lãi suất trúng thầu trái phiếu trên thị trường có xu hướng giảm đã cho thấy niềm tin vào triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô càng được củng cố.
Áp lực lạm phát vẫn còn hiện diện
Thị trường hàng hóa đang chứng kiến những thông tin trái chiều và khiến việc dự báo lạm phát trở nên phức tạp.
Nếu xem thông tin về khả năng giảm giá xăng trong thời gian tới là tích cực thì mặt bằng giá cả của nhóm hàng thực phẩm bất ngờ tăng cao do sự mất cân đối cung – cầu trong những ngày gần đây đã gia tăng áp lực tiêu cực lên chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7.
Ngoài ra, tình trạng mất mùa trước những điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng giá cả của nhóm lương thực, thực phẩm. Theo FAO, trong tháng 6/2011 giá thực phẩm thế giới tăng mạnh lên sát mức kỷ lục.
Mặc dù đã chấp nhận nới rộng chỉ tiêu lên 17% trong năm 2011, việc kiềm chế lạm phát một lần nữa bị “thách thức” trước những diễn biến khá phức tạp của nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm.
Trong bối cảnh lạm phát vẫn đang đứng ở mức cao và có nguy cơ bùng phát trở lại, Chính phủ đang phải chọn lựa khó khăn giữa các mục tiêu ngắn hạn và sự ổn định dài hạn.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 1.19% lên mức 430.32 điểm. Trong khi HN-Index chỉ tăng nhẹ 0.12% lên 72,84 điểm.
VN-Index đã có tuần giao dịch thành công khi có tới 4 phiên tăng, chỉ 1 phiên giảm. Tuy nhiên, nếu ngoại trừ phiên tăng mạnh vào ngày 05/07, thì những phiên còn lại tăng điểm chủ yếu nhờ vào sự luân phiên tăng điểm mạnh của các cổ phiếu trong nhóm Large Cap như MSN, VIC, FPT, STB ...
Trong khi đó, chỉ số VS 100 tiếp tục cho thấy ưu điểm khi chỉ rõ hơn xu hướng thị trường trong tuần. Kết thúc tuần, chỉ số này chỉ tăng nhẹ 0.61% lên mức 60.53 điểm.
Giao dịch nhìn chung vẫn chưa khởi sắc, thanh khoản trên 2 sàn tiếp tục đà sụt giảm mạnh so với tuần trước. Trên HOSE, giá trị giao dịch trung bình đạt 424.4 tỷ đồng, giảm gần 20% so với trung bình giao dịch tuần trước. Trên sàn HNX, giá trị giao dịch trung bình sụt giảm hơn 26%, chỉ đạt trung bình 241.7 tỷ đồng một phiên.
Những điểm đáng lưu ý trong tuần
(1) Những phiên giao dịch cuối tuần, thanh khoản tiếp tục đà sụt giảm mạnh trên cả 2 sàn. Giao dịch trên thị trường diễn ra èo uột và ảm đạm, tâm lý thận trọng của giới đầu tư có vẻ ngày càng được đẩy lên mức cao.
(2) Trên HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh ngày 06/07 đã xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 2 năm qua kể từ ngày 05/05/2009, khi chỉ có 13.5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Trên HNX, khối lượng giao dịch ngày 07/07 cũng đã theo bước HOSE, khi khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua kể từ ngày 09/02/2011.
(3) Cổ phiếu STB được các nhà đầu tư chú ý khi người thân Chủ tịch HĐQT đồng loạt bán ra gần 15 triệu cổ phiếu. Có nhiều thỏa luận phía sau giao dịch này, tuy nhiên cho dù gì đi nữa thì cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường.
(4) Khối ngoại sang tay hàng hoạt cổ phiếu khiến tổng giá trị mua bán trong 2 phiên giao dịch ngày 06/07 và 07/07 tăng đột biến. VNM là cổ phiếu được khối ngoại sang tay nhiều nhất khi có gần 2 triệu cổ phiếu được giao dịch với tổng giá trị là 249 tỷ đồng, ngoài ra còn có các cổ phiếu như FPT, VIC ...
(5) Trên thực tế, khối ngoại đã có một tuần liên tục bán ròng trên HOSE với giá trị gần 60 tỷ đồng. Khối ngoại đã đẩy bán ròng mạnh BVH, FPT, STB, CII... trong khi đó DPR bất ngờ vượt VIC trở thành cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trên HOSE. Khối ngoại cũng đã trở lại mua ròng PVD trong phiên giao dịch Thứ 6 sau khoảng thời gian bán ròng liên tiếp trong tháng 6 và đầu tháng 7. Khối ngoại mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị hơn 9 tỷ đồng.
(6) Các cổ phiếu trong nhóm Large Cap thay phiên nhau tăng điểm đã giúp chỉ số VS-Large Cap tăng mạnh 2.06%, tiếp theo là nhóm VS-Mid Cap tăng 0.28%. Trong khi đó, VS-Small Cap giảm điểm mạnh 1.03% và VS-Micro Cap giảm nhẹ 0.47%.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 11 – 15/07/2011
Lực cầu càng về những phiên cuối tuần tỏ ra càng yếu. Bên mua rõ ràng đang hoàn toàn làm chủ thị trường và không tỏ ra vội vã mua vào.
Ảnh hưởng của nhóm Large Cap có lẽ đã khiến giới đầu tư “ngán ngẫm” và quay sang tăng cường giao dịch trên HNX. Nếu có một tín hiệu tích cực thì đó là lực cầu nhìn chung trong tuần qua trên HNX tỏ ra khá vững. Tuy vậy, trong một thị trường thuộc về người mua, lực cầu này chỉ giao dịch mạnh ở mức giá dưới tham chiếu.
Cũng cần để ý thêm là khối ngoại có một tuần bán ròng liên tục trên HOSE, và với những nhận định gần đây về triển vọng kinh tế vĩ mô, họ sẽ chưa vội vàng quay trở lại. Giới đầu đã trở nên quen thuộc với cách thức nâng chỉ số bằng các mã Large Cap của khối ngoại và trong tuần tới sẽ không dễ dàng bị xoáy vào “cảnh ngộ”: chỉ số tăng – cổ phiếu giảm.
Trong tuần tới, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục được công bố. Như đề cập trước đây, không thể trông chờ vào điều này như là một chất xúc tác trong bối cảnh thị trường hiện nay, mà thay vào đó là các tín hiệu vĩ mô.
Đã có nhiều thông tin trong tuần cho thấy NHNN đang có định hướng kéo giảm lãi suất một cách quyết liệt trong thời gian tới. Đương nhiên là chính sách tiền tệ không thể nới lỏng quá mức và lãi suất sẽ không giảm mạnh, trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn còn hiện diện và biến động khá phức tạp. Thực tế cho thấy trong tháng 6, NHNN đã rút hơn 52.5 nghìn tỳ đồng từ thị trường mở.
Việc lựa chọn các chính sách đang tỏ ra khó khăn khi phải dung hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và sự ổn định dài hạn. Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán khó thoát khỏi cảnh giao dịch lình xình và uể oải.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Nhiều khả năng test lại vùng 420 – 425 điểm. Mặc dù liên tục tăng điểm trong hai phiên giao dịch cuối tuần nhưng nhìn chung VN-Index vẫn đang nằm trong kênh giá xuống. Biểu hiện cụ thể nhất là hơn 3 tuần vừa qua giá vẫn duy trì trong Lower Band của dải Bollinger.
Bollinger Bands là sự kết hợp giữa đường trung bình động (Moving Average) và độ lệch chuẩn nên là công cụ phân tích kỹ thuật có tính ứng dụng rất cao. Lower Band là dải dưới có độ lệch chuẩn là 2 và nằm dưới đường trung bình SMA 20. Giá duy trì trong vùng này đồng nghĩa với việc nó đang trong một thị trường giá xuống (bear market).
Vì vậy, trừ khi VN-Index vượt được ngưỡng middle (tương đương vùng 435 – 438 điểm) thì mới có thể bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng ngắn hạn thực sự. Còn nếu kịch bản ngược lại diễn ra: giá tiếp tục suy giảm và phá vỡ vùng 420 – 425 điểm thì một đợt điều chỉnh mới sẽ bắt đầu. Sự thận trọng đã giảm bớt nhưng theo chúng tôi vẫn phải phòng ngừa rủi ro trong trường hợp có breakout xuất hiện.

HNX-Index – Có nguy cơ xuyên thủng Fibonacci Retracement 61.8%. Như chúng tôi đã từng đề cập, trong các ngưỡng Fibonacci thì Fibo Retracement 61.8% là ngưỡng mạnh nhất, đáng tin cậy nhất và khó bị phá vỡ nhất. Vì vậy, lần test này mang ý nghĩa quyết định xu hướng đối với HNX-Index.
Nếu như vùng 72 – 72.5 điểm (Fibo Retracement 61.8%) bị phá vỡ thì nhiều khả năng giá sẽ suy giảm mạnh do không còn yếu tố chống đỡ đáng kể nào bên dưới. Mặt khác, SMA 50 cũng liên tục tạo sức ép lên giá trong các phiên gần đây nên càng làm cho xác suất tăng điểm thấp hơn.
Nên tiếp tục thận trọng đối với HNX-Index trong giai đoạn hiện nay.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Dưới góc độ phân tích hình nến (candlesticks), sự xuất hiện của những mẫu hình nến Doji trong các phiên gần đây mang ý nghĩa khá đặc biệt và phản ánh chính xác tình trạng thị trường hiện tại.
Doji là một mẫu hình nến thể hiện sự lưỡng lự của giới đầu tư. Các áp lực mua bán tương đối cân bằng tại mẫu hình này và sự dịch chuyển sau đó thường sẽ khá mạnh. Điều này cho thấy thị trường đang trong một giai đoạn quyết định xu hướng.
Điểm tích cực là khối lượng đã có phần cải thiện hơn so với hai phiên trước. Tuy nhiên, vẫn còn khá thấp nếu so với trung bình 20 phiên. Nếu sắp tới có sự cải thiện tốt trong khối lượng thì nhiều khả năng giá sẽ có sự phục hồi.

VS-Market Cap: VS-Large Cap tiếp tục dẫn đầu trong tuần này nhờ vào tín hiệu mua với EMA 20. Sự xuất hiện của breakaway gap trong phiên giao dịch ngày 07/07/2011 có thể mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho giá.
VS-Mid Cap mặc dù không còn dẫn đầu nhưng vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Realtive Strength Index của VS-Mid Cap vẫn đang trong quá trình hình thành.

(*) VS 100, VS-Sector Index, VS-Market Cap là các chỉ số thuộc hệ thống VS-Index do Vietstock phát triển với nhiều ưu điểm nổi trội.
VS 100 được tính toán dựa trên 100 cổ phiếu dẫn đầu trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Các cổ phiếu này được chọn lọc một cách kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí cơ bản, vốn hóa thị trường và có tính đại diện cho từng ngành...
VS 100 có trọng số tính toán dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated), giúp khắc phục nhược điểm của hầu hết các bộ chỉ số trên thị trường hiện nay.
VS-Sector Index là hệ thống 24 Chỉ số Ngành do Vietstock xây dựng, cũng được dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated).
VS-Market Cap gồm VS-Large Cap, VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giúp phân tích hướng đi của dòng tiền và hạn chế tín hiệu nhiễu của các chỉ số thị trường VN-Index và HNX-Index.
IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 04/07 – 08/07/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 11 – 15/07: Thị trường tiếp tục “uể oải”